ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN VỀ THIẾU TƯỚNG HOÀNG SÂM (1915-1969)
Thứ hai - 11/11/2024 02:04
Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của Thiếu tướng Hoàng Sâm
Thiếu tướng Hoàng Sâm, tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Năm 1927, lúc 12 tuổi, ông theo gia đình rời quê hương sang sinh sống tại Thái Lan. Những năm 1928 - 1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Thầu Chín sang hoạt động cách mạng ở Thái Lan, Trần Văn Kỳ được Người chọn làm liên lạc. Những năm 1930 - 1932, Trần Văn Kỳ học sinh ở Thái Lan, thi đỗ bằng trung học phổ thông rồi được bổ làm giáo học tuy nhiên ông không đi vì muốn đi làm cách mạng.
Năm 1933, đồng chí được kết nạp vào Thanh niên Cộng sản Đoàn, sau đó, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1934, đồng chí bị nhà cầm quyền Thái Lan bắt giam rồi trao cho Lãnh sự Pháp. Sau một năm giam giữ, do không có bằng chứng kết tội, được thả và bị trục xuất khỏi Thái Lan, đồng chí được tổ chức bí mật đưa sang Trung Quốc tiếp tục hoạt động.
Năm 1936, tại Quảng Tây, đồng chí gặp đồng chí Phùng Chí Kiên - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và được cử đi học tiếng Trung Quốc và học thêm tiếng Bạch thoại và tiếng Thổ.
Năm 1937, Trần Văn Kỳ gặp và nhận chỉ thị của đồng chí Hoàng Văn Thụ về Cao Bằng hoạt động. Một thời gian sau, bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam 6 tháng ở Cao Bằng, khi ra tù, ông lại sang Trung Quốc tham gia một tổ chức kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoạt động ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Năm 1938, ông vào học trường quân sự của Quốc Dân đảng Trung Quốc nhưng nhận ra bản chất của trường, sau 1 tuần, đã bỏ học. Sau đó, Trần Văn Kỳ gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người đặt cho bí danh là Hoàng Sâm. Đồng chí cùng 40 cán bộ khác được cử về nước hoạt động.
Đầu năm 1941, được giao nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Sâm cùng các đồng chí khác đã bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về Pác Bó (Cao Bằng) an toàn. Tháng 5 năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Hà Quảng, Cao Bằng. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Sâm đã tổ chức thành công tuyến giao liên qua Lạng Sơn đón đại biểu về dự Hội nghị quan trọng này một cách an toàn.
Tháng 6 năm 1941, tại Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ châu Hà Quảng ở Mã Lịp (Nà Sác), đồng chí Hoàng Sâm được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Châu khoá I. Cuối năm 1941, Đội du kích Pắc Bó gồm 12 người được thành lập, do đồng chí Lê Quảng Ba làm Đội trưởng, đồng chí Hoàng Sâm làm Đội phó, đến giữa năm 1942, được giao làm Đội trưởng. Với bí danh là Trần Sơn Hùng, đồng chí Hoàng Sâm tích cực tham gia diệt phỉ, bảo vệ cơ sở cách mạng tạo điều kiện cho các hội cứu quốc ở vùng Lục Khu (Hà Quảng) phát triển.
Đầu tháng 5 năm 1942, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ I được triệu tập tại Kẻ Giẳng (xã Hoàng Tung, châu Hoà An), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức gồm 9 đồng chí do đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã) làm Bí thư, Hoàng Sâm được bầu làm Ủy viên.
Từ tháng 02 đến cuối năm 1943, đồng chí Hoàng Sâm làm nhiệm vụ tổ chức lực lượng bảo vệ các tổ “xung phong Nam tiến” xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng và phong trào cách mạng, nối thông liên lạc các khu căn cứ ở Việt Bắc.
Tháng 10 năm 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đồng chí Hoàng Sâm được chọn làm Đội trưởng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí đã cùng Ban Chỉ huy tổ chức tiến hành thắng lợi các trận đánh Phai Khắt (25.12.1944), Nà Ngần (26.12.1944). Khoảng 1 tuần sau, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành đại đội, đồng chí Hoàng Sâm làm Đại đội Trưởng. Đồng chí cùng Ban Chỉ huy Đại đội chỉ huy đơn vị tiến hành các hoạt động vũ trang tuyên truyền phát triển cơ sở và phong trào cách mạng ở Cao - Bắc - Lạng.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), đồng chí cùng Ban Chỉ huy đội chỉ huy các đơn vị phối hợp với cơ sở cách mạng tại chỗ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở một số địa phương thuộc các châu Ngân Sơn, Chợ Rã, Bạch Thông. Cuối tháng 3 năm 1945, đồng chí Hoàng Sâm cùng đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy một đơn vị đánh Nhật ở Phủ Thông, thành lập chính quyền nhân dân cấp xã ở đây.
Chấp hành Nghị quyết của Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 15 tháng 5 năm 1945, tại Định Biên Thượng, Định Hóa, Thái Nguyên diễn ra lễ hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Đồng chí Hoàng Sâm tham dự lễ và được giao chỉ huy một đơn vị Việt Nam Giải phóng quân.
Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Quốc dân Đại hội họp và thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, đồng chí Hoàng Sâm được phân công phụ trách quân sự các địa bàn Bắc Kạn - Thái Nguyên - Tuyên Quang. Đồng chí đã chỉ huy một bộ phận Việt Nam Giải phóng quân tiến về Vĩnh Yên, tiêu diệt lực lượng Quốc dân đảng. Hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí tiếp tục chỉ huy đơn vị cơ động về Sơn Tây, bảo vệ chính quyền cách mạng ở phía Tây và Tây Bắc Hà Nội.
Tháng 10 năm 1945, đồng chí Hoàng Sâm được bổ nhiệm làm Khu trưởng Chiến khu 2 gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hà Đông, Sơn Tây. Đầu năm 1947, trước yêu cầu cấp bách xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và tổ chức lực lượng chiến đấu ngăn chặn bước tiến quân của thực dân Pháp từ Lào vào các tỉnh Tây Bắc, Chính phủ quyết định thành lập Mặt trận Tây tiến. Đồng chí Hoàng Sâm được cử kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Tây tiến.
Đầu năm 1948, đồng chí Hoàng Sâm được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo sắc lệnh 120/SL ngày 25 tháng 01 năm 1948 của Chính phủ, các chiến khu 2, 3 và 11 sát nhập thành Liên khu 3, gồm 12 tỉnh, thành phố: Liên tỉnh Hải Kiến[1], Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hoà Bình. Bộ Chỉ huy Liên khu 3 do các đồng chí Thiếu tướng Hoàng Sâm làm Tư lệnh, Lê Quang Hoà làm Chính uỷ.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, từ tháng 11 năm 1949 đến tháng 01 năm 1950, Bộ Tư lệnh Liên khu 3 tiến hành Chiến dịch Lê Lợi. Thiếu tướng Hoàng Sâm - Tư lệnh Liên khu 3 làm Chỉ huy Trưởng, đồng chí Văn Tiến Dũng làm Chính uỷ, đồng chí Lê Trọng Tấn - Trung đoàn Trưởng 209 làm Chỉ huy Phó.
Tháng 5 năm 1951, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Quang Trung (chiến dịch Hà - Nam - Ninh) do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy Trưởng Chiến dịch kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận. Đồng chí Hoàng Sâm - Tư lệnh Liên khu 3 được Trung ương chỉ định tham gia Đảng uỷ Mặt trận.
Giữa năm 1951 đến tháng 5 năm 1952, Thiếu tướng Hoàng Sâm được cử làm phái viên của Bộ Tổng Tư lệnh tham gia chiến dịch với các đại đoàn 312, 304[2].
Tháng 5 năm 1952, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định chia tách Liên khu 3 thành Liên khu 3 và Khu Tả Ngạn. Khu Tả Ngạn gồm các tỉnh Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Yên và thành phố Hải Phòng. Liên khu 3 gồm các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Đông, Sơn Tây, Sơn La, Hoà Bình do Thiếu tướng Hoàng Sâm làm Tư lệnh[3].
Giữa năm 1953 đến đầu năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Sâm được cử làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, rồi Chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào chỉ huy các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Lực lượng vũ trang cách mạng Lào tiến công địch, phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau Hiệp định Giơnevơ (21.7.1954), Thiếu tướng Hoàng Sâm chỉ huy đơn vị tiếp quản Hà Đông, Sơn Tây, sau đó được bổ nhiệm làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320 và được Chính phủ bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hải Phòng (đồng chí Đỗ Mười làm Chủ tịch) làm nhiệm vụ tiếp quản Hải Phòng tháng 5 năm 1955.
Trước yêu cầu tập trung lãnh đạo xây dựng và bảo vệ miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, tháng 11 năm 1955, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định giải thể cấp liên khu và khu. Theo đó, Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn được thành lập trên cơ sở Liên khu 3 và Khu Tả Ngạn[4]. Ngày 6 tháng 6 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 022/SL bổ nhiệm Thiếu tướng Hoàng Sâm giữ chức Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn.
Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa II (1960 - 1964) ngày 8 tháng 5 năm 1960, Thiếu tướng Hoàng Sâm - Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn được bầu làm Đại biểu Quốc hội.
Những năm 1961 - 1962, Thiếu tướng Hoàng Sâm được cử làm Phó đoàn trưởng phụ trách quân sự Đoàn Chuyên gia quân sự 959 giúp cách mạng Lào, với bí danh Chăn Di (Đoàn trưởng là đồng chí Lê Chưởng).
Ngày 01 tháng 11 năm 1963, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 51/QĐ hợp nhất Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn thành Quân khu 3. Đồng chí Hoàng Sâm được chỉ định giữ chức Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu.
Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa III (1964 - 1971) ngày 26 tháng 4 năm 1964, Thiếu tướng Hoàng Sâm - Tư lệnh Quân khu 3 được bầu làm đại biểu Quốc hội.
Ngày 23 tháng 3 năm 1967, Quân khu 3 tách thành Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn. Ngày 03 tháng 6 năm 1967 theo Nghị quyết số 1459-/NQ- NS/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Thiếu tướng Hoàng Sâm giữ chức Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn.
Ngày 30 tháng 5 năm 1968, Thường trực Quân ủy Trung ương ra Quyết nghị số 025/HM, thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên (gọi tắt là Bộ Tư lệnh Trị Thiên), Thiếu tướng Hoàng Sâm được cử làm Tư lệnh[5]. Tháng 8 năm 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm được chỉ định làm Khu ủy viên Khu ủy Trị Thiên Huế. Ngày 16 tháng 10 năm 1968, Bộ Chính trị ra quyết định bổ sung đồng chí Hoàng Sâm vào Thường vụ Khu ủy Trị Thiên Huế[6].
Ngày 15 tháng 01 năm 1969, Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh trong lúc thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Trị Thiên[7]. Dù đang trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương vẫn chỉ thị đưa thi hài Thiếu tướng Hoàng Sâm ra Bắc để tổ chức tang lễ. Lễ tang Thiếu tướng Hoàng Sâm tổ chức ngày 01 tháng 02 năm 1969 tại Câu lạc bộ Quân nhân (số 19, Hoàng Diệu - Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh... đã đến viếng. Thi hài Thiếu tướng Hoàng Sâm được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Với những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Sâm được tặng thưởng:
- Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng 1999),
- Huân chương Quân công hạng Nhất,
- Huân chương Chiến công hạng Nhất,
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất,
- Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
II. Khái quát những cống hiến của đồng chí Hoàng Sâm với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và với Quân đội nhân dân Việt Nam
1. Đồng chí Hoàng Sâm - Người cộng sản kiên trung, có nhiều đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam
Năm 1927, do hoàn cảnh bần cùng, không có ruộng đất canh tác, Trần Văn Kỳ phải theo gia đình sang Thái Lan sinh sống. Từ tháng 7 năm 1928 đến tháng 11 năm 1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sang Thái Lan hoạt động cách mạng, với bí danh Thầu Chín. Qua thử thách và giác ngộ, nhờ sự sáng dạ và nhanh nhẹn, Trần Văn Kỳ được Thầu Chín lựa chọn và huấn luyện làm liên lạc cho Người. Trần Văn Kỳ tích cực tham gia rải truyền đơn, tuyên truyền, vận động cách mạng trong bà con Việt kiều.
Năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được giao phụ trách địa điểm liên lạc, in, phát truyền đơn. Năm 1934, đồng chí bị nhà cầm quyền Thái Lan bắt giam. Trong tù, đồng chí cùng các đảng viên tổ chức đấu tranh phản đối chính quyền Thái Lan trao trả tù chính trị cho thực dân Pháp, đòi cải thiện đời sống và đối xử tử tế với tù nhân. Đồng chí đã tham gia cuộc đấu tranh tuyệt thực của tù nhân kéo dài 7 ngày, buộc chính quyền Thái Lan phải nhượng bộ. Sau đó, đồng chí và một số tù chính trị bị đưa xuống Băng Cốc. Tại đây, Trần Văn Kỳ được cử làm đại biểu đại diện tù nhân, cùng các đồng chí khác tiếp tục đấu tranh chống ngược đãi tù nhân, phản đối Pháp can thiệp. Bị chính quyền Thái Lan đàn áp, Trần Văn Kỳ bị thương. Sau những cuộc tra tấn, dụ dỗ, thẩm vấn không thành công, chính quyền Thái Lan và Lãnh sự Pháp buộc phải trả tự do, nhưng trục xuất khỏi Thái Lan[8].
Quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1936 đến 1940, được sự dìu dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các thế hệ cách mạng tiền bối, đồng chí Hoàng Sâm luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao, tỏ rõ phẩm chất kiên trung, sáng tạo tổ chức và tiến hành các hoạt động cách mạng trong Nhân dân các dân tộc, mở các lớp huấn luyện quân sự tập trung tại Hà Quảng đào tạo cán bộ quân sự cách mạng đưa về các địa phương để tổ chức, huấn luyện lực lượng vũ trang. Đặc biệt, đồng chí đã cùng các đồng chí được giao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đón lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, mở đường giao liên, đưa đón đại biểu và bảo vệ an toàn Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 họp tháng 5 năm 1941 tại Khuổi Nặm, Cao Bằng[9].
Trong vai trò là đội phó rồi đội trưởng Đội du kích Pác Bó, đồng chí Hoàng Sâm đã chỉ huy đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu căn cứ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc; đồng thời tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, tiễu phỉ, trừ gian ở vùng biên giới tỉnh Cao Bằng; vận động quần chúng, huấn luyện tự vệ chiến đấu. Đồng chí Hoàng Sâm đã thể hiện rõ phẩm chất, năng lực của một nhà quân sự tài năng, một cán bộ dân vận giỏi, có nhiều đóng góp quan trọng, nhất là trong xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn, tạo điều kiện cho các hội cứu quốc vùng Lục Khu[10]phát triển.
Từ tháng 6 năm 1941 đến tháng 5 năm 1942, trên các cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ châu Hà Quảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, đồng chí Hoàng Sâm cùng tập thể cấp uỷ tích cực lãnh đạo đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, xây dựng Đảng từ tỉnh xuống đến cơ sở, các đoàn thể quần chúng, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh lớn mạnh cả về tư tưởng và tổ chức.
Được giao nhiệm vụ thành lập và chỉ đạo đội vũ trang “Hộ lương diệt ác”, đồng chí Hoàng Sâm với cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đã chỉ huy đơn vị hoạt động tích cực hỗ trợ hiệu quả cho các châu Nguyên Bình (Cao Bằng), Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn) trừng trị Việt gian phản động và các nhóm quân Pháp, củng cố và duy trì “những con đường quần chúng”, nối lại con đường liên lạc giữa hai căn cứ Cao Bằng và Thái Nguyên.
Suốt gần 5 năm gắn bó với quần chúng, đồng chí Hoàng Sâm có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ và nguy hiểm nhất của vùng núi rừng Cao - Bắc - Lạng, góp phần xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Dưới sự chỉ đạo, dìu dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Sâm đã thể hiện rõ khả năng, năng lực chính trị, quân sự của mình và thực hiện đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với vùng đồng bào các dân tộc ít người, được Nhân dân yêu quý, cảm phục; còn kẻ thù thì nể sợ. Đánh giá về đồng chí Hoàng Sâm, từ năm 1944, khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Đây là Hoàng Sâm, Đội trưởng, từ lúc bé đã thoát ly gia đình làm cách mạng, bôn tẩu từ trong nước sang Xiêm La (Thái Lan) và Trung Quốc, trở về hoạt động ở miền biên giới. Bao nhiêu năm truy nã, đã từng lặn lội trong dân chúng Kinh, Thổ, Mán, Nùng, đã từng vũ trang chiến đấu nhiều với quân tuần tiễu của Pháp, đã làm cho bọn thổ phỉ nghe tiếng là phải khiếp sợ”[11]
- Thiếu tướng Hoàng Sâm - Nhà chỉ huy quân sự tài năng có nhiều cống hiến đối với sự ra đời, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam
Cuối tháng 10 năm 1944, từ Trung Quốc trở về xã “đỏ” Nà Sác, huyện Hà Quảng, sau khi nghe báo cáo, lãnh tụ Hồ Chí Minh yêu cầu hoãn ngay cuộc khởi nghĩa mà Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng chuẩn bị phát động và chỉ thị thành lập đội quân giải phóng[12]... Người giao nhiệm vụ đó cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, với lời nhắc nhở quán triệt phương châm: “Người trước, súng sau”, các đội viên phải lựa chọn những người kiên quyết nhất, hăng hái nhất trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Theo đó, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba đã cân nhắc, lựa chọn những đội viên ưu tú thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Với bản lĩnh, tài năng của mình, đồng chí Hoàng Sâm được hai đồng chí lựa chọn và khi báo cáo Lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng được Người nhất trí chọn Hoàng Sâm làm Đội Trưởng đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân làm lễ thành lập. Chỉ 3 ngày sau, Đội đã xuất quân và đánh thắng hai trận liên tiếp Phai Khắt (25.12.1944) và Nà Ngần (26.12.1944), mở ra truyền thống “đánh thắng trận đầu” và “đã ra quân là đánh thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong hai trận đó, Đội đã vận dụng cách đánh sáng tạo hóa trang kỳ tập, mở đầu cho việc vận dụng các hình thức chiến thuật độc đáo và hiệu quả của Quân đội ta sau này. Tiếp đó, Đội trưởng Hoàng Sâm cùng Ban Chỉ huy tiếp tục chỉ huy Đội đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc, Cao Bằng) ngày 04 tháng 02 năm 1945; phục kích địch trên đường từ Nà Ngần đi đèo Cao Bắc ngày 25 tháng 02 năm 1945… Những thắng lợi đầu tiên về chính trị và quân sự của Đội đều có dấu ấn của Đội trưởng Hoàng Sâm; đồng thời góp phần củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng, động viên và cổ vũ Nhân dân tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân phát triển thành Đại đội, đồng chí Hoàng Sâm tiếp tục được chọn làm Đại đội trưởng.
Tháng 10 năm 1945, Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ Khu trưởng Chiến khu 2. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, đồng chí Hoàng Sâm đã cùng lãnh đạo, chỉ huy Chiến khu tổ chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chấn chỉnh nội bộ, tổ chức bộ đội chủ lực ở các tỉnh, phối hợp với các mặt trận Hà Nội, Nam Định và Sơn La tác chiến, bảo vệ cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng Chỉ huy.
Đầu năm 1947, Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Tiến với nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố cơ sở kháng chiến, chỉ đạo các lực lượng vũ trang Tây Tiến và lực lượng các địa phương tác chiến tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch, phá thế uy hiếp của chúng đối với miền Tây Bắc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nhận nhiệm vụ Chỉ huy Trưởng, đồng chí Hoàng Sâm cùng Bộ Chỉ huy Mặt trận phân tích, đánh giá âm mưu của thực dân Pháp đối với chiến trường miền Tây; tổ chức rút kinh nghiệm về cách đánh và chỉ đạo vận dụng cách đánh du kích vận động chiến là chủ yếu. Đồng chí triệu tập Hội nghị quân chính gồm Bộ Chỉ huy Mặt trận và cán bộ từ cấp đại đội địa phương huyện và tiểu đoàn tập trung trở lên, triển khai kế hoạch củng cố lực lượng chủ lực, chuyển các đơn vị sang vừa tác chiến, vừa bám dân, hòa vào dân, vừa luyện tập, vừa tổ chức dân quân du kích, phân tán vào vùng địch tạm chiếm, phát động du kích chiến tranh mạnh mẽ, rộng khắp.
Khi thực dân Pháp tiến công vào Sở Chỉ huy Mặt trận, đồng chí Hoàng Sâm quyết định chuyển về Mường Bi và lệnh cho các đơn vị trong khu vực chuyển sang vị trí mới; triển khai phương án đánh địch. Để bảo vệ an toàn cho trạm quân y di chuyển dưới sự trinh sát, tiến công của máy bay và quân nhảy dù địch, đồng chí Hoàng Sâm chỉ huy bộ đội tổ chức trận địa chặn địch ở dốc Đẹt. Lợi dụng địa thế tự nhiên, đồng chí Hoàng Sâm bố trí các chiến sĩ ở trên dốc cao, chọn những vị trí tiện quan sát để mai phục, bình tĩnh chờ quân Pháp đến gần mới nổ súng. Vốn nổi tiếng là những thiện xạ, các đồng chí Hoàng Sâm và Tạ Đình Đề được dịp thể hiện tài năng[13]tiêu diệt địch, buộc quân Pháp phải rút lui. Tài cầm quân sắc sảo, quyết đoán của đồng chí Hoàng Sâm đã góp phần quan trọng vào thắng lợi này.
Năm 1948, khi thành lập Liên khu 3 với 12 tỉnh, thành phố gồm phần lớn vùng đồng bằng dọc hai bên tả ngạn và hữu ngạn Sông Hồng, là “chiến trường chính” của Bắc Bộ, nơi thực dân Pháp ra sức bình định, thực hiện âm mưu “Dùng người Việt, đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Nhằm phá thế uy hiếp của địch, mở rộng đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc và Liên khu 3, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Chỉ huy, tháng 9 năm 1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 3 mở Chiến dịch Lê Lợi nhằm tập trung binh lực tiêu diệt những vị trí chính của địch trong phạm vi Hoà Bình, Tu Vũ, Xuân Mai, Vụ Bản, Suốt Rút; đánh tiếp viện, giao thông tiếp tế của địch; mở rộng cơ sở, phát động Nhân dân chiến tranh; đẩy mạnh công tác địch vận. Với nhãn quan quân sự sắc sảo, trên vai trò Chỉ huy Trưởng Chiến dịch, đồng chí Hoàng Sâm đã có những chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thắng lợi.
Nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan khối ngụy quân, thúc đẩy chiến tranh du kích phát triển, giành giật “kho người, kho của” ở đồng bằng Bắc Bộ, tháng 4 năm 1951, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Quang Trung đánh địch trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình. Thiếu tướng Hoàng Sâm - Tư lệnh Liên khu 3, tham gia Đảng uỷ chiến dịch.
Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Thiếu tướng Hoàng Sâm được cử làm Đại đoàn Trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy Trưởng Mặt trận Trung Lào. Thiếu tướng Hoàng Sâm chỉ huy các đơn vị ta cùng các đơn vị vũ trang cách mạng Lào tiến công các vị trí quân Pháp, buộc chúng phải phân tán lực lượng để đối phó, không thể chi viện cho Điện Biên Phủ, góp phần vào chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tháng 4 năm 1955, thực hiện nhiệm vụ tiếp quản thành phố Hải Phòng, Chính phủ đã chỉ định Thiếu tướng Hoàng Sâm - Đại đoàn Trưởng Đại đoàn 320 làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố Hải Phòng. Đồng chí đã cùng Bộ Chỉ huy Đại đoàn và các đồng chí trong Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức triển khai chu đáo việc tiếp quản thành phố đảm bảo đúng yêu cầu đề ra.
Từ năm 1964 đến giữa năm 1968, với vai trò Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu 3 rồi Quân khu Hữu Ngạn, đồng chí Hoàng Sâm đã cùng các đồng chí trong Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của một địa bàn quan trọng vừa xây dựng mọi mặt, chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa làm tốt vai trò chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn. Thiếu tướng Hoàng Sâm chỉ đạo xây dựng lực lượng thường trực, củng cố dân quân tự vệ, xây dựng làng, xã chiến đấu; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc trên địa bàn, sẵn sàng phối hợp cùng các lực lượng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi các cuộc chiến tranh phá hoại của địch, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Những chiến công của quân và dân Quân khu 3 trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc thời kỳ này minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, hiệu quả, quyết liệt của Tư lệnh Hoàng Sâm và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu. Bên cạnh đó, Quân khu 3 cũng tổ chức huấn luyện, đưa nhiều đơn vị của Quân khu lên đường vào Nam chiến đấu, như Trung đoàn 42, Sư đoàn 304, Sư đoàn 320; thành lập các đơn vị mới làm nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến như: Trung đoàn 42, Đoàn 32, Sư đoàn 320B... Thiếu tướng Hoàng Sâm cùng Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của các cơ sở, phát động rộng rãi phong trào xây dựng quân dự bị, lực lượng dự bị. Nhờ đó, Quân khu 3 đã làm tốt việc xây dựng các phân đội dự bị, bổ sung chủ lực, chi viện chiến trường... Quân khu đã chủ động chuẩn bị cả chiến sĩ, cán bộ dự bị tốt để bổ sung cho Quân đội, cả bộ binh và binh chủng. Trong vai trò là Bí thư Đảng ủy và Tư lệnh Quân khu 3, Quân khu Hữu ngạn, đồng chí Hoàng Sâm “đã cùng các đồng chí lãnh đạo trong quân khu và các tỉnh ủy nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, xây dựng lực lượng, chỉ đạo tác chiến, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, lập nhiều thành tích to lớn góp phần cùng toàn dân, toàn quân chiến thắng đế quốc Mỹ[14].
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, tình hình chiến trường Trị Thiên Huế cũng như toàn miền Nam gặp nhiều khó khăn trước các cuộc phản kích, càn quét của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cần có sự tổ chức lại lực lượng và bố trí lại chiến trường. Ngày 30 tháng 5 năm 1968, Thường trực Quân ủy Trung ương ra quyết nghị thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên, Thiếu tướng Hoàng Sâm được cử làm Tư lệnh. Tháng 8 năm 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm được bổ sung làm Khu ủy viên Khu ủy Trị Thiên Huế. Ngày 16 tháng 10 năm 1968, Bộ Chính trị ra Quyết định số 183-NQ/TW bổ sung đồng chí Hoàng Sâm vào Thường vụ Khu ủy[15]nhằm kiện toàn hơn nữa tổ chức và lãnh đạo của Khu uỷ Trị Thiên Huế, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, sát với vị trí và đặc điểm của chiến trường. Từ tháng 10 năm 1968, đại bộ phận chủ lực Quân khu phải lùi ra hậu phương Quảng Bình củng cố, còn một số ở lại tiếp tục đánh địch giữ địa bàn, giữ thế. Địch tập trung lực lượng đánh phá quyết liệt, nhất là vùng rừng núi, ta đã triển khai bố trí thế đứng mới ở rừng núi, tập hợp và nắm lại lực lượng ở nông thôn, đồng bằng và thành phố[16]. Đồng chí Hoàng Sâm đã cùng Khu ủy Trị Thiên Huế, mặt trận Trị Thiên lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân nơi đây từng bước khắc phục khó khăn, củng cố lực lượng đánh bại các cuộc càn quét của địch, khôi phục và phát triển thế và lực của cách mạng.
Như vậy, có thể nói, đồng chí Hoàng Sâm “là một cán bộ chính trị, quân sự song toàn, có đạo đức, có tài năng, một đảng viên ưu tú của Đảng Lao động Việt Nam, một cán bộ chỉ huy giỏi của quân đội ta”[17].
- Thiếu tướng Hoàng Sâm góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Sâm đã có những đóng góp quan trọng vun đắp tình đoàn kết hữu nghị, liên minh chiến đấu đặc biệt của quân và dân hai nước Việt - Lào. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, theo quyết định của Mặt trận Liên minh Việt - Lào, sau khi chỉ thị tổ chức các đơn vị vũ trang Tây Tiến, Chính phủ ta thành lập Mặt trận Tây Tiến thực hiện nhiệm vụ vừa tác chiến, vừa tuyên truyền vận động quần chúng và địch vận, giúp đỡ địa phương đẩy mạnh kháng chiến và giúp bạn Lào “đẩy mạnh, tiến tới chiến tranh nhân dân, xây dựng căn cứ địa để mở rộng khu vực tự do”. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Sâm và Bộ Chỉ huy Mặt trận, cuối tháng 02 năm 1947, các đơn vị Tây Tiến đồng loạt tiến công các vị trí địch ở Ba Dom, Chiềng Công, Sốp Nao, Mường Pun, Mường Nao, Sầm Tớ và làm chủ tuyến Sông Mã. Tháng 3 năm 1947, Liên quân Lào - Việt bao vây Sầm Nưa, gây cho quân Pháp nhiều khó khăn và giam chân chúng ở một số địa bàn quan trọng. Qua các hoạt động, liên minh đoàn kết chiến đấu Việt - Lào phát triển mạnh mẽ. Các đơn vị vũ trang trên Mặt trận miền Tây, trong đó hai trung đoàn chủ lực nòng cốt là Trung đoàn 52 Tây Tiến và Trung đoàn 148 Sơn La được biên chế đầy đủ, đã có nhiều trưởng thành trong tác chiến, đảm đương tốt các nhiệm vụ.
Năm 1953, đồng chí Hoàng Sâm được bổ nhiệm làm Đại đoàn Trưởng Đại đoàn 304 và Chỉ huy Trưởng Mặt trận Trung Lào tiến hành các hoạt động phối hợp với các chiến trường khác, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ. Ông đã chỉ huy các đơn vị tiến công giành nhiều chiến thắng, giải phóng các khu vực trọng yếu ở Trung Lào. Đặc biệt, trong hai ngày 23, 24 tháng 12 năm 1953, liên quân Việt - Lào đã tiêu diệt nhiều đơn vị quân Pháp, khai thông Đường 12 và giải phóng các thị xã Nhommarát, Thà Khẹc, Khăm Muộn. Chiến công này góp phần phá vỡ phòng tuyến của quân Pháp tại Trung Lào, đập tan kế hoạch Navarre, buộc chúng phải phân tán lực lượng chủ lực. Những thắng lợi ở mặt trận Trung Lào dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Thiếu tướng Hoàng Sâm đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng buộc Pháp ký Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền của Việt Nam, Lào, Campuchia.
Những năm 1961 - 1962, Thiếu tướng Hoàng Sâm được cử làm Đoàn Phó phụ trách quân sự Đoàn chuyên gia quân sự 959 giúp cách mạng Lào với bí danh Chăn Di. Với tính cách giản dị, gần dân, có uy tín và tinh thần trách nhiệm cao, đồng chí Hoàng Sâm được lãnh đạo, Nhân dân bạn hết sức kính trọng và tin cậy. Phát huy phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng chân chính, nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó thủy chung, đồng chí đã cùng với lãnh đạo, chỉ huy Đoàn 959 sát cánh với lãnh đạo của Bạn tổ chức, chỉ huy các lực lượng cách mạng Lào đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và ngụy Lào, giúp Bạn chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ; xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố vùng giải phóng và thực hiện các đòn tiến công quân sự giành thắng lợi quan trọng, trực tiếp góp phần vào việc ký Hiệp định Cánh Đồng Chum và Hiệp định Giơnevơ về Lào, tạo nên bước phát triển cho cách mạng Lào tiến lên giành những thắng lợi to lớn hơn. Như vậy, quá trình hoạt động, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã có những đóng góp quan trọng vun đắp quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc, hai quân đội Việt Nam - Lào.
- Thiếu tướng Hoàng Sâm - tấm gương một người cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình
Sớm giác ngộ cách mạng, được Đảng giáo dục bồi dưỡng, qua rèn luyện thử thách nhiều trong đấu tranh, đồng chí Hoàng Sâm luôn nêu cao phẩm chất và đạo đức cao quý của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí là tấm gương tiêu biểu của một thanh niên yêu nước đã đến với lý tưởng cộng sản và trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung. Từ khi đến với con đường cách mạng vô sản, bước vào con đường đầy gian khổ, hiểm nguy, đồng chí đã phấn đấu trọn đời cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc là đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, giành lại độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho Nhân dân. Dù ở cương vị, chiến trường nào, đồng chí cũng luôn luôn nêu cao tinh thần thương yêu cán bộ, chiến sĩ, tính tình cương trực, cách sống giản dị, tác phong sâu sát.
Trải qua nhiều thời kỳ hoạt động, lúc bí mật cũng như khi công khai, lúc bị địch cầm tù, khi hoạt động ở trong nước cũng như ở ngoài nước, trong hòa bình cũng như trong kháng chiến, đồng chí Hoàng Sâm là một cán bộ tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, kiên quyết cách mạng và đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, cũng như cho công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ta.
Quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Sâm đã thể hiện phẩm chất của một đảng viên ưu tú của Đảng, một cán bộ chỉ huy ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam, trung thành, dũng cảm, kiên quyết, tận tụy. Đồng chí đã cống hiến suốt đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân, góp nhiều công lao vào việc xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng từ ngày mới thành lập đến khi ông hy sinh[18].
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Sâm luôn thể hiện phẩm chất cao đẹp của người chiến sỹ cộng sản kiên cường, bất khuất, thử thách, hiểm nguy, luôn trung thành với Đảng, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Đồng chí xứng đáng là học trò gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dù đồng chí Hoàng Sâm xa quê hương từ nhỏ, song Nhân dân Quảng Bình vẫn luôn nhớ về ông - một người con ưu tú của quê hương, người đảng viên kiên trung, vị chỉ huy quân sự tài năng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự ra đời, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của ông vẫn sống mãi trong lòng Nhân dân cả nước nói chung và Nhân dân Quảng Bình nói riêng. Hiện nay ở Hà Nội, một số tỉnh và ở Quảng Bình đã có những công trình ghi nhớ công lao, nhiều con đường được mang tên ông tưởng niệm ông.
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến, hy sinh của đồng chí Hoàng Sâm đối với cách mạng Việt Nam, với Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đó, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi gương đồng chí góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY QUẢNG BÌNH – VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM
[1] Tháng 12 năm 1948, Liên tỉnh Hải Kiến lại tách ra thành thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An.
[2] Theo Bản khai lý lịch của đồng chí Hoàng Sâm, Hồ sơ lưu tại Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị.
Quân khu 3 - Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
Quân khu 3 - Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975),
Quân đội nhân dân Việt Nam - 70 năm chiến đấu, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc (1944-2014),
[6] Nghị quyết số 183-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16.10.1968 Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 29 (1968), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, trang 479.
[7] Hiện nay, một số tài liệu ghi ngày Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh là 15.12.1968. Tuy nhiên, bằng số HQ.456b, theo Quyết định số 438-TTg do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký ngày 9.10.1973 mà ông Hoàng Sùng - con trai Thiếu tướng Hoàng Sâm đang lưu giữ, ghi ngày mất là 15.01.1969; Gia đình Thiếu tướng Hoàng Sâm tổ chức giỗ ông vào ngày 27.11 Mậu Thân, tức ngày 15.01.1969. Trên bia mộ Thiếu tướng Hoàng Sâm tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) cũng ghi ngày mất là ngày 15.01.1969.
[8] Theo của đồng chí Hoàng Sâm tháng 5 năm 1956, Hồ sơ tại Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị.
[9] Theo bản khi lý lịch của đồng chí Hoàng Sâm, Hồ sơ tại Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị.
[10] Lục Khu là tên gọi từ xưa chỉ vùng đất thuộc 6 xã, nay đã được tách thành 7 (Lũng Nặm, Tổng Cọt, Nội Thôn, Cải Viên, Thượng Thôn, Mã Ba, Hồng Sỹ) của huyện Hà Quảng, tỉnh Ca Bằng.
[11] Võ Nguyên Giáp, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, trang 157.
[12] Võ Nguyên Giáp, Sđd, trang 141.
[13] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, trang 92.
[14] Báo ngày 02 tháng 02 năm 1969.
[15] Nghị quyết số 183-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16.10.1968 Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 29 (1968), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, trang 479.
Chiến trường Trị - Thiên - Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng
[17] Báo số 2766, Chủ nhật, ngày 02 tháng 02 năm 1969.
[18] Báo ngày 01 tháng 02 năm 1969.