Thời gian nghỉ hè đã đến, các hoạt động vui chơi giải trí, đặc biệt là bơi lội, là sở thích của hầu hết trẻ nhỏ. Thế nhưng, đây cũng là thời điểm dễ phát sinh nhiều tai nạn, thương tích và đuối nước nếu các em không được quan tâm và kiểm soát.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017, toàn tỉnh Quảng Bình có 21 trẻ đuối nước dẫn đến tử vong. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 8 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó, đã có 7 vụ đuối nước ở trẻ em dẫn đến tử vong do bị trượt chân ngã, tắm sông, suối khi không có người lớn theo dõi. Mới đây nhất là vào chiều ngày 3/6/2018, tại thị xã Ba Đồn, một nhóm học sinh Trường THCS và trường TH Quảng Thuận rủ nhau ra sông Gianh tắm, nhưng không may hai em bị đuối nước tử vong. Tai nạn đuối nước thương tâm này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự quan tâm của người lớn đối với trẻ em, nhất là trong dịp hè. Vào những ngày nắng nóng, đi dọc các con sông trên địa bàn thị xã, không khó để bắt gặp hình ảnh các em nhỏ rủ nhau đi tắm sông, suối... Theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều đoạn của sông Gianh, thuộc địa phận thị xã Ba Đồn, giữa trưa nắng, có rất nhiều nhóm trẻ em tắm sông nhưng không có người lớn đi cùng. Việc trẻ rủ nhau tự ý đi tắm sông, tắm biển đang là vấn đề báo động, cần được gia đình và xã hội quan tâm, nhất là giai đoạn nắng nóng hiện nay và kỳ nghỉ hè đang đến. Việc luyện tập kỹ năng bơi lội, bơi sống sót khi có tình huống bất ngờ là rất cần thiết đối với trẻ em hiện nay. Có thể nói, ở thành thị, các bậc phụ huynh đã ý thức hơn trong việc trang bị kỹ năng bơi cho trẻ khi chủ động đưa con em mình đến các bể bơi nhân tạo. Còn với vùng nông thôn, miền núi, các em có cơ hội tự học bơi khi tiếp xúc với sông, suối, biển mỗi ngày. Nhưng đi đôi với cơ hội luôn là những hiểm nguy rình rập khi không có người lớn đi kèm. Trong số 21 trường hợp trẻ em đuối nước năm 2017 thì đã có đến 17 em thuộc vùng nông thôn, miền núi. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ, trong đó, phổ biến là trẻ không biết bơi. Trời nắng nóng, các em thường tự ý xuống tắm mà không biết mức độ nguy hiểm. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em có cơ hội được học bơi, học kỹ năng an toàn ở thị xã vẫn còn thấp. Ngoài ra, sự thiếu giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm, như: sông, suối, ao, hồ..., cũng là nguyên nhân chủ yếu. Mặt khác, hiện nay, môi trường sống ngay trong từng gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Cụ thể, như các hố bom, giếng cạn, các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm. Để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là phải dạy trẻ biết bơi. Tuy nhiên, hiện nay, việc dạy bơi cho trẻ chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này. Vì thế, việc tích cực xã hội hóa để xây dựng bể bơi cho trẻ em đóng vai trò quan trọng. Mặt khác, các trường học có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ tại trường như một chương trình bắt buộc trong giờ thể dục. Đồng thời, cần giao trách nhiệm trực tiếp cho Đoàn Thanh niên trực tiếp quản lý học sinh khi về nghỉ hè tại địa phương; các khu vực nguy hiểm cần có biển báo để trẻ được biết; những khu vực ao, hồ, sông, suối mà trẻ em thích tụ tập cần có đội tình nguyện giám sát thường xuyên... Vẫn biết trẻ em vốn hiếu động, ham chơi, ham vui, nhưng trẻ em chưa ý thức được nguy hiểm khi chơi đùa, đặc biệt là tắm và chơi đùa dưới nước. Chính vì vậy, để giảm thiểu tai nạn đuối nước và các tai nạn thương tích khác, ngoài việc giáo dục ý thức và cảnh báo nguy hiểm cho các em, rất cần sự quan tâm, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Đoàn Thanh niên và chính quyền các địa phương .