VỀ QUẢNG MINH NGHE HÁT CA TRÙ

Thứ bảy - 07/07/2018 10:02
       Là một trong 10 xã vùng nam của thị xã Ba Đồn, từ lâu người dân Quảng Minh rất say mê ca hát. “Sắn khoai nuôi thể xác, ca hát nuôi tâm hồn” là câu “phương ngữ” ở làng quê này. Đặc biệt, các làn điệu văn nghệ dân gian như ca trù, hát Kiều, ngâm, lẩy Kiều… là món ăn tinh thần say mê rất lâu đời nhưng một thời gian dài chưa có điều kiện khôi phục. Đáp ứng mong đợi của nhân dân, được sự quan tâm của lãnh đạo xã; tâm huyết của nhiều hội viên Hội Kiều học; Hội Di sản văn hóa; sự nhiệt tình biên soạn, tập luyện và tham mưu, đề xuất của ông Hoàng Minh Sơn, Trung tá, nhà văn quân đội nghỉ hưu. Vào đầu năm 2018, tại Nhà văn hóa thôn Bắc Minh Lệ, nơi được xem là “chiếc nôi ca trù Quảng Minh xưa” đã diễn ra đêm liên hoan ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Ca trù xã Quảng Minh gồm 20 thành viên. Trong đó, ông Hoàng Minh Sơn sinh năm 1938 được giao phụ trách Chủ nhiệm CLB, phần lớn các thành viên độ tuổi từ 60-65, đáng mừng có 6 thành viên là học sinh THCS đã tham gia CLB.
Tiết mục ca trù lời cổ “Luyện thần trang” (kép trẻ) tại buổi lễ ra mắt CLB
Tiết mục ca trù lời cổ “Luyện thần trang” (kép trẻ) tại buổi lễ ra mắt CLB
Tại buổi lễ, đại diện UBND xã Quảng Minh đã công bố và trao Quyết định ra mắt CLB, đồng thời phát biểu chúc mừng và giao nhiệm vụ cho CLB Ca trù. Tiếp đó, các đào nương, ca nương đã trình diễn hơn 10 tiết mục ca trù lời cổ bằng trang phục, nhạc cụ, đạo cụ truyền thống. Đáng nhớ như bài “Dệt gấm thêu hoa” lời cổ: “Em ngồi dệt gấm thêu hoa/ Thêu con chim phượng xinh đà nên xinh/ Chim khôn đậu mái hiên đình/ Người khôn đứng mãi một mình cũng xinh/ Hoa thơm nhất quế nhị lan/ Nhất thanh nhị sắc quân quan đầu triều/ Hoa thơm ai chẳng muốn đeo/ Người hiền ai chẳng thương yêu người hiền/ Lẽ đời Tiên lại tìm Tiên/ Hoa thơm tìm cảnh bạn hiền tìm nhau/ Thương nhau xin nhớ lời nhau/ Năm chầy tháng chậm bao lâu cho đầy/ Tới đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén rễ xanh cây lại về!”. Hay dí dỏm, gọi mời qua một số bài lời mới như “Duyên nợ ca trù”: “Duyên nợ ca trù biết mấy mươi/ Phải đâu tình phụ khách làng chơi/ Ngà say anh hát câu tình cũ/ Tỉnh mộng em cười khúc chia phôi/ DỆT GẤM THÊU HOA “sinh” em lắc/ ĐÊM MONG NGÀY NHỚ “quạt” anh cười/ Ngọt ngào giang sơn dòng Bến Lội/ Trăm năm đào kép ca trù ơi!”. Hoặc “Vui hội ca trù”: “Xưa bốn họ chung bài ca vỡ đất/ Cắt máu ăn thề quyết bám đất thiêng/ Theo đạo hùng binh mở cõi phá xiềng/ Cho mảnh đất dày thêm truyền thống/ Chung sức đắp xây làng quê lớn rộng/ Cho bãi cồn thành mái nhà chung/ Thêm xứng danh đất tổ anh hùng/ Giọng hát ca trù hòa làn gió mới”. Cùng một số bài ca trù lời cổ khác như “Luyện thần trang”, “Chúc phúc Đức Thành Hoàng”, “Ngày nhớ đêm mong”, “Hẹn ước cùng nhau”… Mặc dù vắng bóng một thời nhưng khi được phục hồi, các làn điều ca trù nơi đây vẫn mang sức sống riêng, thu hút đông đảo bà con trong và ngoài xã đến xem, cổ vũ nhiệt tình. Phấn khởi trước bước ngoặt của phong trào văn hóa văn nghệ quê hương, CLB Ca trù Quảng Minh đã thể hiện quyết tâm, dù khó khăn đến đâu vẫn cùng nhau giữ gìn kho báu và truyền lửa yêu thích đến các thế hệ, nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu văn nghệ dân gian trong cuộc sống. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và không gian văn hóa đa dạng, ca trù nói chung, ở Quảng Minh nói riêng gần như thoát ly khỏi đời sống xã hội. Việc CLB ra đời thể hiện tình yêu mến cội nguồn, di sản văn hóa của nhân dân; sự quan tâm của lãnh đạo xã và nhiệt huyết đối với ca trù của các thế hệ nghệ nhân, ca nương, đào kép. Từ đây, CLB sẽ kế tục và phát huy sáng tạo cả về nội dung và nghệ thuật biểu diễn, tạo nên nét đặc trưng cho ca trù ở vùng đất cồn bãi Quảng Minh.
       Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XIII) của Đảng về phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc ấp ủ ý định, chuẩn bị vật chất, tinh thần và các điều kiện ra mắt CLB Ca trù Quảng Minh là bước triển khai thực hiện Nghị quyết TW5 sáng tạo, phát huy được truyền thống yêu văn hóa văn nghệ, tôn quý vốn cổ… của nhân dân địa phương. Đúng như tinh thần Quyết định của UBND xã Quảng Minh: “CLB có trách nhiệm xây dựng đơn vị vững mạnh; bảo tồn, phát triển vốn văn hóa quý báu của ông cha để lại; bám sát nhiệm vụ, phục vụ sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và khu dân cư văn hóa”. Đúng như cảm thức “Về Minh Lệ” của ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn tại buổi Lễ ra mắt CLB Ca trù xã Quảng Minh: “Lần đầu về Minh Lệ/ Nghe khúc hát ca trù/ Chắt chiu và ấp ủ/ Đêm nay khúc hát ru // Ai hiểu được ca trù?/ Tấm lòng người đi trước/ Cho cháu con tiếp bước/ Vang mãi miền quê hương”. Chủ nhiệm CLB Hoàng Minh Sơn cho biết: “Thách thức đối với bảo tồn ca trù thường xuất phát từ bản thân nó. Ca trù là hình thức nghệ thuật rất chuyên nghiệp. Việc đào tạo truyền dạy đòi hỏi phải có thời gian, có quy trình bài bản, lâu dài. Đặc biệt, nếu không có kinh phí sẽ không có ca trù. Chính vì thế, qua kết nối với các tấm lòng hảo tâm, CLB đã nhận được trên 15 triệu đồng đưa vào quỹ hoạt động, danh sách các tài gia được niêm yết tại Nhà truyền thống xã”.
Tiết mục ca trù lời cổ “Dệt gấm thêu hoa” (kép trung) tại Lớp truyền dạy do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức
Tiết mục ca trù lời cổ “Dệt gấm thêu hoa” (kép trung) tại Lớp truyền dạy do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức
       Vừa qua, tháng 5/2018 tại thị xã Ba Đồn, Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình đã tổ chức lớp truyền dạy kỷ năng đàn và hát ca trù cho các ca nương, kép đàn đến từ các CLB trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những hoạt động, thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nói chung, ca trù nói riêng. Chào mừng lớp tập huấn, CLB Ca trù Quảng Minh đã biểu diễn tiết mục “Dệt gấm thêu hoa” lời cổ, do những ca nương giàu kinh nghiệm, phong thái biểu diễn và trang phục ấn tượng. Hiện CLB đang tích cực luyện tập, chuẩn bị tham gia Liên hoan Ca trù tỉnh Quảng Bình tổ chức vào tháng 8/2018. Chắc chắn, những kết quả bước đầu nói trên, là hứa hẹn tốt đẹp cho CLB Ca trù Quảng Minh trên hành trình bảo vệ và phát huy di sản của quê hương.

Tác giả bài viết: CTV: Nguyễn Tiến Nên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập136
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm126
  • Hôm nay41,032
  • Tháng hiện tại124,295
  • Tổng lượt truy cập34,553,822
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây