TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG LOA TRUYỀN THANH CƠ SỞ

Thứ hai - 03/10/2022 17:43
Kỳ 1
MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 83/2017/NĐ-CP NGÀY 18/7/2017 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC CỨU NẠN, CỨU HỘ CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
1. Nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ
Điều 4 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ như sau:
1. Ưu tiên cứu người bị nạn; thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, phương tiện, tài sản của người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ.
2. Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong chỉ huy, điều hành hoạt động cứu nạn, cứu hộ.
3. Lấy lực lượng, phương tiện tại chỗ là chủ yếu, lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, huy động tổng hợp các lực lượng và nhân dân tham gia cứu nạn, cứu hộ.
2. Các hành vi nghiêm cấm trong công tác cứu nạn, cứu hộ
Điều 6 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định các hành vi nghiêm cấm như sau:
1. Gây sự cố, tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người, an toàn phương tiện, tài sản để trục lợi.
2. Cản trở, chống lại các hoạt động phòng ngừa, cứu nạn, cứu hộ.
3. Cố ý báo tin sự cố, tai nạn giả.
4. Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ, biển báo, biển chỉ dẫn về cứu nạn, cứu hộ.
5. Lợi dụng công tác cứu nạn, cứu hộ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình và cá nhân.
3. Phòng ngừa sự cố, tai nạn đối với nhà, công trình, địa điểm, phương tiện, thiết bị
Điều 6 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định về phòng ngừa sự cố, tai nạn đối với nhà, công trình, địa điểm, phương tiện, thiết bị như sau:
1. Các biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn bao gồm:
a) Đối với nhà, công trình, phương tiện, thiết bị, phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn khi xây dựng, sử dụng, sửa chữa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, giao thông, phòng cháy và chữa cháy và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
b) Ở khu vực dễ xảy ra đuối nước, dễ ngã xuống vực, hố sâu, điểm dễ trượt ngã nguy hiểm khác phải có biển cảnh báo nguy hiểm, biển cấm hoặc có các giải pháp để bảo đảm an toàn.
c) Ở khu vực phát sinh, tồn dư khói, khí độc phải có biển cảnh báo, biển cấm.
d) Khi hoạt động ở khu vực, địa điểm dễ sạt lở thì phải có biển cảnh báo, biển cấm hoặc các giải pháp để bảo đảm an toàn.
đ) Nơi chứa hóa chất độc hại phải bố trí, sắp xếp và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng chống cháy, n, rò rỉ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
e) Xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải phải có các thiết bị, dụng cụ bảo hộ, cứu nạn, cứu hộ ban đầu, khi tham gia giao thông phải thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.
g) Các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy phải trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bố trí lối thoát hiểm, biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật.
h) Đối với các công trình, phương tiện, thiết bị khác, cần tự trang bị phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ, bố trí lối thoát hiểm, các biện pháp an toàn phù hợp với điều kiện hoạt động của các công trình, phương tiện, thiết bị đó.
2. Người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ
Điều 15 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định về Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ như sau:
1. Thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cơ sở, cá nhân tham gia cứu nạn, cứu hộ, trừ người, phương tiện, tài sản của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cơ sở, cá nhân trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình;
b) Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở địa phương huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc quyền, lực lượng dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành trong phạm vi địa bàn quản lý của mình và người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi xét thấy cần thiết;
c) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được huy động lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành và người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi xét thấy cần thiết.
2. Khi được huy động người, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ thì cơ quan, tổ chức, cơ sở, cá nhân phải chấp hành ngay.
3. Yêu cầu huy động người, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ được thực hiện bằng lời nói hoặc văn bản. Trường hợp huy động bằng lời nói thì ngay sau khi tình huống cấp bách chấm dứt, cơ quan của người đã huy động người, phương tiện, tài sản đó phải có văn bản về việc huy động gửi đến cơ quan, tổ chức, cơ sở, cá nhân được huy động.
4. Phương tiện, tài sản được huy động để cứu nạn, cứu hộ phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc cứu nạn, cứu hộ; trường hợp bị mất, hư hỏng thì được bồi thường theo quy định của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản.


Kỳ 2
MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2022/NĐ-CP NGÀY 05/9/2022 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ ĐỊNH DANH VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ
1. Khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử
Điều 5 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử như sau:
1. Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao qua Nền tảng định danh và xác thực điện tử.
2. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD, trang thông tin định danh điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử bằng thiết bị, phần mềm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn.
3. Chủ thể danh tính điện tử khai thác, chia sẻ thông tin danh tính điện tử (trừ thông tin sinh trắc học) và thông tin khác của mình đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử với cá nhân, tổ chức khác qua ứng dụng VNelD.
2. Điều khoản sử dụng tài khoản định danh điện tử (Điều 6)
Chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử phải tuân thủ quy định sau:
1. Không được sử dụng tài khoản định danh điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Không được can thiệp trái phép vào hoạt động của hệ thống định danh và xác thực điện tử.
3. Đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử
Điều 11 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử bao gồm:
1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
2. Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
3. Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
4. Trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam
Điều 14 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam như sau:
1. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNelD đối với công dân đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử
a) Công dân sử dụng thiết bị di động tải và cài đặt ứng dụng VNelD.
b) Công dân sử dụng ứng dụng VNelD để nhập thông tin về số định danh cá nhân và số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNelD; thu nhận ảnh chân dung bằng thiết bị di động và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD.
c) Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
2. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2
a) Đối với công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử:
Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử. Công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.
Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
b) Cơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân với trường hợp công dân chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử.
5. Sử dụng tài khoản định danh điện tử

Điều 13 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định sử dụng tài khoản định danh điện tử như sau:
1. Chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập và sử dụng các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VNelD, trang thông tin định danh điện tử.
2. Tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tạo lập tài khoản để phục vụ cho hoạt động của mình và chịu trách nhiệm xác thực, bảo đảm tính chính xác của tài khoản do mình tạo lập, quyết định mức độ và giá trị sử dụng của từng mức độ tài khoản. Thông tin để tạo lập tài khoản do chủ thể của tài khoản cung cấp hoặc đồng ý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng để tạo lập tài khoản.
4. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 1 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là công dân Việt Nam có giá trị chứng minh các thông tin của người đó quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này, đối với chủ thể là người nước ngoài có giá trị chứng minh các thông tin của người đó quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của chủ thể danh tính điện tử.
5. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ Căn cước công dân; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
6. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là người nước ngoài có giá trị tương đương như việc sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của người nước ngoài được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
7. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là tổ chức do người đại diện theo pháp luật thực hiện hoặc giao cho người được ủy quyền sử dụng. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử của tổ chức có giá trị chứng minh danh tính điện tử của tổ chức khi thực hiện giao dịch có yêu cầu chứng minh thông tin về tổ chức đó; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của tổ chức được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
8. Khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
 

Kỳ 3
MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 42/2022/NĐ-CP NGÀY 24/6/2022 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CUNG CẤP THÔNG TIN VÀ DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG
1. Các mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Điều 11 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định các mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến như sau:
1. Cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 02 mức độ như sau:
a) Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
b) Dịch vụ công trực tuyến một phần: là dịch vụ công trực tuyến không bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng trừ trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc cơ quan nhà nước phải đi thẩm tra, xác minh tại hiện trường theo quy định của pháp luật.
2. Với các dịch vụ công trực tuyến cho phép tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trên môi trường mạng, cơ quan nhà nước có trách nhiệm:
a) Triển khai áp dụng chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng cho các ứng dụng chuyên ngành đáp ứng yêu cầu về chữ ký số trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
b) Phát triển, sử dụng các biểu mẫu điện tử tương tác theo quy định.
c) Kết nối, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung của các cơ quan nhà nước khác để tự động điền các thông tin vào biểu mẫu điện tử và cắt giảm thành phần hồ sơ, bảo đảm nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
3. Văn phòng Chính phủ hướng dẫn rà soát, đánh giá thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu xây dựng dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ quy định tại Nghị định này.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn tiêu chí kỹ thuật để đánh giá, xếp loại mức độ của dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn, quy định kỹ thuật về tích hợp chữ ký số hoặc ứng dụng ký số trên cổng dịch vụ công.
2. Danh mục dịch vụ công trực tuyến
Điều 12 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định danh mục dịch vụ công trực tuyến bao gồm:
1. Danh mục và thông tin của các dịch vụ công trực tuyến phải được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, đồng bộ và đăng tải trên Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.
2. Các dịch vụ công trực tuyến phải được tổ chức, phân loại theo đối tượng sử dụng (tổ chức, cá nhân), theo nhóm dịch vụ (theo chủ đề), theo mức độ và cơ quan thực hiện để thuận tiện cho việc tìm kiếm, sử dụng.
3. Dịch vụ công trực tuyến khi cung cấp trên môi trường mạng được chuẩn hóa, đồng bộ về mã, tên dịch vụ công trực tuyến; cung cấp biểu mẫu điện tử kèm theo; hướng dẫn quy trình sử dụng cho tổ chức, cá nhân; hướng dẫn quy trình xử lý của các cơ quan nhà nước và kết quả của dịch vụ công trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Việc chuẩn hóa này được công bố kèm hướng dẫn cho người dùng theo từng dịch vụ công trực tuyến.
4. Các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền thực hiện của cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do các bộ, ngành triển khai cung cấp trên môi trường mạng phải được tích hợp, công bố công khai và đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.
5. Quy định về định danh và xác thực điện tử của chủ thể tham gia giao dịch dịch vụ công trực tuyến phải được xác định rõ, công bố trên cổng dịch vụ công và tuân thủ quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
3. Kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Điều 13 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến bao gồm:
1. Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh là thành phần của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp cho tổ chức, cá nhân.
2. Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh phải bảo đảm các yêu cầu:
a) Có tên miền thống nhất theo dạng: dichvucong.(tên bộ, địa phương).gov.vn với giao diện ngôn ngữ tiếng Việt, e-services.(tên bộ, địa phương tiếng Anh).gov.vn với giao diện ngôn ngữ tiếng Anh; tên bộ, địa phương đặt theo quy định của pháp luật và sử dụng công nghệ địa chỉ Internet IPv6.
b) Kết nối, tích hợp với Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cổng dịch vụ công quốc gia.
c) Kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số.
d) Kết nối với Cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng để giúp cho tổ chức, cá nhân thực hiện ký số thuận tiện, dễ dàng khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
đ) Cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật đối với Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
e) Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng công cụ dùng chung để các cơ quan nhà nước phát triển Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.
3. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các cơ quan nhà nước chủ động triển khai các kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến khác sau đây:
a) Mạng xã hội do cơ quan nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của pháp luật.
b) Ứng dụng trên thiết bị di động của cơ quan nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai tập trung, thống nhất, dùng chung trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước, tránh trùng lặp.
4. Cơ quan nhà nước công bố các kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.
5. Các kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Bảo đảm thuận tiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
b) Cho phép tổ chức, cá nhân có thể đánh giá trực tuyến mức độ hài lòng về dịch vụ công trực tuyến được cung cấp. Cơ quan nhà nước bảo đảm tính bí mật, riêng tư của tổ chức, cá nhân đánh giá.
c) Đồng bộ về thông tin, trạng thái xử lý với dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.
6. Tổ chức, cá nhân có quyền chọn lựa kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng và có trách nhiệm tuân thủ những quy định về sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đó.

Kỳ 4
MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT NGƯỜI CAO TUỔI NĂM 2009
1. Người cao tuổi
Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định:
Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
2. Quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi
Điều 3 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi bao gồm:
1. Người cao tuổi có các quyền sau đây:
a) Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ;
b) Quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn;
c) Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi;
đ) Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi;  
e) Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp;
g) Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác;
h) Được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội;
i) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Người cao tuổi có các nghĩa vụ sau đây:
a) Nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
b) Truyền đạt kinh nghiệm quý cho thế hệ sau;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi
Điều 4 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi như sau:
1. Bố trí ngân sách hằng năm phù hợp để thực hiện chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
2. Bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Lồng ghép chính sách đối với người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
4. Phát triển ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi.
5. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khoẻ; tham gia học tập, hoạt động văn hoá, tinh thần; sống trong môi trường an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm; phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
6. Khuyến khích, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn người cao tuổi, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
7. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
8. Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân
Điều 5 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân như sau:
1. Cơ quan tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao trách nhiệm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi.
3. Gia đình người cao tuổi có trách nhiệm chủ yếu trong việc phụng dưỡng người cao tuổi.  
4. Cá nhân có trách nhiệm kính trọng và giúp đỡ người cao tuổi.
Điều 6 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định:  Ngày 06 tháng 6 hằng năm là ngày Người cao tuổi Việt Nam.
 

Nguồn tin: Sở Tư pháp Quảng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập96
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm89
  • Hôm nay19,020
  • Tháng hiện tại748,816
  • Tổng lượt truy cập34,279,535
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây