Thị xã Ba Đồn đẩy mạnh phát triển thương mại- dịch vụ
Thứ ba - 04/07/2023 09:48
Những năm qua, thị xã Ba Đồn đã tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại, nhằm nâng cao thu nhập và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Theo đó, thị xã Ba Đồn đã tập trung các giải pháp nhằm khai thác hợp lý, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, tạo thu nhập cho người dân. Để đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, thị xã Ba Đồn đã tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, quan tâm đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ, hạ tầng thương mại. Hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải phát triển mạnh; hạ tầng bưu chính - viễn thông, tài chính ngày càng phát triển, các dịch vụ về giáo dục - đào tạo, dịch vụ y tế có nhiều tiến bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân. Hệ thống các cửa hàng tiện lợi, bách hóa tổng hợp ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, hạ tầng thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh, hàng hóa lưu thông dễ dàng, phong phú cả về chủng loại và cấp độ sản phẩm, giá cả hàng hóa ổn định, bảo đảm chất lượng. Hiện thị xã có 4 siêu thị, 22 chợ truyền thống và gần 5.700 cơ sở kinh doanh TM-DV, tạo việc làm cho hơn 9.500 lao động. Các siêu thị đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng trên địa bàn thị xã và các vùng phụ cận, việc mua sắm tại các siêu thị khá tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng. Song song với phát triển thương mại-dịch vụ, thị xã cũng đã tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng các cụm, điểm công nghiệp làng nghề, có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất phát triển. Thị xã đã tiến hành lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm thương mại gắn với nhà ở phía nam đường Hùng Vương. Ngoài các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, thị xã phát triển mạnh dịch vụ vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường, giá cả, bảo đảm cung-cầu các mặt hàng thiết yếu và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng được tăng cường, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngoài ra, thị xã Ba Đồn cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn và cùng với sự nỗ lực cố gắng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, nên công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì và phát triển. Thị xã cũng chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ. Nhờ đó, tình hình kinh doanh thương mại, dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn thị xã duy trì ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 3.212 tỷ đồng, đạt 51,44% kế hoạch năm, tăng 15,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 2.814 tỷ đồng, tăng 16,02% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 279,577 tỷ đồng, tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 118,675 tỷ đồng, tăng 8,30% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác giám sát, kiểm tra chất lượng hàng hóa và giá cả được các ngành chức năng trên địa bàn thị xã phối hợp kiểm tra chặt chẽ, triển khai quyết liệt các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, điều tiết cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa. Trong 5 tháng đầu năm đã kiểm tra xử lý 28 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, thu nộp cho ngân sách nhà nước 0,19 tỷ đồng . Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, thị xã tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các về chất lượng hàng hoá, công tác đo lường, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Phối hợp với Đội quản lý thị trường thị xã làm công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, chống hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại… ở các chợ trên địa bàn thị xã. Phấn đấu các chỉ tiêu về thương mại dịch vụ đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hướng dẫn các đơn vị chủ trì thực hiện kế hoạch thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2023.