Người dân phản đối dự án thủy lợi Rào Nan: Đang có bàn tay kích động của linh mục

Chủ nhật - 07/04/2019 15:59
Dự án thủy lợi Rào Nan, ở xã Quảng Sơn, TX Ba Đồn được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt tại Quyết định số 4428/QĐ-BNN-XD, ngày 30-10-2017 với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Sở Nông nghiệp-PTNN Quảng Bình được giao chủ đầu tư, thời gian hoàn thành dự án năm 2020. Khi xây dựng hoàn thành đập dâng Rào Nan sẽ tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên để giải quyết tình trạng thiếu nước hiện nay và nhu cầu dùng nước ngày càng tăng trong khu vực.

Mục tiêu của dự án đặt ra đó là cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là 1.800 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 22.000m3/ngày,đêm cho nhân dân 22 xã, phường thuộc TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Cấp nước cho công nghiệp, trước mắt cho Nhà máy xi măng Văn Hóa, với lưu lượng 12.000m3/ngày, đêm; cải thiện môi trường sinh thái, ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, thoát lũ vùng hạ du.

Phối cảnh công trình dự án thủy lợi Rào Nan.
Phối cảnh công trình dự án thủy lợi Rào Nan.

Công trình còn hỗ trợ người dân trong vùng dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất canh tác; góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực tiến tới xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH.

Do đó, việc triển khai xây dựng dự án là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cho 9 xã vùng nam sông Gianh nói riêng và TX. Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, nói chung.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đang gặp trở ngại do sự phản đối của một số người dân thôn Linh Cận Sơn với lý do sự an toàn của công trình và việc lựa chọn tuyến công trình ở vị trí đập cũ quá gần với khu dân cư sinh sống. Qua các buổi tiếp xúc, đối thoại, người dân kiến nghị di dời toàn bộ 250 hộ dân đi nơi khác hoặc di chuyển đập lên phía thượng nguồn so với vị trí đập hiện tại 5km.

Việc người dân băn khoăn, lo lắng an toàn về độ an toàn của công trình thủy lợi Rào Nan là hoàn toàn chính đáng. Nhưng cần phải thấy rằng, trước nhiều ý kiến lo lắng về sự cố mất an toàn của các công trình thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến cực đoan, bất thường, vấn đề tối thượng được Bộ NN&PTNT đặt ra trong quá trình thiết kế là phải đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu.

Bài viết và bình luận trên facebook của linh mục Nguyễn Văn Hảo.
Bài viết và bình luận trên facebook của linh mục Nguyễn Văn Hảo.

Bởi vậy, những kiến nghị của người dân thôn Linh Cận Sơn đã được chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế tham khảo, tính toán kỹ lưỡng, từ đó lựa chọn phương án thiết kế tối ưu, an toàn nhất.

Do đó, người dân cần phải nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện và trên giác độ khoa học từ khâu thiết kế, thẩm định, phê duyệt, công nghệ, cơ chế vận hành đến đơn vị thi công để thấy được sự cam kết của các cơ quan chức năng về độ an toàn của công trình là đủ độ tin cậy và có cơ sở.

Trong khi chính quyền và các cơ quan chức năng từ trung ương, tỉnh, đến TX. Ba Đồn và xã Quảng Sơn đang tổ chức tuyên truyền, đối thoại nhằm giúp người dân thấy rõ mục tiêu, lợi ích to lớn mà dự án đem lại, đồng thời tìm cách hạ nhiệt, giải tỏa những băn khoăn, lo lắng quá mức cần thiết để người dân thôn Linh Cận Sơn đồng lòng, ủng hộ tỉnh triển khai dự án theo đúng tiến độ thì linh mục Nguyễn Văn Hảo, quản xứ Diên Trường, xã Quảng Sơn, TX. Ba Đồn lại tìm cách kích động, cản trở.

Linh mục Hảo đã viết trên trang facebook cá nhân “Joseph Hao Nguyen” nhằm hướng lái người dân phản đối dự án ngoài lý do về độ an toàn, đó là cung cấp nước cho Nhà máy xi măng Văn Hóa của Trung Quốc: “Nước Rào Nan luôn cung cấp đủ cho các vùng nông nghiệp thuộc các xã phụ cận...

Tại sao lại làm lớn đến mức như vậy?. Phải chăng là để cung cấp nước cho nhà máy xi măng của Trung Quốc ở Văn Hóa?. Và biết đâu dự án này lại chẳng phải là của nhà đầu tư Trung Cộng???”.

Trước hết cần phải thấy rằng, công trình thủy lợi Rào Nan được xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ XX. Công trình được xây dựng trên chi lưu sông Nan, với công nghệ lạc hậu, dung tích hạn chế, hiện đã xuống cấp và không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Mặt khác, Nhà máy xi măng Văn Hóa do Công ty CP vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) đầu tư và đi vào hoạt động từ tháng 10-2013 có quy mô công suất 5.000 tấn/ngày với mục tiêu chính là sản xuất kinh doanh clinker, nguyên liệu chính để sản xuất xi măng. Tháng 1-2015, Công ty VCM đã cho ra đời thương hiệu xi măng Starcemt.

Đến tháng 3-2017, Công ty TNHH SCG Xi măng - vật liệu xây dựng, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã mua lại 100% vốn cổ phần từ các cổ đông của Công ty VCM. Đây là một tập đoàn đa ngành của Thái Lan, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là xi măng, vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Tập đoàn này bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh sang Việt Nam từ năm 1992.

Như vậy, hiện tại Nhà máy clinker Văn Hóa đang hoạt động bình thường và thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn SCG chứ không phải như lời lẽ xuyên tạc trắng trợn của linh mục Hảo.

Không chỉ dừng lại việc dùng những ngôn từ xúc phạm, thóa mạ lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan đến dự án, linh mục Hảo còn có những nhận định mang tính chủ quan, quy chụp việc triển khai dự án thủy lợi Rào Nan là không cần thiết vì công trình hiện tại đang cung cấp nước đủ cho các vùng phụ cận; việc đầu tư xây mới công trình không chỉ cung cấp nước cho 22 xã, phường của TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch mà là chỉ để cung cấp cho Nhà máy xi măng Văn Hóa của Trung Quốc.

Đồng thời, linh mục Hảo còn đặt câu hỏi mang tính “lập lờ” về tính chính danh của chủ đầu tư. Lợi dụng chiêu bài “bài Trung”, linh mục Hảo tìm cách kích động, xúi giục người dân thôn Linh Cận Sơn nói riêng, xã Quảng Sơn nói chung phản đối nhằm cản trở, gây khó khăn cho quá trình triển khai dự án.

Bài viết và bình luận trên facebook của linh mục Nguyễn Văn Hảo.
Bài viết và bình luận trên facebook của linh mục Nguyễn Văn Hảo.

Cùng hùa theo linh mục Hảo, còn có sự tham gia xúi bẩy, kích động của linh mục Trần Văn Thành, quản xứ Tam Tòa, TP. Đồng Hới khi tham gia bình luận ““Chiến đi” các cụ!. Thà mất lòng trước, rước được mạng dân”.

Hành động của linh mục Nguyễn Văn Hảo và Trần Văn Thành chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”, làm cho tình hình an ninh nông thôn tại xã Quảng Sơn thêm phức tạp, căng thẳng, kích động người dân phản đối, gây cản trở và làm chậm tiến độ dự án.

Khi công trình thủy lợi Rào Nan hoàn thành, không riêng gì người dân bình thường mà rất đông giáo dân đang sinh sống trên địa bàn TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch đều được hưởng lợi. Chắc chắn dòng nước từ công trình thủy lợi Rào Nan sẽ góp phần thay đổi diện mạo, cuộc sống của người dân, trong đó có đồng bào theo đạo Công giáo.

Hành động của linh mục Nguyễn Văn Hảo chẳng khác nào tìm cách từ bỏ mục tiêu cao cả, đầy tính nhân văn mà dự án sẽ đem lại cho cuộc sống, tương lai của chính đàn chiên đang suốt ngày tôn thờ và phụng sự ông ta. Hành động đó cần phải lên án mạnh mẽ ! Mỗi người dân cần tỉnh táo, không nên nghe theo lời xúi bẩy, kích động của linh mục Nguyễn Văn Hảo.

Tác giả bài viết: Thạch Thảo

Nguồn tin: QBĐT

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập180
  • Hôm nay54,630
  • Tháng hiện tại54,630
  • Tổng lượt truy cập41,200,084
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây