Quảng Phúc: Sức bật từ kinh tế biển

Thứ hai - 17/12/2018 17:24
Phường Quảng Phúc là địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Do đó, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, thúc đẩy kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Thời gian qua, phường Quảng Phúc đã và đang thực hiện nhiều cách làm mới, đột phá trong thu hút đầu tư, áp dụng quy trình đánh bắt hiện đại, cải hoán công suất tàu cá đánh bắt xa bờ, từ đó, nâng cao giá trị thủy sản, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Đến nay, toàn phường có 245 tàu lắp máy trên 20CV, trong đó có 230 tàu công suất trên 90CV, 15 tàu dưới 90CV. Tàu, thuyền không lắp máy, lắp máy công suất dưới 20CV có 67 chiếc.
Năm 2018, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản xa bờ, phát triển kinh tế sản xuất từ nghề biển. Nhờ đó, tổng sản lượng thủy sản đánh bắt được trong năm 2018 ước đạt 6.717 tấn, đạt 104,47% KH, tăng 6,89% so với cùng kỳ năm 2017; ước tính thành tiền 255.874 triệu đồng, tăng 18.180 triệu đồng so với năm 2017.
Các tàu thuyền trên địa bàn phường luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách về đánh bắt, khai thác thủy sản của Nhà nước. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các tàu thuyền vẫn thường xuyên ra khơi, bám ngư trường để hoạt động khai thác thủy sản.
Nhằm hỗ trợ tốt trong việc đánh bắt xa bờ và phòng chống thiên tai, rủi ro, UBND phường Quảng Phúc đã phối hợp chỉ đạo duy trì tốt hoạt động của 43 tổ đoàn kết khai thác đánh bắt hải sản trên biển và 8 tổ hợp tác nghề biển.
Phường cũng luôn tạo điều kiện cho các tàu thuyền trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục chuyển đổi nghề. Cụ thể, trong năm 2018, có 2 trường hợp tàu đóng theo Nghị định 67 xin chuyển đổi, bổ sung nghề, phường đã hướng dẫn các chủ tàu thủ tục làm hồ sơ chuyển đổi, bổ sung nghề theo quy định.
Phường cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT làm việc với các chủ tàu, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ đóng tàu theo Nghị định 67. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, cả phường đã có 7 đợt tàu ngư dân với 501 lượt tàu thường xuyên tham gia đánh bắt ở các ngư trường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Các tàu này được Nhà nước hỗ trợ về nhiên liệu, tiền bảo hiểm vỏ tàu, thân tàu với tổng số tiền 58.691 triệu đồng (đã giải ngân hơn 47.463 triệu đồng).
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, cho biết: “Gia đình tôi có 3 tàu cá, chủ yếu khai thác ở ngư trường Hoàng Sa và vịnh Bắc Bộ. Tính trung bình, mỗi tháng, các tàu cá khai thác được sản lượng khoảng 30 tấn, thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/tháng, giải quyết việc làm cho 35-37 lao động ở địa phương.
Thời gian qua, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ về xăng dầu, các chính sách ưu đãi cho vay vốn đóng tàu…, do đó, gia đình rất yên tâm để bám biển vươn khơi”.
Cùng với khai thác đánh bắt xa bờ, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phường Quảng Phúc đang từng bước ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ và cá nước ngọt trên cơ sở quy hoạch, khuyến khích đầu tư đa dạng hóa các đối tượng nuôi theo từng vùng, áp dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học kỹ thuật, bảo đảm năng suất, chất lượng nuôi.
Trong năm 2018, toàn phường đã triển khai nuôi tôm, cá mặn, lợ trên diện tích mặt nước 40 ha và cá nước ngọt 10 ha. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 74 tấn, đạt 105,72%KH, ước tính thành tiền 6.221 triệu đồng.
Mặc dù việc khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản đạt được năng suất và sản lượng cao, tuy nhiên, hạ tầng phát triển nghề biển vẫn còn nhiều khó khăn, như: giá trị sản phẩm chế biến còn thấp, dịch vụ hậu cần nuôi trồng, đánh bắt chưa phát huy hết tiềm năng, chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa…
Với mục tiêu phát triển kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn của phường, ông Nguyễn Tiến Thành, Bí thư Đảng bộ phường Quảng Phúc cho biết, phường đang tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng và phát triển nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, phát triển nhanh các ngành nghề dịch vụ đồng bộ gắn với phát triển kinh tế biển.
Đặc biệt, trong năm 2018, các cấp, ngành và TX.Ba Đồn đã phê duyệt cho thực hiện dự án khu dân cư phía Nam, tổ dân phố Mỹ Hòa, chợ thuỷ sản, cầu tàu. Dự án có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, được triển khai từ tháng 7-2018, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng xây dựng.
Sau khi dự án hoàn thành, dự án sẽ hỗ trợ rất lớn đối với việc ra vào cảng của các tàu thuyền; hình thành chợ thủy sản lớn đầu tiên tại Quảng Phúc và cũng là đầu tiên của TX.Ba Đồn, tạo điểm nhấn trong việc phát triển nghề biển của địa phương.
Bên cạnh đó, cùng với việc tập trung đánh bắt xa bờ có giá trị kinh tế cao, phường cũng chỉ đạo phải kết hợp bảo đảm nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Phường chủ động tuyên truyền cho người dân về phòng chống lụt bão cứu hộ cứu nạn, trang bị đầy đủ các trang bị bảo đảm an toàn cho khai thác đánh bắt xa bờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra…                           

Tác giả bài viết: Lê Mai (Báo Quảng Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập256
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm250
  • Hôm nay32,448
  • Tháng hiện tại71,493
  • Tổng lượt truy cập34,501,020
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây