KỶ NIỆM NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11/7/2018
Thứ ba - 10/07/2018 08:35
Cách đây 29 năm, tại Hội nghị Quốc tế về dân số họp tại Amsterdam (Hà Lan), từ ngày 06 – 09/11/1989 các đại biểu đã quyết định lấy ngày 11 tháng 7 hàng năm làm “Ngày dân số Thế giới”, đây là ngày sinh của cậu bé Matej gaspar được coi là công dân thứ 5 tỷ của hành tinh này để nhắc nhở các quốc gia và mỗi người sống trên trái đất về nguy cơ dân số tăng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ các quyền chính đáng như: học hành, việc làm, dinh dưỡng, nhà ở và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.
Quỹ Dân số Liên hiệp quốc đã quyết định chủ đề của ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay là:“Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững”. Sự đầu tư cho việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác có vai trò là động lực thúc đẩy quá trình phát triển. Khi phụ nữ tiếp cận được với KHHGĐ tự nguyện, họ sẽ có cơ hội giãn khoảng cách giữa các lần sinh con và điều này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bà mẹ và con cái của họ. Thực hiện KHHGĐ cũng góp phần giảm nguy cơ tử vong và khuyết tật liên quan tới mang thai hoặc sinh con quá sớm/quá muộn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Thực hiện KHHGĐ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Khi phụ nữ không phải trải qua nhiều lần sinh nở nguy hiểm đến tính mạng, nếu mỗi lần mang thai đều khoẻ mạnh và mỗi lần sinh nở đều được an toàn, thì nguy cơ tử vong mẹ sẽ giảm và sức khoẻ của bản thân người phụ nữ sẽ được cải thiện. Trẻ sinh ra sẽ khoẻ mạnh hơn và sức khoẻ của trẻ những năm đầu đời sẽ tốt hơn. Sức khỏe được cải thiện sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế như: mức đầu tư vào giáo dục sẽ tăng lên, năng suất lao động cao hơn, tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động lớn hơn và cuối cùng mức thu nhập, tiết kiệm, đầu tư và tích lũy tài sản cũng sẽ tăng lên.
Ở nước ta, theo các nguồn số liệu thống kê dân số trong thời gian qua đã khẳng định tính hiệu quả và thành công trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình, đặc biệt kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII. Từ năm 2006 đến nay, nước ta đã duy trì tổng tỷ suất sinh ổn định trong khoảng 2,0 - 2,1 con/ bà mẹ (năm 2015 là 2,1 con). Thực hiện thành công công tác kế hoạch hoá gia đình trong hơn 20 năm qua, chúng ta đã giảm nhanh mức sinh và tốc độ gia tăng quy mô dân số, góp phần to lớn vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Việc giảm nhanh mức sinh đẻ cũng tác động tích cực đến việc giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, tạo điều kiện nâng cao sức khỏe và tuổi thọ của nhân dân...Tuy nhiên, điều này cho thấy, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, thì đan xen với cơ hội là những thách thức đặt ra cho chúng ta trong thời gian tới đòi hỏi phải chuyển đổi chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết tốt mối quan hệ Dân số-Phát triển.
Tại tỉnh Quảng Bình nói chung và thị xã Ba Đồn nói riêng, việc thực hiện thành công công tác kế hoạch hoá gia đình đã tạo nên những thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên tỉnh ta với mức sinh và tỷ lệ con thứ 3 còn cao, chất lượng dân số còn nhiều hạn chế...Đòi hỏi cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đối tượng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đặc biệt là vận động chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai bằng kênh tiếp thị xã hội nhằm đạt các chỉ tiêu dịch vụ KHHGĐ góp phần vào giảm tỷ suất sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, đồng thời thực hiện hiệu quả hoạt động của các mô hình, đề án với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
Tại Thị xã Ba Đồn trong thời gian tới để hưởng ứng thực hiện chủ đề của ngày Dân số Thế giới 11/7/2018 chúng ta cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ sau:
1. Xác định rõ trách nhiệm, vai trò của các phòng, ban, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch số 283/KH-UBND ngày 20/04/2018 của UBND thị xã Ba Đồn về thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 13/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 74-KH/ThU Quảng Bình về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) "về công tác Dân số trong tình hình mới".
2. Để thực hiện hiệu quả công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn thị xã cần đảy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về DS - KHHGĐ là một việc làm cần thiết. Nội dung truyền thông giáo dục phải chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Tập trung tuyên truyền giảm sinh ở những vùng có mức sinh, sinh con thứ 3 trở lên cao và vùng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tổ chức chiến dịch cung cấp thông tin và dịch vụ KHHGĐ đến các xã, phường. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình CLB “Tiền hôn nhân”, CLB “Không sinh con thứ 3 trở lên” và CLB “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” để nâng cao chất lượng dân số và hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh.
3. Cấp uỷ chính quyền các xã, phường, các cơ quan đơn vị cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác Dân số - KHHGĐ một cách trực tiếp, thường xuyên, định kỳ hàng tháng, hàng quý. Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của toàn thị xã, của từng ngành và từng xã, phường.
Nguồn tin: Trung tâm Dân số- KHHGĐ thị xã