Luật Quốc Phòng 2018 (Chương II)

Thứ ba - 07/05/2019 16:40
Chương II. HOẠT ĐỘNG CƠ BẢN VỀ QUỐC PHÒNG 
Điều 7. Nền quốc phòng toàn dân
1. Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.
2. Nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm:
a) Xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, kế hoạch phòng thủ đất nước; nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị vững mạnh;
b) Xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc;
c) Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ của Nhà nước và Nhân dân phục vụ quốc phòng; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ quân sự phù hợp để xây dựng đất nước;
d) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm động viên quốc phòng;
đ) Xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện, hợp thành phòng thủ đất nước; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ở các vùng chiến lược, trọng điểm, biển, đảo, khu vực biên giới, địa bàn xung yếu; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong phạm vi cả nước;
e) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;
g) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước;
h) Đối ngoại quốc phòng;
i) Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại;
k) Xây dựng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân của người phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân;
l) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh.
Điều 8. Phòng thủ quân khu
1. Phòng thủ quân khu là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước, bao gồm các hoạt động xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn quân khu.
2. Nhiệm vụ phòng thủ quân khu bao gồm:
a) Xây dựng kế hoạch, tổ chức chuẩn bị và thực hiện phòng thủ quân khu;
b) Xây dựng cơ quan, đơn vị của quân khu vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, Dân quân tự vệ trên địa bàn quân khu vững mạnh và rộng khắp;
c) Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị của quân khu; phối hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện phòng thủ dân sự và các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp xây dựng khu vực phòng thủ thành thế liên hoàn, vững chắc toàn diện; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn quân khu;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp địa phương kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế - xã hội trong lập quy hoạch, kế hoạch, dự án và tham gia thẩm định theo thẩm quyền; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại; tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; xây dựng, quản lý các khu kinh tế - quốc phòng được giao; giáo dục quốc phòng và an ninh; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quốc phòng; xây dựng và thực hiện kế hoạch động viên quốc phòng; chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn quân khu;
e) Phối hợp đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn quân khu; thực hiện đối ngoại quốc phòng;
g) Phối hợp địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị của quân khu tham gia xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện;
h) Phối hợp cơ quan, đơn vị Công an nhân dân và lực lượng khác trong bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm;
i) Thực hiện nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao.
3. Chính phủ quy định việc chỉ đạo, chỉ huy, mối quan hệ phối hợp, công tác bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ quân khu.
Điều 9. Khu vực phòng thủ
1. Khu vực phòng thủ là bộ phận hợp thành phòng thủ quân khu, bao gồm các hoạt động về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại; được tổ chức theo địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, lấy xây dựng cấp xã làm nền tảng để bảo vệ địa phương.
2. Nhiệm vụ khu vực phòng thủ bao gồm:
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khu vực phòng thủ;
b) Xây dựng tiềm lực về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân;
c) Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, an ninh;
d) Nắm chắc tình hình, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của thế lực thù địch, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; chiến đấu bảo vệ địa phương, tạo thế và lực cho Bộ đội chủ lực hoạt động tác chiến trên địa bàn; sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho địa phương khác;
đ) Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị trên địa bàn; phối hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện phòng thủ dân sự và các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;
e) Chuẩn bị mọi mặt, thực hiện lệnh, quyết định, biện pháp trong giới nghiêm, thiết quân luật, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, động viên cục bộ, tổng động viên, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và phục vụ chiến đấu lâu dài của địa phương; sẵn sàng vũ trang toàn dân bảo vệ Tổ quốc;
g) Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;
h) Thực hiện nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền giao.
3. Khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước, thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều này và xây dựng cơ quan, đơn vị Bộ đội chủ lực của Bộ Tư lệnh Thủ đô vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao.
4. Chính phủ quy định việc chỉ đạo, chỉ huy, mối quan hệ phối hợp, công tác bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về khu vực phòng thủ.
Điều 10. Giáo dục quốc phòng và an ninh
1. Giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện trong phạm vi cả nước với nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp cho từng đối tượng.
2. Nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh bao gồm:
a) Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, người học trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
b) Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư;
c) Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân.
3. Giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 11. Động viên quốc phòng
1. Động viên quốc phòng là tổng thể các hoạt động và biện pháp huy động mọi nguồn lực của đất nước hoặc một số địa phương phục vụ cho quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
2. Nhiệm vụ động viên quốc phòng bao gồm:
a) Động viên mọi nguồn lực của nền kinh tế quốc dân bảo đảm cho quốc phòng;
b) Động viên bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh;
c) Xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên; xây dựng và mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ;
d) Động viên công nghiệp;
đ) Chuyển tổ chức, hoạt động của các Bộ, ngành trung ương, địa phương từ thời bình sang thời chiến;
e) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Việc tổ chức xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện động viên quốc phòng theo quy định của Chính phủ.
Điều 12. Công nghiệp quốc phòng, an ninh
1. Công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận của công nghiệp quốc gia, một phần quan trọng của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh, là ngành đặc thù, có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị, vật tư, thiết bị kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc thù, xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh; huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; đầu tư có trọng điểm cho vũ khí, trang bị công nghệ cao; phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế.
3. Chính phủ chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
4. Nguyên tắc, chính sách, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động, quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 13. Phòng thủ dân sự
1. Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
2. Nhiệm vụ phòng thủ dân sự bao gồm:
a) Xây dựng cơ chế hoạt động, kế hoạch phòng thủ dân sự;
b) Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập;
c) Xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự;
d) Xây dựng hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin, nghiên cứu dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động;
đ) Thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự.
3. Lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm:
a) Lực lượng nòng cốt gồm Dân quân tự vệ; Công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các Bộ, ngành trung ương, địa phương;
b) Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 14. Đối ngoại quốc phòng
1. Đối ngoại quốc phòng để thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
2. Nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng bao gồm:
a) Thiết lập, phát triển quan hệ quốc phòng với các quốc gia có chủ quyền và các tổ chức quốc tế;
b) Xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế; thực hiện đối thoại về quốc phòng; xây dựng, củng cố lòng tin, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tình đoàn kết giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước trên thế giới;
c) Tham gia xây dựng và thực thi các cơ chế hợp tác quốc phòng song phương, đa phương, khu vực, liên khu vực và toàn cầu vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển;
d) Thông tin đối ngoại về quốc phòng.
3. Nguyên tắc, nội dung, hình thức đối ngoại quốc phòng và trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng
1. Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.
2. Nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng bao gồm:
a) Nhà nước có kế hoạch, chương trình kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ;
b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, ngành, vùng, địa phương, các dự án quan trọng quốc gia, khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược phải kết hợp với quốc phòng, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc;
c) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan lập kế hoạch về nhu cầu quốc phòng và khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh; tổ chức, xây dựng khu kinh tế - quốc phòng; tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng theo quy định của pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
d) Bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phải được Bộ Quốc phòng cho ý kiến, tham gia thẩm định theo quy định của Luật Quy hoạchLuật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phải tuân thủ yêu cầu về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng theo quy định của luật có liên quan;
e) Một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 16. Công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương
1. Công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương là hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo thẩm quyền.
2. Bộ, ngành trung ương có ban chỉ huy quân sự làm việc theo chế độ kiêm nhiệm để tham mưu và tổ chức thực hiện công tác quốc phòng.
3. Địa phương có cơ quan thường trực công tác quốc phòng là cơ quan quân sự địa phương cùng cấp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập249
  • Hôm nay48,134
  • Tháng hiện tại273,262
  • Tổng lượt truy cập41,418,716
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây