Xã Quảng Trung: 8 năm gìn giữ môn nghệ thuật ca trù

Thứ năm - 29/03/2018 10:26
Được thành lập từ tháng 8 năm 1980, câu lạc bộ (CLB) ca trù xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn đã làm sống lại nét văn hoá truyền thống của làng, góp phần gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật ca trù độc đáo của dân tộc.
   Ca trù là một trong những loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Nó tồn tại như một loại hình nghệ thuật giải trí nhưng đã trở thành một đặc sản tinh thần được lưu truyền qua các thế hệ. Ở tỉnh ta, ca trù tồn tại ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Trung. Ca trù Quảng Trung không biết có từ bao giờ, nhưng theo các cụ cao niên thì nó đã tồn tại cách đây hàng trăm năm. Sau một thời gian dài bị quên lãng do nhiều yếu tố, đến tháng 8 năm 1980, UBND xã Quảng Trung đã có quyết định thành lập CLB ca trù xã Quảng Trung, nhằm bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đang cần được bảo vệ khẩn cấp, phát huy giá trị văn hóa tinh thần mà cha ông đã để lại.
 Lúc mới thành lập, CLB chỉ có 4 thành viên, dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các thành viên CLB vẫn không nản. Gần 38 năm trôi qua, CLB vẫn được duy trì và hoạt động rất sôi nổi. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã 5 lần tham gia liên hoan các CLB ca trù cấp huyện và đạt 2 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải khuyến khích; ba năm liền tham gia liên hoan các CLB ca trù toàn tỉnh đều được Sở Văn hóa và Thể thao tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật hát ca trù tại Quảng Bình; tham gia nhiều chương trình biểu diễn phục vụ công chúng nhân các dịp lễ lớn của huyện, xã...
Dù trải qua nhiều biến động lịch sử, nhưng ca trù Quảng Trung vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị nghệ thuật đặc sắc của nó. Để nâng cao chất lượng hoạt động của CLB, các thành viên đã xây dựng quy chế sinh hoạt, tập luyện cụ thể và đóng góp kinh phí. Ông Nguyễn Hữu Khóa, Chủ nhiệm CLB Ca trù Quảng Trung cho biết: “38 năm qua, chúng tôi luôn duy trì lịch sinh hoạt đều đặn, bình thường CLB sinh hoạt 1 tháng/1 lần, nhưng nếu có các hội diễn thì các thành viên tổ chức sinh hoạt để luyện tập thường xuyên hơn. Trên tinh thần người biết nhiều truyền cho người biết ít, người biết ít lại dạy cho người chưa biết, đến nay, các thành viên CLB đã hát thành thục nhiều làn điệu, như hát nam chanh, hát phú, luyện thần trang, hát huỳnh, hát hạm. Được biết, hiện CLB đang có 2 nhóm bài hát được tập luyện và biểu diễn, đó là các bài ca trù theo lời cổ được lưu truyền của các thế hệ trước, như: Thần cung đình miếu, Vị thủy nhân thân, Mời thầy mới...; nhóm các bài ca trù theo lời mới, như: Cách mạng Tháng Tám thành công, 19-5 ngày sinh Bác Hồ, Nhân sinh trong cuộc ở đời...
 Bà Trần Thị Đơng (66 tuổi), thành viên CLB cho biết: Ca trù là một loại hình nghệ thuật khó ----hát, không giống các lối hát cổ truyền khác, cách lấy hơi trong hát ca trù tinh tế và phức tạp hơn. Để hát được loại hình nghệ thuật này, các thành viên phải luyện tập rất nhiều. Cũng vì khó hát nên thế hệ trẻ ngày nay không mấy ai mặn mà. Hiện CLB có 15 thành viên nhưng đa số là các cụ ông, cụ bà trên 60 tuổi. Mặc dù CLB được duy trì và hoạt động đều đặn nhưng vẫn còn đó những khó khăn và cả thiệt thòi.
     Hiện nay CLB đã lập và gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý văn hóa để đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho 2 thành viên có nhiều cống hiến trong bảo tồn và phát huy ca trù là bà Lê Thị Liệu và bà Trần Thị Đơng nhưng hồ sơ chưa được chấp thuận. Khó khăn nữa là kinh phí hoạt động, chủ yếu do các thành viên đóng góp, trong khi đó đời sống của các thành viên còn nhiều khó khăn nên rất hạn hẹp. Hiện bộ nhạc cụ cho tập luyện chỉ có cây đàn đã cũ, thiếu bộ trống cầm chầu (nhạc cụ quan trọng để giữ nhịp) nên phần nào ảnh hưởng đến việc luyện tập và biểu diễn.
       Để động viên tinh thần CLB, đồng thời bảo đảm việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho những  người xứng đáng, mong muốn của các cụ là cơ quan quản lý văn hóa ngoài việc trao giấy khen cho tập thể thì cần có giấy khen và danh hiệu cho cá nhân xuất sắc để có điều kiện hoàn thiện hồ sơ. Mặt khác, chính quyền và các đoàn thể, các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm kinh phí để các cụ có điều kiện mua sắm nhạc cụ, dụng cụ và trang phục biểu diễn.
 Hy vọng trong thời gian tới, ca trù Quảng Trung tiếp tục được bảo tồn bền vững và phát huy được giá trị truyền thống trong cộng đồng.
 

 

Tác giả bài viết: Thanh Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập259
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm248
  • Hôm nay6,532
  • Tháng hiện tại622,594
  • Tổng lượt truy cập35,052,121
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây