Thị xã Ba Đồn chủ động phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Thứ hai - 15/05/2023 15:49
Thời gian gần đây, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh gây tâm lý bất an cho người chăn nuôi. Nhất là khi 2 địa phương giáp ranh với thị xã Ba Đồn là huyện Quảng Trạch và huyện Tuyên Hóa đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. Trước những diễn biến và nguy cơ của dịch bệnh, chính quyền địa phương và người chăn nuôi bò ở thị xã Ba Đồn đã có những biện pháp chủ động ứng phó với dịch bệnh nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
      Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) là bệnh truyền nhiễm do một loại vi-rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Ðường truyền chủ yếu là do côn trùng đốt, như: Muỗi, ruồi, ve… quá trình vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn... Trâu, bò mắc bệnh thường có những biểu hiện lâm sàng như: Sốt cao, bỏ ăn, suy nhược, viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt, trên cơ thể nổi các u cục. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%, tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 04 - 14 ngày. Hiện nay, nguy cơ bệnh VDNC lây lan diện rộng là rất lớn, vì người dân vẫn có thói quen chăn thả trâu, bò tự do, khó kiểm soát; chuồng trại nuôi nhốt trâu, bò của nhiều hộ dân chưa bảo đảm vệ sinh, chưa được tiêu độc, khử trùng triệt để. 
      Hiện, tổng đàn trâu, bò của thị xã Ba Đồn có gần 21.000 con, được người dân nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, tại hộ gia đình. Qua công tác tuyên truyền, vận động của địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng, người nuôi trâu, bò ở các địa phương hiểu biết về bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò về sự nguy hại của dịch bệnh. Ngành chức năng của thị xã đã chỉ đạo các địa phương nắm lại số lượng đàn trâu, bò trên địa bàn, đồng thời triển khai công tác tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh. Đến thời điểm này, trên địa bàn thị xã chưa xuất hiện trâu, bò bị bệnh VDNC.
      Hiện các hộ chăn nuôi trên địa bàn thị xã đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi và phun tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại và môi trường xung quanh để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc. Thực hiện việc tiêm phòng cho đàn gia súc, UBND thị xã Ba Đồn đã chỉ đạo các xã, phường rà soát chặt chẽ các hộ chăn nuôi trên địa bàn; tuyên truyền để các hộ nắm chủ trương và thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng đúng tiến độ, bảo đảm nhanh gọn, an toàn. Đồng thời, thực hiện quản lý, cấp phát và sử dụng vắc-xin đúng quy định, đúng đối tượng trong suốt thời gian thực hiện. Để công tác tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, các ngành chức năng cũng đã phối hợp với các địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và người chăn nuôi trong việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc.
      Để chủ động phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các biện pháp chống dịch. Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng tại các hộ chăn nuôi có gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh và tại các vùng có nguy cơ cao. Với tình hình thời tiết nóng, ẩm như hiện nay làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, là môi trường thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh như ve mòng, ruồi muỗi phát triển mạnh sẽ là dịch bệnh phát sinh, gia tăng. Ngoài ra, các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh diễn ra thường xuyên dẫn đến nguy cơ dịch bệnh lây lan là rất cao. Vì vậy, trong thời gian tới, thị xã Ba Đồn sẽ tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò trên địa bàn; huy động các lực lượng thú ý, người có chuyên môn về chăn nuôi thú y tại cơ sở tham gia tiêm phòng; tổ chức tiêm phòng đồng loạt, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% số gia súc trong diện tiêm.
      Bên cạnh đó, để giảm thiểu nguy cơ bệnh VDNC phát sinh và lây lan trên địa bàn thị xã, Phòng Kinh tế UBND thị xã khuyến cáo: Người chăn nuôi nên nhập trâu, bò giống từ những nơi đáng tin cậy; trâu, bò mới nhập cần kiểm tra, cách ly theo dõi trong vòng 28 ngày mới cho nhập đàn; thường xuyên phát quang cây cối, khơi thông cống rãnh thoát nước xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ sử dụng thuốc diệt côn trùng để tiêu diệt muỗi, ruồi, ve…; tăng cường kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò, kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan thú y địa phương khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC…
     Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy tiêm phòng vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Trong quá trình tiêm, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã và thú y xã, phường sẽ hướng dẫn người dân cách xử lý các trường hợp trâu, bò bị phản ứng sau tiêm. Định kỳ tẩy giun sán, tiêm phòng đủ các loại vắc xin như tụ huyết trùng, lở mồm long móng... Chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất. Giám sát chặt chẽ đàn gia súc trong quá trình nuôi để kịp thời phát hiện các loại bệnh. Thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, tiêu diệt các loại vật trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve và các loại côn trùng hút máu khác trong khu vực chuồng nuôi. Khi phát hiện gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh phải cách ly và báo ngay chính quyền, cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Tác giả bài viết: Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm78
  • Hôm nay33,243
  • Tháng hiện tại763,039
  • Tổng lượt truy cập34,293,758
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây