Quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông
Thứ tư - 04/11/2020 08:33
Áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh là những dụng cụ giúp đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách nếu không may bị đắm tàu, thuyền khi tham gia giao thông đường thủy nội địa.
Tuy nhiên hiện nay, tại một số bến đò trên địa bàn tỉnh, từ lái đò đến hành khách đều không mặc áo phao hay cầm dựng cụ nổi cứu sinh. Đặc biệt, vào những giờ cao điểm, người và xe chen chúc chật cứng trên đò, nhưng không ai mặc áo phao để phòng ngừa tại nạn. Những chiếc áo phao cũ mèm, bụi bặm được buộc chặt trước buồng lái, nếu đò gặp sự cố, chắc chắn hành khách không thể lấy kịp áo phao để mặc vào người và khi tai nạn xảy ra rất khó khăn trong việc cứu vớt các nạn nhân.
Theo Thông tư số 15 của Bộ Giao thông vận tải quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông, cụ thể:
Mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.
Phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, bảo đảm đáp ứng đủ số lượng cho tất cả mọi người được chở trên phương tiện (bao gồm hành khách, thuyền viên và người lái phương tiện);Áo phao và dụng cụ nổi cá nhân sử dụng trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải bảo đảm chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quy định và được bảo quản khô ráo, sạch sẽ và bảo đảm tính năng an toàn kỹ thuật khi sử dụng; Áo phao, dụng cụ nổi cá nhân phải được để ở chỗ thuận tiện, dễ nhìn thấy, dễ lấy và không làm che khuất tầm nhìn của người lái phương tiện thủy nội địa.
Trách nhiệm của chủ khai thác bến khách ngang sông:
Tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, hành khách khi tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hành khách ngang sông thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Thông tư này.
Chỉ cho phương tiện hoạt động tại bến khi phương tiện đã thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư này.
Liên đới chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông đối với trường hợp cho phương tiện rời bến khi thuyền viên, người lái phương tiện, hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách.
Trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông:
Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông có trách nhiệm trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện phải bảo đảm đầy đủ về số lượng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
Thuyền viên, người lái phương tiện vận tải khách ngang sông có trách nhiệm:
Trước khi cho phương tiện rời bến phải phát cho mỗi hành khách đi trên phương tiện một áo phao hoặc một dụng cụ nổi cá nhân để sử dụng;
Hướng dẫn và yêu cầu hành khách trên phương tiện mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trong suốt hành trình của phương tiện.
Từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn.
Chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách.
Trách nhiệm của hành khách
Tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện trong việc thực hiện quy định về mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông trong suốt hành trình của phương tiện.
Chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra do việc không tuân thủ các quy định, hướng dẫn về mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách khi tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hành khách ngang sông.
Tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 132 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện.
Tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 132 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông.