KẾ HOẠCH Triển khai thực hiện “Thỏa thuận đưa người lao động tỉnh Quảng Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk,Hàn Quốc” trên địa bàn thị xã Ba Đồn

Chủ nhật - 20/03/2022 21:44
Căn cứ Kế hoạch số 378/KH-UBND ngày 16/3/2022 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc triển khai thực hiện Thỏa thuận đưa người lao động tỉnh Quảng Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc; UBND thị xã Ba Đồn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Thỏa thuận đưangười lao động tỉnh Quảng Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc” trên địa bàn thị xã cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích.
- Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 378/KH-UBND ngày 16/3/2022 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc triển khai thực thiện Thỏa thuận đưa người lao động tỉnh Quảng Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc.
- Góp phần tăng cường hiệu quả công tác đưa người lao động trên địa bàn thị xã đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Đa dạng hóa các hình thức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhất là đối với lao động nông thôn và góp phần giảm nghèo bền vững.
- Tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn thị xã được tiếp cận, học tập và nắm bắt kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp tại Hàn Quốc để trở về ứng dụng và phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
2. Yêu cầu.
- Công tác thông tin, tuyên truyền phải được triển khai kịp thời, rộng rãi, cung cấp thông tin đến người lao động trên toàn thị xã một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ.
- Phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời giữa các phòng, ban và cơ sở trong quá trình tuyển chọn lao động. 
- Công tác tuyển chọn lao động được tổ chức công khai, minh bạch, đúng quy định và bảo đảm thực hiện các quy tắc về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hạn chế tối đa việc để lao động bị nhiễm COVID-19 trong quá trình tuyển chọn.
II. NỘI DUNG, QUY TRÌNH THỰC HIỆN
1. Những quy định chung:
-Quy trình khoản 2 Mục II Kế hoạch này được thực  hiện áp dụng cho tất cả các đợt đưa lao động thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc.
- Mỗi đợt đưa lao động sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại thành phố Yeongju sẽ căn cứ Kế hoạch của tỉnh về các đợt tuyển chọn lao động để tổ chức thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch và đáp ứng các quy định của chương trình.
-Trên cơ sở chỉ tiêu tuyển chọn được UBND tỉnh phân bổ cho mỗi đợt; UBND thị xã chỉ đạo các địa phương tuyển chọn và giới thiệu lao động phải có số dư từ 100% - 200% (đảm bảo 02 người dự tuyển, có ít nhất 01 người được chọn) để gửi Ban Chỉ đạo Chương trình cấp tỉnh phối hợp với phía chính quyền thành phố Yeongju quyết định lựa chọn ứng viên đảm bảo số lượng, chất lượng và phù hợp với từng đợt đưa đi làm việc. Trường hợp số người trúng tuyển lớn hơn chỉ tiêu tuyển chọn thì ưu tiên lựa chọn những lao động này ở các đợt tuyển chọn kế tiếp.
- Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm về danh sách lao động do mình giới thiệu; ký cam kết với về chất lượng lao động tại địa phương mình quản lý, đảm bảo chấp hành nghiêm túc Hợp đồng lao động và pháp luật hai nước, đảm bảo 100% lao động về nước đúng thời hạn sau khi hoàn thành Hợp đồng.
- Thời gian quy định tại khoản 2 Mục II Kế hoạch này là các ngày nối nhau thực hiện nhiệm vụ liên tục, không bị gián đoạn (tính cả ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, tết) đảm bảo lao động xuất cảnh kịp thời đúng mùa vụ nông nghiệp tại Hàn Quốc.
2. Giới thiệu về quy trình thực hiện:
Bước 1: Thông báo nội dung tuyển chọn lao động.
 - Cơ quan thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.
 - Nội dung:Thông báo về đối tượng, tiêu chuẩn chung được quy định tại Bản thỏa thuận giữa UBND tỉnh Quảng Bình và chính quyền thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc; chỉ tiêu số lượng lao động, điều kiện, yêu cầu của phía thành phố Yeongju theo từng đợt tuyển chọn.
- Thời gian thông báo tuyển chọn: Trước ít nhất 03 ngày, kể từ ngày tiếp nhận danh sách đăng ký dự tuyển của mỗi đợt.
- Phạm vi tuyển chọn:Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu của phía chính quyền thành phố Yeongju theo từng đợt tuyển chọn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành kế hoạch tuyển chọn lao động, thông tin đầy đủ các nội dung cơ bản (số lượng người lao động cần tuyển; giới tính; độ tuổi; điều kiện sức khỏe; các khoản chi phí người lao động cần đóng góp để tham gia Chương trình và thành phần hồ sơ đăng ký dự tuyển).
Ưu tiên phân bổ chỉ tiêu tuyển chọn lao động tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an,… và không có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Bước 2:Tiếp nhận và xử lý danh sách đăng ký dự tuyển.
- Cơ quan thực hiện:
UBND thị xã chỉ đạo triển khai, tổ chức tiếp nhận và tuyển chọn, xét duyệt theo chỉ tiêu phân bổ từng đợt, đảm bảo số dư theo quy định. Lập danh sách ứng viên gửi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình).
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình tiếp nhận danh sách đăng ký dự tuyển của UBND các huyện, thị xã, thành phố lập gửi đến, tiến hành tổng hợp, xử lý, lập danh sách trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện thủ tục tuyển chọn ứng viên.
- Thời gian tiếp nhận và xử lý danh sách:
Trong vòng 03 ngày sau khi kết thúc thời gian thông tin tuyển chọn, UBND thị xã tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ đăng ký của người lao động. Chậm nhất 03 ngày kể từ ngày hoàn thành xét duyệt hồ sơ, UBND thị xã phải gửi danh sách đăng ký dự tuyển về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình)
Trong vòng 02 ngày kể từ ngày các địa phương gửi danh sách, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình tiến hành tiếp nhận, tổng hợp, xử lý, lập danh sách trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét.
Bước 3:Xét duyệt danh sách lao động trúng tuyển.
- Cơ quan thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với chính quyền thành phố Yeongju tổ chức xét tuyển, thống nhất lựa chọn danh sách lao động trúng tuyển chính thức và thông báo kết quả xét duyệt cho UBND các huyện, thị xã, thành phố và người lao động trúng tuyển.
Việc điều chỉnh danh sách lao động trúng tuyển chính thức từ địa phương này sang địa phương khác do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định.
- Thời gian xét duyệt và thông báo trúng tuyển: Trong vòng 03 ngày kể từ ngày hoàn thành công tác tuyển chọn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo danh sách lao động trúng tuyển chính thức và niêm yết công khai tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình.
Bước 4: Hướng dẫn lao động kiểm tra sức khỏe, hoàn thiện nộp hồ sơ.
- Cơ quan thực hiện: Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình căn cứ Danh sách trúng tuyển chính thức để thông báo, tập trung, hướng dẫn người lao động hoàn thiện và nộp hồ sơ dự tuyển theo quy định.
- Thời gian thực hiện: Trong vòng 05 ngày, kể từ ngày có thông báo trúng tuyển của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ theo quy định, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình phối hợp với phòng chuyên môn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hộihoàn thiện các thủ tục cần thiết đề nghị cấp Visa cho người lao động.
Bước 5: Tổ chức đào tạo tiếng Hàn, giáo dục định hướng, kỹ năng, kiến thức cần thiết cho lao động.
- Cơ quan thực hiện: Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình tổ chức đào tạo, hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động đến khi xuất cảnh.
- Thời gian đào tạo:Tùy theo yêu cầu của chủ sử dụng lao động,trên cơ sở thông báo trúng tuyển của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trong quá trình học tập,Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình sẽ theo dõi, đánh giá và tham mưu Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội từ chối đào tạo và dừng các thủ tục xuất cảnh đối với những lao động có ý thức, kỷ luật, học lực,… không đáp ứng yêu cầu. Kết thúc khóa đào tạo, lao động phải được đánh giá chất lượng theo yêu cầu từ phía chính quyền thành phố Yeongju; Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo cho lao động đạt yêu cầu.
Trong thời gian đào tạo, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm hướng dẫn lao động thực hiện các thủ tục vay vốn, ký quỹ, cam kết bảo lãnh, hỗ trợ đào tạo,... theo đúng quy định.
Bước 6:  Ký hợp đồng với người lao động.
- Cơ quan thực hiện: Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình tiến hành ký kết hợp đồng trong tỉnh và hướng dẫn người lao động ký kết hợp đồng với phía thành phố Yeongju; đồng thời hướng dẫn cá nhân, đơn vị, tổ chức ký hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo đúng quy định.
- Thời gian: Trong vòng 03 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng của người sử dụng lao động phía thành phố Yeongju.
Bước 7: Tổ chức xuất cảnh.
- Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Chính quyền thành phố Yeongju tổ chức đưa, đón và quản lý lao động từ khi xuất cảnh đến khi kết thúc hợp đồng lao động quay trở về địa phương.
- Thời gian: Sau khi chính quyền thành phố Yeongju thông báo lịch đón lao động và tỉnh Quảng Bình hoàn tất việc đặt vé máy bay cho lao động xuất cảnh.
Bước 8:Thanh lý hợp đồng sau khi lao động về nước đúng hạn.
- Cơ quan thực hiện: Chính quyền thành phố Yeongju, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình.
- Thời gian :Khi người lao động về nước, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình tham mưu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo bằng văn bản gửi chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để có cơ sở tất toán tài khoản tiền ký quỹ cho người lao động, hướng dẫn người lao động làm các thủ tục nhận tiền.
3. Cam kết chấp hành hợp đồng.
Người lao động tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Hàn Quốc, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện các quy định về cam kết chấp hành hợp đồng; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật về các nội dung đã cam kết. Quy định về cam kết chấp hành hợp đồng nhằm đảm bảo quy trình tuyển chọn lao động được thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài và ngăn ngừa tình trạng lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
- Trước khi xuất cảnh, người lao động thực hiện ký quỹ bằng tiền mặt100 triệu đồng/lao động tại các Phòng giao dịch của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình để cam kết không bỏ trốn tại Hàn Quốc và cam kết xử lý theo quy định của UBND tỉnh nếu hếthợp đồng làm việc không về nước đúng thời hạn.
- Người lao động ký cam kết về nước đúng thời hạn sau khi hoàn thành hợp đồng; đồng thời cá nhân có năng lực hành vi dân sự, tổ chức, đơn vị có năng lực pháp luật dân sự và có khả năng về kinh tế thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho người lao động khi tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Hàn Quốc.
- Chủ tịch UBND cấp xã cam kết người lao động tại địa phương về nước đúng thời hạn sau khi hoàn thành hợp đồng. Trường hợp xã, phường có từ 01 lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì không giao chỉ tiêu tuyển chọn lao động tham gia Chương trình Lao động nông nghiệp Hàn Quốc cho xã, phường đó đối với các đợt tuyển chọn tiếp theo.
III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch này bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị; các chương trình, đề án liên quan theo quy định của pháp luật và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phòng Lao động - TB&XH thị xã:
- Căn cứ Kế hoạch này, có trách nhiệm tham mưu xây dựng kế hoạch tuyển chọn, giới thiệu lao động trên địa bàn thị xã đảm bảo đủ số lượng theo yêu cầu và đảm bảo chất lượng ban đầu đối với lao động đăng ký tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Hàn Quốc.
- Tham mưu thành lập Tổ chỉ đạo Chương trình Lao động nông nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn thị xã.
- Tổng hợp danh sách đăng ký do UBND các xã, phường lập, sơ tuyển và thẩm định, giới thiệu ứng viên tham gia Chương trình Lao động nông nghiệp Hàn Quốc đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; xử lý, báo cáo UBND thị xã những thắc mắc, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc tuyển chọn, bảo lãnh người lao động trên địa bàn.
- Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong việc hướng dẫn các xã, thị trấn, người lao động hoàn thiện hồ sơ đảm bảo theo đúng quy định.
2. Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã:
Chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, đầu tư đối với các chính sách, hoạt động theo Kế hoạch, tham mưu phân bổ kịp thời các nguồn vốn thực hiện các nội dung liên quan.
3. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã
Hướng dẫn cho vay đối với người lao động có nhu cầu, thuộc đối tượng vay vốn theo quy định hiện hành tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài và thủ tục tất toán tài khoản tiền ký quỹ theo quy định.
- Thực hiện quản lý nguồn vốn, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, quản lý tiền ký quỹ của người lao động; tổng hợp về tình hình vay vốn định kỳ, báo cáo UBND thị xã.
4. Phòng Văn hóa và Thông tin; Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã.
Phòng Văn hóa thông tin chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền trên  loa truyền thanh cơ sở, thông báo kịp thời nội dung Kế hoạch này đến người lao động.
Đài truyền thanh truyền hình thị xã tổ chức thực hiện tuyên truyền, thông báo trên hệ thống đài truyền thanh của thị xã; đăng công khai Kế hoạch này trên bản tin thị xã.
5. Ủy ban nhân dân các xã, phường.
- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tuyển chọn, giới thiệu lao động trên địa bàn.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chương trình lao động nông nghiệp Hàn Quốc và các chính sách hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, vận động người lao động của địa phương  đăng ký tham gia chương trình Lao động nông nghiệp Hàn Quốc trở về nước khi hết hạn hợp đồng để tránh các nguy cơ, rủi ro cho người lao động, làm ảnh hưởng đến uy tín của thị xã.
- Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký, lựa chọn, tổng hợp danh sách người lao động đăng ký tham gia Chương trình Lao động nông nghiệp Hàn Quốc đúng quy trình.Chú trọng kiểm tra chặt chẽ đối tượng đăng ký đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực thiện Thỏa thuận đưa người lao động thị xã Ba Đồn đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại thành phố Yeongju, Hàn Quốc” trên địa bàn thị xã. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các xã, phường khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện; trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có những vấn đề vướng mắc, phát sinh kịp thời báo cáo UBND thị xã (qua phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) để xem xét, giải quyết./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm72
  • Hôm nay28,010
  • Tháng hiện tại524,650
  • Tổng lượt truy cập34,055,369
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây