Thị xã Ba Đồn: tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Thứ năm - 18/10/2018 17:39
Tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả được xác định là giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Do đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp TX.Ba Đồn đã tích cực đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, giống cây, con cải tiến… vào sản xuất để nâng cao hiệu quả mô hình…
     Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TX.Ba Đồn trong những năm qua phát triển khá toàn diện, nhiều tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã được ứng dụng vào sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Tuy nhiên, năng suất và hiệu quả còn thấp nếu xét về quy mô cũng như yêu cầu mang tính bền vững so với mục tiêu đề ra; việc đầu tư thâm canh và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vẫn chưa được nông dân chú trọng. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế chủ yếu là do người dân thiếu nguồn lực đầu tư, các mô hình dự án triển khai thiếu tập trung, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, nông dân thiếu quan tâm sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới, giá tiêu thụ không ổn định…
 Trước thực tế đó, TX.Ba Đồn xác định tập trung phát triển, hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả là giải pháp hàng đầu để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp phát triển bền vững. UBND TX.Ba Đồn đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Mục tiêu chính của đề án là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và kỹ thuật; đa dạng hoá cây trồng, nâng cao giá trị sử dụng đất; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại…
Thực hiện đề án, thời gian qua, các xã, phường của thị xã đã xây dựng một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Mô hình sản xuất giống lúa tại chỗ trên địa bàn TX.Ba Đồn đã tạo được sự đột phá trong việc đưa các giống mới vào sản xuất. Các giống lúa mới đã phủ kín diện tích sản xuất nhằm thay thế các giống lúa có hiện tượng thoái hoá, kém chất lượng trên toàn địa bàn thị xã, như: Xi23, X21, NX30…
Năm 2018, toàn thị xã thực hiện 100 ha, trên địa bàn 7 xã, phường, tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng, như: HT1, P6, PC6, để giảm chi phí mua giống cho người dân. Trong đó, vụ hè-thu thực hiện 50 ha, đạt năng suất bình quân 58,4 tạ/ha, tổng sản lượng tại các điểm làm giống đạt 291,8 tấn. Mô hình làm giống lúa tại chỗ đã giúp nông dân chủ động về số lượng và chủng loại giống cho các vụ tiếp theo, được bà con và chính quyền các địa phương đánh giá có hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND TX.Ba Đồn cho biết, để khuyến khích nông dân tham gia mô hình hiệu quả, hàng năm, UBND thị xã có chính sách trợ giá các chi phí sản xuất cho nông dân. Cụ thể, thị xã trợ giá giống lúa nguyên chủng các loại với định mức từ 10.000 đồng/kg; hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh với định mức 15.000 đồng/sào. Cùng với mô hình sản xuất giống lúa tại chỗ, các mô hình sản xuất ngô, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng… cũng đạt kết quả tốt trong những năm qua. Đặc biệt, mô hình trang trại hiện đang là chủ trương lớn được thị xã tập trung triển khai.
Theo ông Khánh, kinh tế trang trại đang là hướng phát triển có hiệu quả, bởi đây là loại hình sản xuất nông hộ tiên tiến, mang tính hàng hóa cao với quy mô rộng, có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Để tạo lực cho việc phát triển mô hình, hàng năm, thị xã có chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các trang trại từ 5-30 triệu đồng/trang trại. Hiện nay, toàn thị xã có 20 trang trại, trong đó có 7 trang trại thuỷ sản, 5 trang trại chăn nuôi và 8 trang trại tổng hợp. Mô hình trang trại tổng hợp đang là loại hình chính trong mô hình trang trại trên địa bàn thị xã.
Do điều kiện kinh tế, đất đai của các trang trại còn hạn chế nên khả năng đầu tư chuyên canh một loại cây trồng, vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Hình thức đầu tư tổng hợp, lấy ngắn nuôi dài vẫn là lựa chọn phổ biến của các chủ trang trại hiện nay. Mô hình trang trại tổng hợp lợi nhuận đưa lại hàng năm không cao nhưng ổn định, tính rủi ro thấp, là cơ sở ban đầu để phát triển trang trại chuyên canh lâu dài.
Vốn đầu tư của trang trại bình quân khoảng 600 triệu đồng, thu nhập bình quân 185 triệu đồng/trang trại. Điển hình có trang trại của ông Đoàn Ngọc Lĩnh ở xã Quảng Tiên, thu nhập bình quân 250 triệu đồng/năm. Cùng với sự phát triển ổn định của các trang trại tổng hợp, các trang trại thuỷ sản cũng mang lại thu nhập bình quân từ 100-220 triệu đồng/trang trại. Các loại thuỷ sản nuôi chủ yếu là: tôm, các loại cá truyền thống…
Một trong những trang trại làm ăn hiệu quả nhất là trang trại ông Nguyễn Văn Đồng. Với tổng diện tích 2,35 ha, ông Đồng thả 3 hồ tôm và 1 hồ cá, cua mặn lợ, lượng giống thả nuôi trên 1 triệu con, sản lượng thu hoạch khoảng 7 tấn, doanh thu trên 800 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận thu về khoảng 400 triệu. Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn TX. Ba Đồn cũng có thu nhập bình quân khoảng 140 triệu đồng/trang trại, với các loại vật nuôi chủ yếu, như: bò, lợn, gà, vịt…
Điển hình có trang trại chăn nuôi bò của ông Phan Xuân Hà, xã Quảng Sơn với quy mô trên 45 bò lai Zêbu, thu nhập mỗi năm khoảng 240 triệu đồng; trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Nguyễn Quang Luyến, phường Quảng Phong, kết hợp chăn nuôi vịt và dịch vụ ấp nở cung cấp con giống và trứng vịt lộn trên toàn tỉnh, thu nhập mỗi năm đạt 150 triệu đồng. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình sản xuất trên địa bàn thị xã được thử nghiệm thành công, mang lại hiệu quả tích cực, được thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, để các mô hình được nhân rộng không phải chuyện dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Khánh cho biết, UBND thị xã đã có đề xuất với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đầu tư kinh phí hỗ trợ phát triển trang trại và thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp mới phù hợp với điều kiện tự nhiên-xã hội của địa phương; đề nghị Thị ủy, HĐND, UBND thị xã tiếp tục bổ sung thêm kinh phí trong nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng năm để khuyến khích nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Bên cạnh đó, các ban ngành, đoàn thể, các địa phương trên địa bàn thị xã cần tích cực tuyên truyền nhân rộng các mô hình hiệu quả; tổ chức tham quan các huyện và tỉnh bạn để học hỏi kinh nghiệm các mô hình mới có năng suất, giá trị kinh tế cao…   

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập641
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm640
  • Hôm nay21,278
  • Tháng hiện tại326,047
  • Tổng lượt truy cập39,845,836
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây