Bài học lòng dân trong việc dựng lễ đài độc lập năm 1945

Thứ hai - 28/08/2023 11:01
Như chúng ta đã biết, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945 (từ 13 đến 28/8/1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" đã nhất tề vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Tháng Tám thành công.
Lễ đài Độc lập, ngày 2/9/1945.
Lễ đài Độc lập, ngày 2/9/1945.
Ngày 28/8/1945, Chính phủ cách mạng lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ, để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào. Trong phiên họp quyết định cử ông Nguyễn Hữu Đang - Thứ trưởng Bộ Thanh niên làm Trưởng Ban tổ chức ngày lễ.
Ông Nguyễn Hữu Đang (1913 - 2007) từng bị thực dân Pháp bắt từ 1930, tham gia Mặt Trận Dân chủ Đông Dương (1937 - 1939), Hội truyền bá Quốc ngữ (1938 -1945), phong trào Văn Hóa Cứu Quốc (1943 - 1946), Ủy Ban Giải phóng Dân Tộc tại Tân Trào 1945, là người tổ chức ngày lễ 2/9/1945, xây dựng khán đài để Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình Hà Nội.
Theo nhà văn Phùng Quán, chiều đó, ông Đang được cụ Nguyễn Văn Tố (Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa) dẫn vào phòng họp gặp Bác Hồ. Bác Hồ hỏi ông Đang: Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?
Ông Đang tính rất nhanh trong đầu: như vậy là chỉ còn có 4 ngày nữa thôi... suy nghĩ cân nhắc trong một phút. Hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà ông phải vượt qua... để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy, trong khi đó mình chỉ có hai bàn tay trắng. Ông nói với Bác Hồ: Thưa Cụ, việc Cụ giao là quá khó, vì gấp quá rồi.
Cụ Hồ nói ngay: Có khó thì mới giao cho chú chứ!
Được Bác động viên, ông Đang nhận nhiệm vụ và hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách. Trước khi ra về, ông Đang xin Bác được trao cho trọng trách huy động tất cả những gì cần thiết cho việc tổ chức buổi lễ, về người cũng như về của...
Rồi ông thảo một thông cáo ngắn gọn kêu gọi đồng bào có nhiệt tâm, muốn đóng góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này, xin mời đến Hội quán Trí Tri phố hàng Quạt gặp Ban tổ chức. Đồng bào Thủ đô đã nô nức ghi tên vào các công tác, người góp tiền, góp vàng, góp vải vóc, gỗ ván để xây dựng Lễ đài và tổ chức buổi lễ. Ông tiếp tục kêu gọi người tình nguyện nhận việc dựng lễ đài. Ban tổ chức quyết định giao công trình cho họa sĩ Lê Văn Đệ và Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh thiết kế và thi công. Lễ đài phải được dựng xong trong vòng 48 giờ đồng hồ. Đúng 5 giờ sáng ngày mồng 2/9 sẽ nghiệm thu.
Lễ đài Độc Lập là một công trình kiến trúc, tuy dựng gấp rút, tạm thời, nhưng phải đạt được những tiêu chuẩn không thể thiếu của nó như sự vững chắc, sự hài hoà công trình với tổng thể... Bản vẽ thật đẹp, thật chi tiết, tỉ mỉ... Lễ đài với tổng thể vườn hoa Ba Đình, vị trí dựng lễ đài, chiều cao, chiều rộng, mặt bằng, mặt cắt ngang, cắt dọc lễ đài, độ lớn các xà gỗ, tổng diện tích mặt ván ốp lát...nhanh chóng được thông qua Ban tổ chức.
Cùng tài năng và sự nỗ lực, ông Nguyễn Hữu Đang và các cộng sự đã hoàn thành Lễ đài trước rạng sáng ngày 2/9. Màu đỏ, vàng của Lễ đài với hai bình hương hai bên, cùng màu của cờ đỏ sao vàng trên cột cờ Lễ đài, tất cả cùng nổi lên rực rỡ và sống động. Vào lúc 14h00 ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ Lâm thời đã đứng trên Lễ đài ra mắt quốc dân đồng bào và Người trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tổ quốc từ đây được độc lập, nhân dân được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2/9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Sắp đến ngày Tết Độc lập, ôn lại chuyện làm Lễ đài Độc lập để nói rằng: khi lòng người quyết tâm, có trí tuệ, tài năng và tập hợp được tinh thần đoàn kết, ắt sẽ vượt qua được mọi trở ngại, làm được những việc tưởng chừng không thể: Thiết kế và thi công Lễ đài Độc lập mang ý nghĩa lịch sử lớn lao và tầm vóc quốc gia…, chỉ vẻn vẹn 48 tiếng đồng hồ. Trong khi “Buổi đầu không một tấc sắt trong tay”. Kể cả ngày nay, trong điều kiện tốt hơn nhiều thì việc thiết kế và thi công một công trình tương tự cũng không phải dễ.
Bài học “lòng dân” đến hôm nay và về sau vẫn còn nguyên giá trị.

Tác giả bài viết: Đặng Viết Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập50
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay4,173
  • Tháng hiện tại597,134
  • Tổng lượt truy cập40,116,923
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây