Nêu gương - một phương thức lãnh đạo của Đảng cần tập trung đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay

Thứ ba - 29/01/2019 07:26

Đ/c Phạm Duy Quang - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy

Đ/c Phạm Duy Quang - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy
Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên và coi đây là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Với phương thức nêu gương, mọi cán bộ, đảng viên trong cuộc sống, trong công việc phải làm gương, nêu gương mọi lúc, mọi nơi. Phương thức nêu gương sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong giai đoan hiện nay, khi Đảng ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” thì sự nêu gương của cán bộ, đảng viên là rất quan trọng.
Đảng ta gánh vác trọng trách lịch sử là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là người đầy tớ trung thành của nhân dân, do đó sứ mệnh của Đảng phải là người đi tiên phong, dẫn dắt dân tộc, nói trước, làm trước, hy sinh trước. Phẩm chất đó một cách tự nhiên, thấm đẫm, khắc sâu trong ý thức, tình cảm của mỗi cán bộ, đảng viên, trở thành nguồn gốc làm nên bản lĩnh và sức mạnh của Đảng.
Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.”
Ngày nay, khi nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, với nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN các thế lực thù địch liên tục chống phá ta về mọi mặt, đặc biệt là tấn công trên mặt trận chính trị, tư tưởng bằng mọi thủ đoạn tinh vi xảo quyệt. Thể hiện rõ nhất là lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ có chức vụ trong bộ máy lãnh đạo suy thoái về đạo đức, tư tưởng chính trị, tham ô, tham nhũng, nói và làm trái đường lối, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Chính vì vậy, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên ở giai đoạn hiện nay đang trở thành vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công tác xây dựng đảng, vừa thực hiện đúng phương thức lãnh đạo của đảng vừa trở thành vũ khí sắc bén đập tan mọi âm mưu của kẻ thù.
Nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đảng ta là đảng cách mạng, là đảng lãnh đạo. Ngoài lợi ích của nhân dân và của giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Vì vậy, lý tưởng cách mạng của đảng viên là phải suốt đời hy sinh phấn đấu cho lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Người chỉ rõ: Nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc; đó là đạo đức, văn minh.
Cán bộ, đảng viên phải là người liêm chính, không tư lợi, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm… Có như vậy mới làm tròn bổn phận của người cán bộ, đảng viên, mới “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Bác Hồ đã dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”; “Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người đảng viên từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”. Tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ năm 1963, Hồ Chủ tịch đã căn dặn các đồng chí cán bộ cấp cao: “Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.
Trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là những năm gần đây, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn và kịp thời đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn cho rằng, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan toả lớn. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.  
Hội nghị Trung ương 8 đã ban hành Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu tình hình mới hiện nay.
Nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên, phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; Đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Đối với bản thân và gia đình. Để phát huy vai trò nêu gương, đòi hỏi mỗi tổ chức Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, tự phê bình thật khách quan. Tập trung kiểm điểm về chức trách, nhiệm vụ được giao; về phẩm chất cá nhân của mình trên tất cả các mặt từ nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đến quan hệ với quần chúng... Thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa; đồng thời, coi trọng tự giáo dục, tự sửa  chữa, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau, không được có tư tưởng dễ dãi, bao che, hoặc tranh công, đổ lỗi, không hứa “suông”. Tất cả cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thực sự nêu gương về: tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, tự phê bình, phê bình, trong quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, về ý thức tổ chức kỷ luật, về đoàn kết nội bộ. Như thế mới thật sự là nêu gương, là người gương mẫu. Bác Hồ và nhiều chiến sĩ cộng sản tiền bối đã nêu tấm gương sáng tuyệt vời về đạo đức cách mạng, suốt đời tận tụy, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì nước vì dân.
Trong tình hình hiện nay, cần đồng thời thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương; đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ từ trên xuống dưới trong toàn hệ thống chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Phát huy vai trò nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp, người đứng đầu, sẽ là một phương thức lãnh đạo văn minh nhất.
                             P.D.Q

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập404
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm395
  • Hôm nay19,200
  • Tháng hiện tại323,969
  • Tổng lượt truy cập39,843,758
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây