Chợ phiên Ba Đồn - không gian kinh tế, không gian văn hóa

Thứ ba - 11/02/2020 13:42

Chợ phiên Ba Đồn - không gian kinh tế, không gian văn hóa

Với người Ba Đồn, Quảng Trạch nói riêng, người Quảng Bình nói chung, chợ phiên Ba Đồn không chỉ là một phiên chợ đơn thuần mà còn là chỉ dẫn lịch sử-văn hóa, nơi lưu giữ ký ức của một vùng đất. Nhà nghiên cứu văn hóa-văn nghệ dân gian Đặng Thị Kim Liên, khi dừng chân bên bờ sông Gianh, đã bị quyến rũ bởi những câu chuyện về chợ phiên đặc biệt này. Bà đã dành thời gian sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn cuốn sách “Chợ phiên Ba Đồn”. Năm 2019, cuốn sách được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải B.
 
Các sản phẩm của làng nghề Nhân Hòa, xã Quảng Hòa tại chợ phiên Ba Đồn.
Các sản phẩm của làng nghề Nhân Hòa, xã Quảng Hòa tại chợ phiên Ba Đồn.

Chợ phiên Ba Đồn có từ khi nào? Câu trả lời được tác giả tập sách lý giải khá căn kẽ trong “Câu chuyện về ngày hội Ba Đồn”. Thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn đều cho xây dựng hệ thống đồn lũy khá kiên cố ở hai bờ sông Gianh. Chúa Trịnh ở bờ bắc bố trí ba đồn lớn là đồn Trung Thuần, Thuận Bài và đồn Roòn, đồng thời cho quân lính mở hội chung vào ba ngày mồng 6, 16 và 26 hàng tháng, gọi là “Ngày hội 3 đồn”. Với tính chất giao lưu vui vẻ, không giới hạn thành phần nên ngày hội của lính thu hút được cả sự tham gia của nhân dân trong vùng. Ban đầu, chỉ dừng lại ở mức độ người dân đến chung vui và mang sản vật của địa phương đến phục vụ nhu cầu của quân lính, sau đó, việc mua bán, trao đổi hàng hóa được mở rộng ra, ngày hội của lính cũng là ngày họp chợ của nhân dân. “Ngày hội 3 đồn” trở thành “chợ phiên Ba Đồn”.
 
“Ba Đồn là chợ xưa nay
 
Tụ nhân, tụ hóa mười ngày một phiên”
 
Với nguồn gốc hình thành và phát triển gắn với một thời kỳ lịch sử của đất nước, chợ phiên Ba Đồn là nơi “tụ nhân, tụ hóa” của không chỉ nhân dân Quảng Bình mà còn của người dân các tỉnh Thanh, Nghệ-Tĩnh... Chợ phiên được nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên dày công sưu tầm, nghiên cứu và khắc họa rõ nét. Sản vật, hàng hóa được trao đổi, mua bán tại chợ phiên Ba Đồn xưa nay hầu hết do người dân sản xuất được, như: nón lá Thổ Ngọa-Quảng Thuận, nón lá Hạ Thôn-Quảng Tân, mây đan La Hà-Quảng Văn, hàng đan lát Thọ Đơn, hàng rèn đúc Hòa Ninh...
Trang bìa cuốn
Trang bìa cuốn "Chợ phiên Ba Đồn". (Ảnh: Minh Quý)

Không gian tấp nập những buổi chợ phiên được tác giả Đặng Thị Kim Liên tập hợp trong tập sách “Chợ phiên Ba Đồn” đã minh chứng cho một nền kinh tế phát triển sung túc và phong phú từ bấy đến nay. Ngoài không gian bán hàng hóa tiêu dùng, sản vật vùng miền, chợ phiên Ba Đồn còn có khu vực khá đặc biệt, dành riêng cho buôn bán trâu bò của thương lái các tỉnh Bắc Trung bộ. Hình thức đập tay thỏa thuận trong giao dịch đã tạo cho chợ phiên Ba Đồn những âm thanh riêng có, sôi động, hấp dẫn. Chợ phiên Ba Đồn trở thành trung tâm thương mại, trung tâm giao lưu văn hóa, vui chơi của nhân dân một vùng rộng lớn hai phía nam bắc đèo Ngang.
 
Chợ phiên Ba Đồn nức tiếng “ăn chơi”. Người ta đi chợ để: “Được nhìn, được nghe, được ăn uống, được vui chơi, được mua bán...”. Nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên cho rằng: “Chợ phiên Ba Đồn là một di sản văn hóa, một chợ truyền thống lâu đời lưu giữ được những nét đẹp văn hóa quý báu của Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung... Chợ cũng góp phần làm nên những tập quán, phong tục, tạo lời ăn tiếng nói, làm nên gương mặt của một ngôi chợ có tiếng, như tín ngưỡng thờ cúng, lễ tết, hội hè... đã ăn sâu bén rễ trong nhân dân, được cộng đồng thừa nhận lâu dài, bền vững”. Người ta đi chợ phiên Ba Đồn không phải chỉ để mua bán mà còn để vui chơi và ăn uống.
 
Chợ phiên Ba Đồn thực sự là không gian văn hóa truyền thống: hàng hóa, sản vật truyền thống (sản phẩm làng nghề thủ công), trò chơi dân gian truyền thống (chọi gà, đấu vật, cướp cù, cờ người...) và ẩm thực truyền thống. Đến chợ phiên Ba Đồn không thể không nhấp môi chén rượu Quảng Long, không thể không la cà chốn hàng quà bún bánh (bánh mật, bánh tráng, bánh xèo, bánh đúc, bánh canh...). Ai đã đến chợ phiên Ba Đồn chắc chắn sẽ trở lại. Hội đủ các yếu tố: kinh tế, văn hóa và luôn luôn vận động phù hợp với nhu cầu của cuộc sống, dẫu trải qua nhiều thăng trầm, chợ phiên Ba Đồn vẫn giữ được những đặc trưng truyền thống vốn có từ xa xưa mà không bị lạc lỏng, tụt hậu giữa môi trường đời sống mới.
 
Với hơn 200 trang sách, nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên đã hệ thống toàn cảnh quá trình hình thành, phát triển và những đổi thay qua từng giai đoạn lịch sử của chợ phiên Ba Đồn. Cuốn sách có ý nghĩa trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị độc đáo của quê hương, đồng thời góp phần quảng bá với du khách gần xa một điểm đến hấp dẫn, kết hợp giữa du lịch, mua sắm hàng hóa đặc sản thủ công, tham quan trải nghiệm sông Gianh lịch sử và các làng nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch.

Tác giả bài viết: Trương Thu Hiền

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập115
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay23,523
  • Tháng hiện tại834,249
  • Tổng lượt truy cập33,472,824
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây