Quảng Bình: Khóa 2 chiều hơn 9.200 thuê bao di động và có nguy cơ bị thu hồi số
Thứ hai - 17/04/2023 08:57
(QBĐT) - Chiều 16/4, thông tin từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh cho biết: Đến hết ngày 15/4, đã khóa 2 chiều (nghe và gọi) của 9.237 thuê bao di động tại địa bàn Quảng Bình chưa chuẩn hóa thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư.
Theo đó, hết ngày 15/4, Mobifone đã khóa 2 chiều 7.000 thuê bao trong tổng số 23.250 thuê bao cần chuẩn hóa thông tin đợt này. Viettel đã khóa 2 chiều 2.043 thuê bao trong tổng số 8.000 thuê bao cần chuẩn hóa thông tin. Vinaphone cũng đã thực hiện khóa 2 chiều đối với 194 thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin theo quy định trong tổng số 3.829 thuê bao cần chuẩn hóa thông tin.
Như vậy, theo lộ trình chuẩn hóa thông tin thuê bao di động: Đến ngày 31/3 không thực hiện chuẩn hóa thông tin bị khóa 1 chiều; đến ngày 15/4, các thuê bao không tiến hành chuẩn hóa lại sẽ bị khóa hai chiều.
Sau thời hạn 1 tháng, đến ngày 15/5/2023, các nhà mạng sẽ thực hiện thu hồi số thuê bao nếu khách hàng vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại thông tin kịp thời để trùng khớp thông tin với CSDLQG, theo yêu cầu của Bộ Thông tin -Truyền thông (TT-TT).
Tuy nhiên, từ nay đến 15/5, các nhà mạng vẫn tiếp tục hỗ trợ thực hiện chuẩn hóa thông tin cho khách hàng tại các cửa hàng giao dịch. Bởi sau thời điểm bị khóa thuê bao 2 chiều, khách hàng sẽ không thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao qua các ứng dụng của nhà mạng mà phải trực tiếp đến các điểm giao dịch để thực hiện mở khóa. Khách hàng cần mang theo căn cước công dân hoặc hộ chiếu để được hỗ trợ mở khóa thuê bao, xác minh thông tin chính chủ.
Theo ông Phạm Thanh Tân, Phó Giám đốc Sở TT-TT, đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao di động tại Quảng Bình lần này (bắt đầu thực hiện đối soát từ ngày 15/3/2023) đã được 3 nhà mạng lớn là Viettel, Vinaphone, MobiFone thực hiện nghiêm túc. Quảng Bình đã chuẩn hóa thông tin được trên 25.800 thuê bao trong tổng số hơn 35.000 thuê bao cần xác thực thông tin đợt này, đạt gần 74% . Đặc biệt, cùng với các nhà mạng, đông đảo người dân trong tỉnh cũng đã tích cực hưởng ứng, kịp thời đến các điểm giao dịch để chuẩn hóa thông tin chính chủ, chung tay dẹp vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện vẫn còn hơn 9.200 thuê bao chưa xác thực thông tin đã bị khóa 2 chiều và nguy cơ bị thu hồi số sau 30 ngày.
Để tiếp tục xử lý triệt để vấn nạn sim rác, Bộ TT-TT vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành và các sở TT-TT thực hiện thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao di động trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5/4 - 5/6/2023.
Bộ TT-TT nêu rõ: Trong thời gian vừa qua, hoạt động mua bán sim rác vẫn diễn ra phổ biến, mặc dù thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn sim nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có… đã dẫn đến tình trạng bùng phát các cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhiều người dân bị thiệt hại về tài sản.
Bộ yêu cầu các sở TT-TT khẩn trương thành lập các đoàn thanh tra triển khai đợt thanh tra đồng bộ đối với chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông tại địa phương; điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng sim điện thoại với số lượng lớn, có dấu hiệu bất thường…
“Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT-TT, UBND tỉnh, Sở TT-TT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn tỉnh trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5 tới”, ông Phạm Thanh Tân cho biết thêm. Nội Hà