Thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, những năm gần đây, thị xã Ba Đồn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển đổi, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể điển hình ở địa phương, bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực trong định hướng phát triển kinh tế trên địa bàn thị xã.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, thì đa số người dân trên địa bàn xã Quảng Hải đều làm nón lá. Đây tuy là nghề phụ, nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Trước kia, người làm nón ở đây chỉ bắt đầu làm sau khi kết thúc mùa vụ, quy mô nhỏ lẻ, làm được cái nào thì mang ra chợ bán. Nhưng từ năm 2015, khi HTX sản xuất và thu mua nón lá Quảng Hải được thành lập, thì nghề nón lá phát triển mạnh mẽ, mở rộng quy mô, thú hút được nhiều người tham gia hơn. Hiện nay, HTX sản xuất và thu mua nón lá Quảng Hải có 25 hội viên là những chị em phụ nữ có tay nghề cao. Ngoài việc đứng ra sản xuất, thu mua nón lá cho các hội viên để xuất bán cho các đại lý trên cả nước. HTX còn phối hợp với các phòng, ban chức năng tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao tay nghề cho chị em. Ngoài việc cập nhật các mẫu mã của nón lá truyền thống, các chị em còn được dạy cách thêu ren trên nón lá để nâng cao giá trị sản phẩm. Với những chiếc nón lá đẹp, được xếp loại tốt có giá bán khoảng 50.000-60.000 đồng, loại trung bình từ 30.000 - 40.000 đồng/chiếc, nếu thêu ren trên nón để bán cho khách du lịch thì giá mỗi chiếc dao động từ 90.000-100.000 đồng/chiếc. Trung bình mỗi tháng, mỗi hội viên có thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng. Chị Cao Thị Thu, thôn Vân Lôi, xã Quảng Hải tâm sự: “Tôi tham gia vào HTX những ngày đầu HTX mới thành lập, tôi nhận thấy HTX hoạt động rất có hiệu quả, hội viên có rất nhiều quyền lợi. Chúng tôi chỉ cần tập trung làm ra những sản phẩm đẹp, còn nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra đã được HTX bao tiêu nên hội viên không phải lo lắng gì cả, thu nhập thì khá ổn định. Ngoài ra, tham gia vào HTX, các hội viên có cơ hội để trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh của nhau, từ đó cảm thông, thấu hiếu, giúp đỡ và động viên nhau vươn lên trong cuộc sống.” Thay vì mang ra chợ bán, thì nay, tỏi ở thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh đã được HTX sản xuất tỏi sạch và kinh doanh dịch vụ Cồn Nâm thu mua ngay tại ruộng. Sau khi mua về, các hội viên sẽ tiến hành phơi khô, làm sạch, phân loại và đóng gói thành phẩm. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua và bán ra thị trường hơn 2 tấn tỏi khô, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. “Vùng đất thôn chúng tôi là vùng cồn bãi, trước đây, bà con cứ tận dụng trồng được cây gì thì trồng, người thì trồng tỏi, người trồng lạc, người thì trồng ngô, khoai…Nhưng mà sau khi địa phương có thành lập HTX sản xuất tỏi sạch và kinh doanh dịch vụ Cồn Nâm thì người dân nhận thấy hiệu quả mang lại rất cao, nên người dân cùng đồng loạt chuyển qua trồng tỏi hết”.- Ông Nguyễn Văn Định- thôn Cồn Nâm chia sẻ. Đặc biệt, sau khi tỏi sạch Quảng Minh chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao, lượng tiêu thụ ngày càng lớn vì vậy, lợi nhuận mang lại cho người dân cao gấp 3-4 lần trồng lúa. Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND T.X Ba Đồn cho biết thêm, hiện thị xã Ba Đồn có 20 HTX và 31 Tổ hợp tác đang hoạt động ổn định và có hiệu quả. Nhiều mô hình kinh tế tập thể đã chú trọng tăng quy mô số lượng thành viên, tăng nguồn lực tài chính và mở rộng phạm vi hoạt động. Một số mô hình kinh tệp tập thể có doanh thu đạt cao như: HTX sản xuất kinh doanh đũa gỗ Quảng Thủy với doanh thu 7 tỷ đồng/năm; HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Công Hòa, xã Quảng Trung với doanh thu 7 tỷ đồng/năm; HTX sản xuất và chế biến Nông sản sạch Quảng Hòa với doanh thu 2,5 tỷ đồng/năm; HTX sản xuất Tỏi sạch Cồn nâm Quảng Minh với doanh thu 1,8 tỷ đồng/ năm… Cùng với sự hỗ trợ từ nhiều phía, tự thân các HTX trên địa bàn thị xã Ba Đồn chủ động thay đổi hình thức sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, đầu tư giới thiệu quảng bá sản phẩm…vì vậy mà những sản phẩm chủ lực của địa phương đã được nhiều người biết đến, giá trị sản phẩm tăng cao, tạo việc và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Thời gian tới, thị xã Ba Đồn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể đối với sự phát triển của mô hình kinh tế này; thực hiệncó hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho các HTX, Tổ hợp tác tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vai trò kinh tế tập thể ở thị xã Ba Đồn đã và đang được khẳng định với những mô hình HTX hoạt động hiệu quả, cho năng suất, lợi nhuận cao. Vấn đề đặt ra là làm thế nào phát huy hơn nữa hiệu quả của những mô hình này; trong đó vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, sự phối hợp đồng bộ của các cấp ngành, địa phương trong khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng các mô hình HTX hiệu quả được xem là những tiền đề quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế tập thể một cách bền vững.