Xã Quảng Tiên: Đất cằn "nở hoa"
Thứ năm - 03/01/2019 16:15
Quảng Tiên là xã có địa hình phức tạp với đa phần đất sản xuất, sinh hoạt nằm sát dốc núi, ven sông và hay bị ngập lụt… Đời sống của người dân vì thế còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng, trong gian khó, mong muốn làm giàu chính đáng của người dân Quảng Tiên lại càng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Vậy là, mỗi người một cách nghĩ, cách làm khác nhau đã góp phần gây dựng nên những mô hình kinh tế mới, nâng cao thu nhập cho bản thân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Quảng Tiên vốn là một xã thuần nông, có nền nông nghiệp chủ yếu độc canh cây lúa. Với vị trí nằm cuối nguồn nước Rào Nan, nước tưới thường đến chậm nên việc phát triển của các loại cây trồng, vật nuôi của Quảng Tiên gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, chính quyền xã Quảng Tiên đã có những định hướng mới trong sản xuất nông nghiệp. Xã đã tập trung chỉ đạo bà con tăng cường học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng ngành nghề trên cơ sở khai thác hiệu quả thế mạnh về đất đai và nguồn lực tại chỗ.
Xã xác định mô hình trang trại là mục tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã có khoảng 5 trang trại đạt tiêu chí. Trên cơ sở định hướng về phát triển mô hình kinh tế trang trại, xã đã tăng cường công tác vận động và tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân chuyển đổi những diện tích trồng cây kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại và gia trại.
Với những trang trại, gia trại chăn nuôi hiện có, xã vận động các hộ dân đầu tư nguồn giống nhằm nâng cao chất lượng, số lượng đàn gia súc, gia cầm; đồng thời, đầu tư nuôi những vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Nhiều năm lặn lội, bươn chải làm ăn khắp nơi, đầu năm 2015, ông Hoàng Văn Long (thôn Tiên Sơn, xã Quảng Tiên) quyết định trở về quê với ý chí quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, ông Long đã thuê đất để sản xuất, chăn nuôi. Từ mảnh đất hoang hóa, lầy lội đầy cây cỏ dại, ông Long quyết định làm mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp có diện tích trên 5.000m².
Với số vốn đầu tư hơn 450 triệu đồng (chưa kể vốn đầu tư mua giống, thức ăn chăn nuôi…), ông Long đã xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, bò… Bên cạnh đó, ông còn trồng tràm với diện tích 31.000m2. Sau một năm đi vào hoạt động, đầu ra của chăn nuôi gặp nhiều thuận lợi, ông Long tiếp tục phát triển thêm lợn nái giống, mô hình gà thả vườn.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2017, giá cả thị trường biến động, giá lợn giảm mạnh, chăn nuôi thua lỗ, gia đình ông Long rơi vào khó khăn. Đã vậy, cơn bão số 10 còn xoá sổ gần hết diện tích rừng tràm của gia đình, khiến cho khó khăn chồng khó khăn. Nhưng với quyết tâm không để công sức và tiền của gia đình đầu tư uổng phí, ông Long quyết gây dựng lại trang trại. Ông đào ao thả cá, nuôi thêm ngan, gà, trồng thêm cây ăn quả…, “lấy ngắn nuôi dài”, để phát triển trang trại.
Cùng với đó, ông cũng chịu khó đến các trang trại khác để học hỏi thêm kinh nghiệm, phát triển trang trại của gia đình.Ông Longchia sẻ: “Vượt qua khó khăn, giờ trang trại của tôi đã dần ổn định nhờ giá lợn tăng trở lại, đàn vật nuôi phát triển tốt.
Hiện, trang trại có 26 con lợn nái, 150 con lợn thịt/lứa; đàn gia cầm khoảng 1.000 con…, mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Dự kiến, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư nuôi thêm lợn nái sinh sản và đa dạng hoá vật nuôi để nâng cao thu nhập của gia đình”.
Cũng với ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Đoàn Ngọc Lĩnh (thôn Tiền Phong, xã Quảng Tiên) đã biến mảnh đất 5ha cằn cỗi, sỏi đá thành khu vườn màu mỡ, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Tập trung phát triển trang trại tổng hợp, ông Lĩnh cũng chọn phương án “lấy ngắn nuôi dài” để phát triển mô hình.
Mô hình trang trại tổng hợp lợi nhuận đưa lại hàng năm không cao nhưng ổn định, tính rủi ro thấp, là cơ sở ban đầu để phát triển trang trại chuyên canh lâu dài.Với diện tích đất sát lèn đá, ông Lĩnh đã phát triển một rừng keo tràm khoảng 3 ha, vừa mang lại thu nhập cho gia đình, vừa cải tạo được diện tích đất hoang hoá.
Ở những diện tích đất phì nhiêu hơn, ông Lĩnh quy hoạch vùng trồng ổi, nhãn, na, mít Thái, bưởi Phúc Trạch… Đặc biệt, trang trại ông Lĩnh đang chú trọng đẩy mạnh phát triển đàn vật nuôi với 11 con bò, trên 100 con gà mỗi lứa. Nhờ đó, mỗi năm, trang trại của ông Lĩnh thu nhập được trên 200 triệu đồng. Cùng với phát triển kinh tế trang trại, xã Quảng Tiên cũng tăng cường sản xuất trồng trọt; khai thác, nuôi trồng thủy sản; phát triển ngành nghề nông thôn… Đặc biệt, hoạt động thương mại của xã đang có bước chuyển biến tích cực.
Các hộ kinh doanh, buôn bán ngày càng tăng về số lượng, chất lượng hàng hóa bảo đảm doanh thu ổn định. Số hộ gia đình chuyển sang làm dịch vụ ngày càng tăng. Nghề may và gia công nón lá cũng đang phát triển mạnh với trên 300 hộ gia đình duy trì thường xuyên, giải quyết việc làm trên 600 lao động…Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Ngừng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên cho biết, xã đang phấn đấu đến năm 2020 có thêm 2-3 trang trại đạt tiêu chí, nâng tỷ lệ con giống mới và chất lượng được đưa vào sản xuất đạt 70%.
Để thực hiện thành công các mục tiêu này, xã tiếp tục vận động nhân dân mạnh dạn chọn các loại giống tốt, có chất lượng cao vào chăn nuôi, như: bò lai Sind, lợn siêu nạc, gà ri lai thả đồi…; đầu tư phát triển các gia trại, trang trại chăn nuôi với số lượng lớn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, chăn nuôi hàng hoá trên địa bàn.Xã cũng chỉ đạo, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng hành với việc phát triển kinh tế của địa phương, UBND TX. Ba Đồn đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND xã Quảng Tiên hỗ trợ bà con trong công tác phòng, ngừa dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi; tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; rà soát hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất mới, hiệu quả…
Tác giả bài viết: Lê Mai (Báo Quảng Bình)