Thị xã Ba Đồn phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương
Thứ sáu - 14/12/2018 15:45
Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy; nằm trên tuyến giao thông Bắc - Nam của Việt Nam, thị xã Ba Đồn được xác định là trung tâm kinh tế - văn hóa phía Bắc tỉnh Quảng Bình, có cửa ngõ kết nối với các đô thị khu vực Bắc Trung bộ, vùng kinh tế Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình trong hành lang kinh tế Đông - Tây; đồng thời còn là cửa ngõ phía Đông của vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar; cách khu cụm Cảng Biển Hòn La 25 km về phía Bắc và Cửa khẩu quốc tế Cha Lo 140 km về phía Tây; vì vậy, Ba Đồn có lợi thế trong xuất khẩu hàng hóa, kết nối thị trường trong nước với khu vực và thế giới.
Ba Đồn là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi có bờ biển trải dài hơn 7 km, cát trắng mịn màng. Các bãi biển đều mang vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết, không gian thoáng đãng, nước trong xanh biếc. Vùng sinh thái biển, ven sông có nhiều dạng địa hình, cảnh quan là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách thập phương đến khám phá, chiêm ngưỡng. Hơn thế, ở trung tâm thị xã có chợ Ba Đồn là hạt nhân của Ba Đồn trước đây, từng nổi tiếng một thời là nơi giao thương buôn bán khá sầm uất... Đồng thời cùng các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm tạo sự bứt phá như: Khu resort nghỉ dưỡng tại bãi biển Quảng Thọ do Tập đoàn Kim Tự Tháp đầu tư; triển khai dự án xây dựng công viên tại tượng đài cũ, công viên cây xanh tại khu phố 5 - phường Ba Đồn và một số điểm tại các xã vùng Nam....
Ngoài tiềm năng phát triển du lịch - dịch vụ, Ba Đồn còn có thế mạnh để phát triển nghề đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản. Hằng năm, sản lượng đánh bắt nuôi trồng thủy sản thực hiện khoảng 11.000 tấn. Trên địa bàn thị xã có trên 910 chiếc tàu đánh cá với tổng công suất 76.350 CV, trong đó có hàng trăm tàu có công suất lớn tham gia đánh bắt ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó còn có khu neo đậu với sức chứa khoảng 1000 tàu lớn, công suất lớn. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thị xã hiện có khoảng 481 ha.
Đây là điều kiện thuận lợi để Ba Đồn phát triển nghề đóng tàu, cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến hải sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu ra các nước. Ngoài ra, vùng Bắc thị xã là vùng đất cao. Hiện có khoảng 200 ha diện tích mặt bằng không có nhà ở nên rất thuận lợi cho đầu tư phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Trước tiềm năng, lợi thế của Ba Đồn, UBND thị xã đã tập trung nghiên cứu và xây dựng các dự án cụ thể ưu tiên mời gọi đầu tư ở từng lĩnh vực, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thị xã và của tỉnh Quảng Bình. Trong cơ chế ưu đãi chung của Chính phủ Việt Nam cũng như tỉnh Quảng Bình cho áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi, lãnh đạo UBND thị xã luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật để doanh nghiệp hoạt động và phát huy tốt vai trò của mình. Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ và ưu đãi khác đối với các dự án, các lĩnh vực mà thị xã khuyến khích đầu tư. Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị xã luôn được giữ vững và ổn định, từ đó tạo sự yên tâm, tin tưởng cho nhà đầu tư đến hoạt động đầu tư kinh doanh.
Các dự án thị xã kêu gọi đầu tư đã có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao thông thuận tiện, địa điểm đầu tư nằm sát với trung tâm thị xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và lợi nhuận của các dự án mang lại. UBND thị xã cam kết sẽ nỗ lực hết mình sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển, nhằm xây dựng môi trường thân thiện và tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao vai trò và hiệu lực công tác quản lý nhà nước bằng việc định hướng cho sự phát triển của các doanh nghiệp; giảm tối đa sự can thiệp hành chính không cần thiết vào hoạt động của doanh nghiệp.
Cùng với đó, thị xã thực hiện các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ sau khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh như: Tiếp cận đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực; kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại... Thị xã cũng tiếp tục nâng cao năng lực dự báo các vấn đề của hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội và vượt qua các thách thức để tăng cường hợp tác đầu tư, khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với tiềm năng lợi thế của địa phương, trong tương lai không xa, thị xã Ba Đồn sẽ vươn tầm cao mới xứng tầm với quy mô của đô thị loại IV.
Tác giả bài viết: Lệ Hằng