KẾ HOẠCH Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020
Thứ ba - 07/01/2020 15:43
Ngày 17/12/2019, Ban Chỉ đạo vệ sinh An toàn thực phẩm, UBND thị xã Ba Đồn đã ban hành kế hoạch 12/KH- BCĐ về việc Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020. Theo đó, nội dung cơ bản như sau:
Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020 đang đến gần, đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Bên cạnh đó, thời gian nghỉ Tết kéo dài, nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống phục vụ liên hoan, tổng kết, phục vụ mùa lễ hội, du lịch đầu năm cũng tăng cao, kèm theo nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm kém chất lượng, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020, phục vụ nhân dân vui xuân, đón tết an toàn, khỏe mạnh; Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm thị xã Ba Đồn xây dựng Kế hoạch với mục tiêu chung: Kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020. Về mục tiêu cụ thể: Hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020; Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tuyến thị đến cấp xã, phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Thời gian: Từ 02/01/2020 đến hết 25/03/2020, phạm vi trên địa bàn toàn thị xã. Về các hoạt động cơ bản triển khai: Hoạt động truyền thông: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về các nội dung liên quan đến các đối tượng ưu tiên truyền thông là Người nội trợ, người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình; Người tiêu dùng thực phẩm; Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; Chính quyền các cấp, các nhà quản lý. Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phải tuân thủ các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Đảm bảo các điều kiện bảo quản, kinh doanh giò, chả, bánh trưng, bánh tét, bánh, mứt cổ truyền để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối với người tiêu dùng thực phẩm: Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh không đảm bảo an toàn; Không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng. Tuyên truyền không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Không nên chế biến quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng. Phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết: Không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết; Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; Không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; Trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia. Khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Phòng ngừa ngộ độc nấm:Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng...; Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; Không ăn nấm đã bị dập nát, ôi thiu. Về công tác thanh tra kiểm tra vệ sinh ATTP: Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Canh Tý và Lễ hội như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... các cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với số lượng lớn, các chợ trung tâm, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp xã, phường thực hiện thanh tra, kiểm tra. Về thực hiện xử lý vi phạm Đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng giả, không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; ngăn chặn hành vi quảng cáo thực phẩm vi phạm; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm xử lý các vi phạm, khi cần thiết, đoàn của tuyến thị chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng của địa phương (Ủy ban nhân dân xã, phường) nơi có cơ sở được thanh tra, kiểm tra để xử lý theo quy định. Về triển khai thực hiện a. Tuyến thị Phòng Y tế chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, cơ quan liên quan, kiện toàn đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở dịch vụ ăn uống và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thị xã. b. Tuyến xã, phuờng Tuỳ theo tình hình thực tế của địa phương, UBND các xã, phường thành lập các Tổ thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Đoàn thị trên khi thanh tra, kiểm tra tại địa phương. Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại địa phương chủ động mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tham gia kiểm tra theo chương trình số 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTWMTTQVN phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 ngày 30/3/2016. Thời gian triển khai thanh tra, kiểm tra: Tuyến thị: Từ ngày 02/01/2020 đến ngày 25/03/2020. Tại các địa phương: Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra chủ động trước, trong và sau Tết và lễ hội tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương từ ngày 02/01/2020 đến 25/03/2020.