Ý nghĩa lịch sử của Ngày quốc tế lao động 1-5
Thứ sáu - 27/04/2018 10:38
Trong cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư bản và nhân dân lao động, vấn đề thời gian có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội I Quốc tế I họp tại Giơ-Ne-Vơ tháng 9 năm 1866 vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ trước mắt. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ đã sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh, nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần dần lan rộng sang các nước khác.
Phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh mẽ ở nước Mỹ từ năm 1827 đi đôi với sự phát triển phong trào Công Đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm việc 8 giờ trong các cơ quan xí nghiệp của chính phủ. Nhưng xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc 11 đến 12 giờ. Tháng 4 năm 1884 tại Thành Phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội liên đoàn lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: từ ngày 01-5-1886 ngày lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ.
Ngày 01-5-1886 công nhân tại Thành Phố Chi Ca Gô tiến hành bãi công với số lượng lớn, hơn 40 nghìn người không đến nhà máy, họ tổ chức mít tinh, biểu tình trên Thành Phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi và 8 giờ học tập”, cuộc đấu tranh cũng đã lôi cuốn đông đảo mọi người tham gia. Cùng ngày đó các trung tâm công nghiệp ở nước Mỹ đã tổ chức ra 5000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở một số nơi như Niu Oóc, Pi Xbớc, Ban Ti Mo. Oa Sin Tơn… có khoảng 12 vạn rưởi công nhân giành được quyền làm việc 8 giờ một ngày, khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân.
Mặc dù cuộc bãi công ở Chicago bị trấn áp, nhưng khí phách anh hùng của công nhân và yêu cầu thiết thực của cuộc đấu tranh đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới; công nhân nhiều nước đã đồng tình và hưởng ứng yêu sách của công nhânChicago. Vì vậy tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Ăngghen lãnh đạo họp ngày 14-7-1889, Đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết và lấy ngày 01-5 hàng năm, là ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản trên toàn thế giới.
Ngày 01-5 ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), đã coi là ngày mừng thắng lợi và đã nêu được quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống Tư bản chủ nghĩa (TBCN), ngày 01-5 là ngày biểu dương cho các lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.
Ở nước ta kỷ niệm ngày 01-5 gắn liền với quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động có thể kể đến một vài sự kiện quan trọng dưới đây:
Ngày 01-5-1930 sau khi Đảng Cộng Sản Đông Dương Việt Nam ra đời. Lần đấu tiên giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam kỷ niệm ngày quốc tế lao động, từ các thành phố đông dân như Hà Nội, Huế, Vinh, Sài Gòn… đến các vùng nông thôn như Thái Bình, Nghệ An, Long xuyên, Sa Đéc… tùy theo điều kiện mà treo cờ búa liềm, rải truyền đơn, biểu tình, mít tinh. Đặc biệt ở Bến Thủy-Vinh, hàng ngàn nông dân kéo về sát cánh cùng giai cấp công nhân biểu tình đòi ngày làm 8 giờ, tăng tiền lương, bỏ sưu, giảm thuế. Cuộc đấu tranh đó mở đầu cho một cao trào cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu một cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất của cách mạng Việt Nam đó chính là cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Do thắng lợi của Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương, Đảng ta đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn, thu hút đến 25 nghìn người tham gia tại khu đấu xảo Hà Nội (khu vực nhà hát nhân dân hiện nay). Đại diện các giai cấp công nhân, nông dân, tiểu thương và các đoàn thể xã hội đứng theo hàng ngũ, hát quốc tế ca, hô vang khẩu hiệu cách mạng, chống chiến tranh đế quốc. Những hoạt động sôi nổi trong cả nước kỷ niệm ngày Quốc tế lao động đã góp phần thắng lợi vào cuộc tổng diễn tập lần thứ hai, là cơ sở, tiền đề cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ngày 01-5 trở thành ngày hội lớn của nhân dân lao động, là dịp biểu dương lực lượng mạnh mẽ trong công cuộc và xây dựng đất nước. Ngày 18-2-1946, Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh số 22-SL công bố: Ngày 01-5 là một trong những ngày quốc tế lớn, Ngày 01-5-1946, Hồ Chủ Tịch đã viết lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế lao động đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Như vậy, ngày Quốc tế lao động 01-5 rõ ràng đã sớm đến với phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Công lao này trước tiên thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi khi đưa phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta gắn với phong trào công nhân thế giới, Bác Hồ đã hiểu rõ và làm cho nhân dân ta, dân tộc ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và các tác động của việc kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01-5.
Ngày nay, ngày Quốc tế lao động là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.