Thị xã Ba Đồn  - 10 năm xây dựng và phát triển

Thứ ba - 19/12/2023 14:11
  Năm 2023 mở ra một chặng đường mới với nhiều vận hội mới cho tỉnh Quảng Bình và riêng với thị xã Ba Đồn - năm 2023 mang ý nghĩa là dấu mốc quan trọng về một chặng đường xây dựng và phát triển, giai đoạn 2013-2023. Đến nay, sau 10 năm thành lập, thị xã đã có bước tiến mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội phát triển nhanh của tỉnh Quảng Bình. Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã Ba Đồn, kính mời quý vị và các bạn cùng nhìn lại chặng đường phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thị xã.   
Một góc phố Ba Đồn (Ảnh: Trần An)
Một góc phố Ba Đồn (Ảnh: Trần An)
           Cách đây 10 năm, ngày 20/12/2013, thị xã Ba Đồn được thành lập theo Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quảng Trạch để thành lập mới thị xã Ba Đồn. Từ đây thị xã bắt đầu một hành trình mang bao khát vọng của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với mục tiêu xây dựng thị xã Ba Đồn giàu đẹp, văn minh.
 Thị xã Ba Đồn được thành lập trên cơ sở điều chỉnh hơn 16.000 ha diện tích tự nhiên và 115.196 nhân khẩu của huyện Quảng Trạch, có 16 đơn vị hành chính cấp xã gồm 6 phường và 10 xã và được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh Quảng Bình. 
        Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cùng những định hướng sát đúng của Tỉnh ủy, UBND; sự phối hợp chạt chẽ hiệu quả của các Sở, Ban, Ngành tỉnh Quảng Bình và bằng nhiều chủ trương, chính sách, các giải pháp năng động, hợp lý trong lãnh đạo điều hành của các cấp Đảng bộ và chính quyền thị xã được ví như luồng gió mát thổi bùng lên khát vọng đổi mới vươn lên của người dân Ba Đồn, đã đem lại nhiều đổi thay to lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã tăng đều đặn năm sau cao hơn năm trước.
      Điểm xuất phát từ những năm đầu thành lập thị xã với cơ sở hạ tầng, giao thông còn nhiều hạn chế, hệ thống y tế, giáo dục còn nhiều thiếu thốn, thương mại dịch vụ hoạt động khá trầm lắng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng điều quan trọng nhất là Đảng bộ, chính quyền và người dân Ba Đồn đều có chung một ý chí và một tâm huyết quyết tâm xây dựng đô thị Ba Đồn ngày càng phát triển. Với những lợi thế về vị trí địa lý, từ Ba Đồn có thể dễ dàng xuất khẩu hàng hóa, kết nối thị trường trong nước và khu vực. Bên cạnh vị trí giao thông thuận lợi, Ba Đồn còn được biết đến với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển, nghĩ dưỡng...
     Sau 10 năm thành lập, diện mạo đô thị Ba Đồn đã có nhiều đổi thay tích cực. Thị xã đã tự tin hội nhập với một diện mạo mới.  Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Ba Đồn đang tập trung xây dựng chương trình trọng điểm phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng khai thác các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế sẵn có. Cụ thể, thị xã đã tập trung hướng phát triển về phía biển; kêu gọi nhà đầu tư có năng lực triển khai các dự án khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu resort ven biển, kết hợp đầu tư phát triển hệ thống giao thông khu vực ven biển. Bên cạnh đó, là các dự án lớn nhằm tạo ra bước phát triển liên hoàn với Khu Công nghiệp Cảng biển Hòn La, Cảng vụ Sông Gianh và Đường 12A - Quốc lộ 1 để Ba Đồn kết nối, giao lưu, trao đổi hàng hóa với các nước Lào, Thái
Từ năm 2013 đến nay, cơ cấu kinh tế của thị xã chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ và công nghiệp, giảm dần tỷ trọng các ngành nông - lâm nghiệp; lĩnh vực nông nghiệp thủy sản có những chuyển biến tích cực phát triển vững chắc theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị ngành công nghiệp xây tăng trưởng khá cao, không gian đô thị được mở rộng, sắp xếp bố trí theo đúng quy hoạch diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ.
          Kinh tế tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 2,7 lần, từ 20,5 triệu đồng/người/năm lên 54,6 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tăng gấp 6 lần, từ 64,765 tỷ lên 387,250 tỷ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 10,61% xuống còn 1,51%. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trở thành những điểm nhấn quan trọng về kiến trúc và cảnh quan của thị xã
          Xác định phát triển thương mại dịch vụ gắn với khai thác tiềm năng du lịch sẽ là hướng đi lâu dài, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, thị xã đã và đang nỗ lực phát huy lợi thế, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để không ngừng phát triển. thị xã Ba Đồn giờ đây đã trở thành thị trường kinh doanh buôn bán sôi động với hệ thống chợ, siêu thị phát triển khá mạnh. Bên cạnh sự nổi tiếng của chợ Ba Đồn với đủ các loại sản vật được bày bán, thị xã cũng có hệ thống các cửa hàng, siêu thị đã tạo được sự sôi động trong hoạt động giao thương, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2013 thực hiện được 2.626 tỷ đồng, đến cuối năm 2023 thực hiện được 6.246 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 9,05%. Hoạt động kinh doanh thương mại phát triển nhanh về số lượng cơ sở, đa dạng về ngành nghề bao gồm cả hoạt động viễn thông, tín dụng, khách sạn, nhà hàng ăn uống, dịch vụ phục vụ.               Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Ba Đồn có nhiều chuyển biến theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Trong 10 năm kể từ khi thành lập, thị xã đã đặt mục tiêu tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu lại nông nghiệp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thành tựu nổi bật của sản xuất nông nghiệp là tăng trưởng liên tục và khá vững chắc, bình quân mỗi năm 3,97%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 125,9%. Giá trị sản xuất thủy sản tăng từ 339,6 tỷ đồng năm 2013 lên 567,4 tỷ đồng năm 2023.
Ba Đồn cũng luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp - TTCN và các làng nghề truyền thống, các mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã, tổ hợp tác cũng như các mô hình kinh tế trang trại. Giá trị sản xuất CN-TTCN-NNNT đến năm 2023 đạt hơn 1.669 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 9,45%. Một số dự án sản xuất hiện đang đi vào sản xuất ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy, mộc dân dụng, mỹ nghệ Quảng Lộc, Nón lá tại Quảng Tân; Cơ khí nông nghiệp, cơ khí phụ trợ nông nghiệp và các nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp khác.
          Sự thay đổi rõ nét nhất của đô thị Ba Đồn trong 10 năm qua chính là hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng, gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình hành động phát triển cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng đô thị văn minh giai đoạn 2016-2020 và chương trình hành động về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, gắn với công tác quản lý, chỉnh trang đô thị giai đoạn 2020 – 2025. Nhiều dự án động lực, trọng điểm về phát triển cơ sở hạ tầng được triển khai, thực hiện như: Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan; Dự án tuyến đường từ phía Nam cầu Quảng Hải 2 đi ga Lạc Giao; các dự án hạ tầng thương mại, hạ tầng y tế, hạ tầng kỹ thuật – xã hội khác… Đặc biệt các công trình hạ tầng giao thông quan trọng tăng cường kết nối vùng, liên vùng được triển khai như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (Dự án thành phần Vũng Áng - Bùng) đoạn đi qua thị xã Ba Đồn; Đường ven biển thuộc Dự án: Đường ven biển và Cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình (đoạn qua các phường: Quảng Thọ, Quảng Phúc và Quảng Thuận); Dự án thành phần 1: Đầu tư xây dựng QL12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn thuộc Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp QL12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Gianh… Các dự án phục vụ đời sống xã hội như Quảng trường biển, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (cơ sở 2), nhà thi đấu đa năng thị xã đang được tích cực triển khai trong thời gian tới. Diện mạo cảnh quan đô thị của thị xã đã và đang thay đổi từng ngày, đời sống và chất lượng sống của người dân ngày càng được nâng cao.
          Năm 2020, thị xã phối hợp Báo Công thương tổ chức Hội nghị "Đầu tư và Phát triển thị xã Ba Đồn". Tại đây, các nhà đầu tư thấy được tiềm năng, thế mạnh của thị xã và đã ký cam kết ghi nhớ hợp tác, đầu tư 11 dự án vào thị xã với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.000 tỷ đồng. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu một chặng đường mới của thị xã để làm thay đổi bộ mặt đô thị Ba Đồn. Đến nay đã có 04 dự án được đầu tư với số vốn hơn 6.600  tỷ đồng đó là dự án Khu đô thị tại trung tâm thị xã với chức năng nhà ở, các công trình thương mại và dịch vụ, vui chơi giải trí, các công trình công cộng...
          Sau 10 năm, số Doanh nghiệp trên địa bàn thị xã ngày càng tăng về số lượng và quy mô; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2023 có 425 doanh nghiệp, tăng 77,5%, cơ sở kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh thương mại cũng được khuyến khích phát triển, đến năm 2023 tăng lên 4.572 cơ sở, tăng 36,6% so với năm 2013.
          Bức tranh nông thôn mới ở thị xã Ba Đồn ngày càng tươi mới hơn bởi những thay đổi vượt bậc từ các làng quê Nông thôn mới. Đến nay tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới 10/10 xã. 2 xã Quảng Tân và Quảng Hải đang tích cực triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.
          Thị xã cũng chú trọng thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay trên địa bàn thị xã có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 và 4 sao cấp tỉnh, 12 sản phẩm có tiềm năng để đạt chuẩn OCOP 3 sao.
       Những năm gần đây, thị xã cũng rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn bằng những cây cầu bắc qua sông giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại như cầu Công Hòa, cầu Hà Sơn; cầu Cồn Nâm và Cầu Minh Tiến xã Quảng Minh được khởi công xây dựng là niềm phấn khởi của đông đảo nhân dân vùng Cồn khi có được những cây cầu nối những bờ vui, nâng cao đời sống người dân, thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, trù phú.
 Ông Hoàng Minh Phương, Thôn Đông Thành, xã Quảng Minh nói:  "Chúng tôi sống ở vùng cồn bãi có giao thông cách trở, đi lại rất khó khăn, đời sống bà con nhân dân cũng còn vất vả. Tuy nhiên, năm 2022, xã Quảng Minh chúng tôi được đầu tư xây dựng cầu qua thôn, chúng tôi rất phấn khởi và vui mừng cảm ơn các cấp chính quyền đã quan tâm đến đời sống của bà con nhân dân chúng tôi. Hiện nay, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống của bà con nhân dân vùng giáo chúng tôi đã được nâng lên đáng kể. Có cầu qua lại thuận tiện rồi nên bà con nhân dân chúng tôi sẽ cố gắng phát triển kinh tế để nâng cao đời sống gia đình".
          Đặc biệt, một công trình được triển khai thực hiện trong niềm mong đợi của bà con nhân dân đó là Dự án thủy lợi Rào Nan có tổng số vốn đầu tư 350 tỷ đồng được hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2021 đã cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt cho bà con nhân dân 9 xã vùng Nam sông Gianh, 13 xã phía Bắc sông Gianh, 6 xã vùng nam huyện Quảng Trạch với diện tích 1.800 ha. Đây chính là niềm mong mỏi của hàng ngàn người dân từ bao đời nay và cũng chính là công trình của ý Đảng - lòng dân.
82
Đập Rào Nan (Ảnh: Trần An)
          Xác định văn hóa - xã hội là nền tảng tinh thần, là động lực cho phát triển, thị xã Ba Đồn đã tích cực thực hiện nhiều nội dung phát triển đồng bộ. Mạng lưới trường lớp được bố trí, sắp xếp phù hợp, chất lượng được nâng lên. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo về số lượng và đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa. Năm 2013 toàn thị xã có 29 trường chuẩn quốc gia, đến cuối năm 2023 có 51/53 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 96,22% tăng 22 trường so với năm 2013.
          Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe  nhân dân được chú trọng, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, năm 2013 có 07 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, đến cuối năm 2023 có 16/16 xã, phường, đạt tỷ lệ 100%. Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình và trạm y tế các phường xã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ được bồi dưỡng đào tạo đào tạo chuyên sâu để đáp ứng khá tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
          Phong trào văn hóa, thể dục thể thao cũng được phát triển, mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, rèn luyện thể dục thể thao cho nhân dân. Phong trào không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân mà còn xây dựng lối sống lành mạnh, đoàn kết, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Công tác an sinh-xã hội trên địa bàn cũng luôn được quan tâm, thị xã luôn coi trọng hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng. Giải quyết việc làm bình quân hàng năm trên 3.000 lao động.
      Về công tác CCHC - Chuyển đổi số, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 100% văn bản được ký số và thực hiện việc nhận, gửi văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Thông tin về TTHC được cung cấp đầy đủ trên Trang thông tin điện tử thị xã và các xã, phường; qua đó công dân, tổ chức có thể khai thác thông tin và đăng ký trực tuyến các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3.
        Thị xã Ba Đồn là một trong 2 địa phương của tỉnh Quảng Bình xây dựng và thực hiện Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh với các thành phần, dịch vụ như: Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông; Trung tâm Giám sát, điều hành an ninh công cộng; Trung tâm Giám sát thông tin báo chí và truyền thông; Hệ thống wifi phục vụ du lịch; Ứng dụng công dân thông minh; Trung tâm giám sát An ninh mạng (SOC).
          Quốc phòng - An ninh được tăng cường, an ninh chính trị; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Công tác xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu được tăng cường. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân được củng cố. Lãnh đạo, chỉ đạo thành công các đợt diễn tập chiến đấu phòng thủ thị xã và xã, phường. Công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tốt; các vấn đề về an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo diễn ra trên địa bàn cơ bản ổn định. Thị xã là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh hoàn thành việc bố trí công an chính quy về công tác tại xã.
                 Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị luôn được quan tâm, có nhiều đổi mới. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng được thực hiện đa dạng, phong phú, đổi mới với nhiều hình thức bằng các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao nhận thức, nắm bắt kịp thời tình hình thời sự, kinh tế, xã hội của đất nước, của tỉnh, thị xã, ủng hộ và đồng hành cùng cấp ủy đảng, chính đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trong tình hình mới.
          Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị, sức lan tỏa trong xã hội, tạo sự chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
        Hệ thống tổ chức cơ sở phát triển nhanh, chất lượng, hiệu quả hoạt động  tăng lên; phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Đến nay, toàn thị xã có 235 chi bộ cơ sở, 34 đảng bộ, chi bộ trực thuộc Thị ủy, với hơn 6 nghìn đảng viên. Đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ được phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống, trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng.
          Quy trình công tác cán bộ có nhiều đổi mới theo hướng dân chủ, công khai. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thị xã nói riêng
           Công tác dân vận, kiểm tra, giám sát được tăng cường. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đã có nhiều đổi mới, trọng tâm là đổi mới quy trình ra nghị quyết, cải tiến lề lối làm việc, xây dựng quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy dân chủ trong đảng và trong xã hội, đề cao trách nhiệm cá nhân lãnh đạo; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng; chú trọng kiểm tra việc giữ gìn đạo đức, lối sống; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và những điều đảng viên không được làm.
Dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, phát huy và mở rộng. Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội không ngừng được củng cố về tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. 
Những thành tựu mà Ba Đồn đạt được sau 10 năm thành lập sẽ là tiền đề, là động lực để thị xã tiếp tục nỗ lực xây dựng đô thị Ba Đồn đạt chuẩn đô thị loại III trong thời gian tới. Một niềm vui  mới đã đến với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thị xã Ba Đồn khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra nghị quyết lãnh đạo phấn đấu xây dựng, phát triển thị xã Ba Đồn đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2026..
          10 năm, một thập kỷ, một chặng đường, thị xã Ba Đồn vươn mình trỗi dậy và hôm nay bước tiếp chặng đường mới. Với những thành tựu đã đạt đạt được trong 10 năm xây dựng và phát triển; Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân thị xã Ba Đồn đang tự tin tiến tới tương lai để xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp, văn minh và hạnh phúc.

Tác giả bài viết: Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập520
  • Hôm nay50,447
  • Tháng hiện tại275,575
  • Tổng lượt truy cập41,421,029
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây