Thời buổi “tấc đất tấc vàng”, nhất là ở các khu vực trung tâm nội thị như phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn), đất đai càng trở nên có giá trị. Thế nhưng, từ khi “nghị quyết mở đường” ra đời, việc những người dân thị xã tự nguyện hiến từng “tấc vàng” để làm đường giao thông không phải hiếm và thực sự đã trở thành một phong trào nơi đây. Nhờ đó, hàng nghìn m2 đất vàng, tường rào, thậm chí chấp nhận di dời những căn nhà tầng kiên cố, khang trang được người dân đồng thuận để mở rộng đường giao thông. Từ những con hẻm xưa chật chội rộng chừng hơn 2m, nay trở thành đường lớn, thông thoáng cho 2 làn xe ô tô qua lại thuận lợi, không chỉ tạo cảnh quan đô thị mà còn góp phần xây dựng văn minh phố phường.
“Nghị quyết mở đường”
Là một trong những phường trung tâm của đô thị trẻ Ba Đồn hiện nay, phường Ba Đồn trước đây cũng từng là trung tâm huyện lỵ của huyện Quảng Trạch cũ. Lùi lại thời gian, đây cũng là vùng đất gắn với nhiều chứng tích của thời cuộc, bởi vậy dân cư quần tụ từ nhiều đời và phát triển sầm uất nhất bờ Bắc sông Gianh. Cùng với sự phát triển, không gian đô thị ngày càng bó hẹp, nhất là về giao thông. Những con đường nhỏ hẹp, chật chội thực sự là “đặc sản” của cả 6 khu phố trên địa bàn phường.
Để có những tuyến đường rộng rãi, thông thoáng thuận tiện đi lại, cho đẹp nhà, đẹp phố là ước mong của nhiều người dân và cả nỗ lực rất nhiều năm của chính quyền địa phương nhưng vẫn là “bài toán” khó, bởi đơn giản chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn, đặc biệt nơi đây là khu vực được ví “tấc đất tấc vàng”.
Giữa năm 2022, Đảng bộ phường Ba Đồn ban hành nghị quyết về xây dựng mô hình khu dân cư đô thị văn minh kiểu mẫu, quyết tâm xây dựng phường Ba Đồn thành phường đạt chuẩn văn minh đô thị năm 2025. Dĩ nhiên, để được công nhận phường văn minh đô thị đòi hỏi nhiều tiêu chí và giao thông chỉ là một trong số đó. Nhưng thực tế ở phường Ba Đồn, giao thông chính là tiêu chí khó nhất.
Thời điểm nghị quyết ra đời cũng là lúc đỉnh điểm bất động sản quanh khu vực sốt giá, cùng với đó là văn hóa người địa phương cho rằng đất hương hỏa ông bà truyền lại nên ngay cả những người bỏ phiếu thông qua nghị quyết cũng cảm thấy vô vàn áp lực và không khả thi. Cũng bởi vậy, mỗi lần cán bộ phường về vận động người dân, nhiều người nói vui là đi thực hiện “nghị quyết mở đường”.
Để lòng dân đồng thuận
Chuyện những người dân ở khu vực nông thôn, miền núi tự nguyện hiến đất mở đường giao thông rất phổ biến, đặc biệt là trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nhưng ở khu vực nội thị, để người dân đồng thuận, tự nguyện hiến đất không phải chuyện đơn giản. Đó là chưa kể để mở được đường phải di dời những căn nhà tầng kiên cố, khang trang.
Tuy nhiên, khó mấy cũng phải làm. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Bí thư Đảng ủy phường Ba Đồn Đinh Thiếu Sơn chia sẻ, bắt đầu từ những nơi dễ nhất mà chính xác là những đoạn đường có nhiều cán bộ, đảng viên sinh sống nhất. Đích thân từng cán bộ, lãnh đạo phường về gõ cửa từng nhà vận động, giải thích, họp lên họp xuống lấy ý kiến. Vất vả nhiều tháng trời ròng rã...
Tổ 8 (người dân vẫn gọi là xóm Mít), thuộc khu phố 4 chỉ có 1 tuyến độc đạo ra vào rộng chừng hơn 2m. Người dân sống ở đây từ nhiều thế hệ nên quá hiểu nỗi khổ những con đường hẻm. Ông Phạm Xuân Sơn chia sẻ, đường hẹp nên đi lại chật chội, chen chúc nhất là mỗi lần trong xóm có người bệnh đều phải cáng ra đường lớn, bởi xe cứu thương không vào được, xe đưa tang cũng vậy... bất tiện đủ điều.
Ông Sơn là đảng viên về hưu, nên khi nghe cán bộ phường lặn lội xuống tận nhà vận động, ông tiên phong tự nguyện hiến ngay 25m2. Sau khi hiến đất, ông tự đập bỏ tường rào, cổng ngõ và lùi về phía sau hơn 1,5m. Phần hàng rào và cổng được phường hỗ trợ một phần kinh phí xây mới lại. Từ hộ ông Phạm Xuân Sơn tiên phong hiến đất, rồi đến các hộ là cán bộ, đảng viên và lần lượt người dân hưởng ứng.
"Sau hơn 1 năm triển khai "nghị quyết mở đường" đã có hàng trăm người dân tự nguyện hiến "đất vàng" mở đường, với gần 3.000m2; 1,2km hàng rào, cây cối, nhà cửa... trị giá khoảng hơn 20 tỷ đồng. Nhờ đó đã "xóa" được 5 tuyến đường hẻm và dự kiến đến năm 2025 sẽ phấn đấu hoàn thành mở rộng 12 tuyến, góp phần chỉnh trang đô thị, xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị", Bí thư Đảng ủy phường Ba Đồn Đinh Thiếu Sơn cho biết.
Ông Hoàng Văn Long, trưởng khu phố 4 cho biết, thời gian đầu triển khai gần như ai cũng lắc đầu, thậm chí có những hộ đích thân cả bí thư, chủ tịch phường xuống vận động, thuyết phục. Khi một số bà con đồng thuận giao mặt bằng, phường tổ chức thi công mở rộng đường luôn. Bởi vậy, có nhiều hộ ban đầu vì chưa hiểu vấn đề nên chưa đồng ý, khi thấy đường được mở rộng rãi, đi lại thuận lợi đã tự nguyện lên phường “xin” được hiến đất.
Khi tuyến đường phía trong đã rộng mở thông thoáng, hàng rào xây cùng một mẫu ngăn nắp, thì các hộ dân ở 2 đầu đường có nhà xây kiên cố cũng đồng ý với các phương án đền bù, hỗ trợ của phường đưa ra, dù trước đó họ kịch liệt phản đối.
Hẻm thành đường lớn
Nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi thời gian qua, nhiều con đường hẻm chật chội ở phường Ba Đồn nay trở thành những con đường lớn thênh thang, đủ chỗ cho hai làn xe qua lại kết nối với các tuyến đường lớn, rẽ ra cả Quốc lộ 12A nên đi lại cực kỳ thuận lợi. Để những con hẻm nhỏ thành con đường lớn như hiện nay, hàng trăm hộ dân đã tự nguyện hiến đất, tường rào, di dời cả phần nhà ở. Hoạt động này đang thực sự trở thành phong trào, người hiến vài m2, cũng có người vài chục m2 trong khi giá đất ở đây không dưới 5 triệu đồng/m2, nên tính ra nhiều hộ hiến cả trăm triệu đồng không phải là điều dễ dàng.
Chị Trần Thị Sơn Thủy, có nhà 2 tầng kiên cố nằm ở đầu đường vào xóm Mít, nếu theo diện giải tỏa để đường mở rộng 5m thì gia đình phải đập bỏ 1/3 căn nhà hiện tại. Ban đầu, gia đình chị kiên quyết không đồng ý nhưng khi tuyến đường trong xóm hoàn thành rộng rãi, thoáng đãng thì đồng thuận ngay lập tức với phương án hỗ trợ của phường. Bởi như lời chị nói, thì không thể để nhà mình làm xấu cả xóm được. Không chỉ ở khu phố 4, trên các tuyến đường các khu phố còn lại cũng đồng loạt triển khai tương tự và nhận được sự tham gia tích cực của những “thị dân”.
Người dân địa phương thấy cán bộ phường “nói được, làm ngay”, lợi ích mang lại quá rõ nên nhất tề hưởng ứng. Nhiều hộ như gia đình ông Trương Văn Ca thậm chí không nằm trong diện giải tỏa nhưng vẫn tự nguyện dời hàng rào để mở thêm đường cho bà con lối xóm đi lại. Hiến đất để làm các công trình giao thông và phục vụ cho đời sống của người dân là cuộc vận động “ích nước, lợi nhà”.
Đặc biệt, là ở những khu vực nội thị như phường Ba Đồn, nơi quỹ đất ngày càng bó hẹp. Và việc những “thị dân” tự nguyện hiến đất mở đường cũng thể hiện sự khéo léo, trách nhiệm, sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác dân vận, góp phần mở rộng cảnh quan đô thị, phấn đấu xây dựng Ba Đồn thành đô thị loại III vào năm 2026. Xuân Phú
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...