Hiệu quả từ Tổ hợp tác trồng nấm xã Quảng Hòa.

Thứ năm - 13/07/2023 09:16
Tổ hợp tác trồng nấm sạch xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn) được thành lập tháng 12/2022 với 24 thành viên được hoạt động dựa trên hình thức tự nguyện, cùng nhau thỏa thuận hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất. Mô hình Tổ hợp tác trồng nấm sạch tại xã Quảng Hòa có mục tiêu hoạt động là nuôi trồng và cung cấp các loại nấm ăn, nấm dược liệu. Đến nay, sau một thời gian hoạt đông, mô hình tổ hợp tác trồng nấm bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Bước đầu trồng nấm cho hiệu quả kinh tế ổn định.
Bước đầu trồng nấm cho hiệu quả kinh tế ổn định.
      Sau khi được học cách trồng nấm qua lớp tập huấn của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân, người dân xã Quảng Hòa đã từng bước thực nghiệm và xây dựng nên mô hình tổ hợp tác trồng nấm tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm lúc nông nhàn cũng như phát triển kinh tế nông thôn. Tham gia tổ hợp tác trồng nấm không những giúp bà con nông dân tận dụng những diện tích nhà bị bỏ trống, các phế liệu nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa…mà còn là điều kiện để bà con nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật tiến bộ; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất các loại nấm; mở ra cơ hội cho nghề trồng nấm được tiếp cận với các nguồn vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ, tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật mới từ các cơ quan chuyên môn… nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho từng thành viên trong tổ hợp tác theo hướng bền vững
      Chị Nguyễn Thị Liễu (SN 1963, xã Quảng Hòa)  là tổ trưởng tổ hợp tác, người đi đầu và tâm huyết nhất nhất với mô hình này. Chị Liễu cho biết, sau khi được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm và tham quan một số mô hình trồng nấm, nhận thấy đây là mô hình đầu tư ít vốn, không cần diện tích lớn, nhưng mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng lúa, trồng rau thông thường. Trong khi nguồn nguyên liệu tại địa phương khá dồi dào nên chị Liễu và một số hộ dân trong xã đã xây dựng và phát triển tổ hợp tác trồng nấm.
Các thành viên tổ hợp tác trồng nấm cùng nhau chăm sóc nấm
Các thành viên tổ hợp tác trồng nấm cùng nhau chăm sóc nấm.
      Tổ hợp tác hiện có 24 hộ thành thành viên, hoạt động dựa trên hình thức tự nguyện, cùng nhau thỏa thuận hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất. Hầu hết các thành viên trong tổ đều là chị em phụ nữ lớn tuổi, chủ yếu làm công việc nội trợ, tham gia tổ hợp tác giúp họ chủ động được thời gian và có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình. Qua tìm hiểu, để xây dựng tổ hợp tác, ban đầu các hội viên tham gia đóng góp từ 3 - 5 triệu đồng để lắp đặt trang thiết bị, mua nguyên liệu và nguồn giống. Tận dụng diện tích 3 ngôi nhà của người dân không sử dụng làm cơ sở nuôi trồng. Các loại nấm được tổ hợp tác chọn lựa trồng chủ yếu là nấm dược liệu và nấm ăn, tập trung vào các loại nấm sò, nấm tai mèo và nấm linh chi…
      Theo chia sẻ của các thành viên tổ hợp tác, trồng nấm không khó, cũng không vất vả, ai cũng có thể thành công với điều kiện phải nắm vững quy trình kỹ thuật vì quá trình phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố, như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,... Ngoài ra, đối với mỗi loại nấm sẽ có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao phải làm chặt khâu chọn giống, sau đó mới ủ nguồn nguyên liệu, lúc này phải chọn nguyên liệu kĩ càng, sạch sẽ thì nấm mới đạt chất lượng, cho năng suất rất cao.
     Được biết, với 24 thành viên, tổ hợp tác đã phân chia mỗi ngày 2 thành viên với nhiệm vụ chăm sóc và thu hoạch nấm. Hiện, tổ hợp tác trồng nấm xã Quảng Hòa đã có hơn 2.200 phôi nấm Sò, và khoảng 700 nấm Linh Chi. Trong đó 400 phôi nấm Sò đã bắt đầu cho thu hoạch trung bình mỗi ngày được từ 8 - 10 kg, bán với giá 40.000 đồng/kg. Riêng với nấm Linh Chi thì dài ngày hơn nhưng giá bán cao hơn, tổ hợp tác tập trung cung cấp vào các dịp lễ, Tết.
Trồng nấm khá đơn giản nên nhiều chị em tham gia
Trồng nấm khá đơn giản nên nhiều chị em tham gia.
      Thành lập tổ hợp tác trồng nấm không những giúp bà con nông dân tận dụng được các phế liệu nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa…mà còn là điều kiện để bà con nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật tiến bộ, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất.
    Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đặng Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết thêm: Kinh tế của người dân Quảng Hòa chủ yếu dựa vào làm ruộng, trồng rau và chăn nuôi nhỏ lẻ, nguồn thu nhập không cao. Từ khi được tập huấn và thành lập tổ hợp tác trồng nấm, nhiều hội viên dù không có kinh nghiệm và kiến thức nhưng đến nay đã nắm vững quy trình, kỹ thuật chăm sóc nấm để mang lại năng suất, chất lượng tốt. Giờ đây, ngoài thời gian làm nông nghiệp, bà con trong tổ hợp tác lại cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm, bước đầu đã mang lại thu nhập. Trước mắt, sau khi thành lập, tổ hợp tác đã mang lại những thành quả nhất định, tạo sự liên kết trong cộng đồng. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, quỹ đất xây dựng nhà xưởng còn ít, thiếu vốn ...nên hiện tổ hợp tác trồng nấm xã Quảng Hòa vẫn chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh. Thời gian tới, qua đánh giá hiệu quả của tổ hợp tác trồng nấm, chính quyền địa phương tiếp tục tích cực ủng hộ, đề xuất đến các cấp, ngành chức năng mở rộng mô hình, tập huấn cho nhiều hộ dân có mong muốn tham gia để phát triển kinh tế.
      Được biết, Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Bố Trạch) hiện đang là “bà đỡ” về nguyên vật liệu cũng như bao tiêu sản phẩm cho bà con xã viên của tổ Hợp tác trồng nấm Quảng Hòa. Bên cạnh đó, sản phẩm sau khi thu hoạch cũng được bà con đem bán ở chợ trong xã và những vùng phụ cận của thị xã Ba Đồn.
     Cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống người dân ngày càng cao, do đó, việc tìm kiếm những thực phẩm sạch, bảo đảm dinh dưỡng dùng cho bữa ăn của gia đình hàng ngày trở thành một nhu cầu bức thiết. Nấm là một loại thực phẩm đáp ứng được cả hai yêu cầu trên. Do đó, để sản phẩm đến được với người tiêu dùng một cách rộng rãi, các cấp, các ngành cần mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật về trồng nấm cho bà con ở các địa phương, nhằm nhân rộng mô hình, giúp các hộ gia đình nhất là hộ nghèo, hộ khó khăn có điều kiện tiếp cận với cách thức làm ăn mới từ nguồn vốn ít ỏi, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Tác giả bài viết: Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập170
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm160
  • Hôm nay36,862
  • Tháng hiện tại75,907
  • Tổng lượt truy cập34,505,434
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây