Thị xã Ba Đồn: Tín dụng chính sách “tiếp sức” cho người nghèo.

Thứ tư - 09/08/2023 17:24
Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội ( PGD NHCSXH) thị xã Ba Đồn được vi như “luồng gió mới”giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có vốn để đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Góp phần vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thị xã.
Cán bộ Ngân hàng CSXH thị xã thường xuyên kiểm tra sử dụng nguồn vốn vay tại cơ sở.
Cán bộ Ngân hàng CSXH thị xã thường xuyên kiểm tra sử dụng nguồn vốn vay tại cơ sở.
     Trước đây, gia cảnh gia đình bà Phan Thị Hương (SN 1964), thôn Tân Trường, xã Quảng Tân thuộc diện hộ nghèo của xã. Bà Hương sống một mình, lại thường xuyên ốm đau, bệnh tật vì vậy cái nghèo cứ bám theo bà năm này qua năm khác. Ước mơ của bà là có nguồn vốn để nuôi gà, nuôi lợn, có thu nhập, tự lo cho bản thân mà không cần phải phụ thuộc vào ai. Hiểu được nguyện vọng của bà Hương, cuối năm 2020, hội LHPN xã Quảng Tân đã phối hợp với PGD NHCSXH thị xã Ba Đồn tạo điều kiện cho bà vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo.
      Có vốn trong tay, bà Phan Thị Hương đã được hội viên hội Phụ nữ xã hướng dẫn cách nuôi gà thương phẩm. Nhờ chịu khó và mạnh dạn, bà Hương đã nuôi thành công lứa gà đầu tiên, mang lại nguồn thu hơn 35 triệu đồng. Có tiền bà lại xoay vòng, đầu tư giống, thức ăn, chuồng trại nên đàn gà của bà ngày càng nhiều nhiều thêm.
      “Khi cầm được 50 triệu được vay từ PGD NHCSXH thị xã Ba Đồn, tôi đã bật khóc vì vui sướng. Cả đời tôi lam lũ, giờ có số tiền lớn như vậy tôi thực sự rất là cảm động. Tôi đã nung nấu ý định nuôi gà từ lâu rồi, nên khi có vốn tôi bắt tay vào thực hiện ngay. Lúc đầu nuôi ít để thử nghiệm, sau khi biết cách chăm sóc, tôi đã quyết định mở rộng quy mô sản xuất lên đến 200 con”- bà Hương tâm sự.
Nhờ sự quyết tâm, ý chí không cam chịu đói nghèo, sau hơn 2 năm làm kinh tế, đến năm 2022 bà Hương đã thoát nghèo. Không chỉ có tiền để tự lo cho bản thân, bà còn tu sửa lại căn nhà nhỏ của mình. Vậy là từ nay, bà đã có công việc để làm, có tiền để chữa bệnh, có căn nhà nhỏ ấm cúng để ở mà không phải phụ thuộc vào bất cứ ai.
          Tương tự như hoàn cảnh trên, bà Trần Thị Thiện (SN 1956) ở thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn là mẹ đơn thân. Cuộc sống của bà quanh năm chỉ “bám víu” vào mấy sào ruộng, tiền được bao nhiêu cũng chỉ lo cuộc sống hằng ngày. Bà Thiện chia sẻ, dù bà đã làm rất nhiều việc, ngoài công việc đồng áng thì ai thuê gì làm nấy, quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng làm mấy cũng không dư giả được gì.Thấy người ta làm ăn, bà cũng ước, nhưng do không có vốn nên đành chịu.
Nhờ có nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH thị xã, nhiều hộ dân đã mạnh dạn phát triển kinh tế
Nhờ có nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH thị xã, nhiều hộ dân đã mạnh dạn phát triển kinh tế.
      Thấu hiểu hoàn cảnh của bà, Hội Nông dân xã Quảng Văn đã tín chấp vay vốn từ PGD NHCSXH thị xã Ba Đồn số tiền 90 triệu đồng để bà Thiện chăn nuôi bò sinh sản. Vốn là người nhà nông, nên bà Thiện đã biết cách chăn nuôi bò, ngoài tận dụng thức ăn tự nhiên từ đồng cỏ, bà còn biết làm các loại thức ăn hữu cơ từ cám gạo, thân cấy chuối…để vỗ béo cho bò. Siêng năng, cần cù và chịu khó học hỏi, kinh tế gia đình bà Thiện đã khá dần lên.
      Những câu chuyện thoát nghèo như bà Thiện, bà Hương xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Qua đó, có thể thấy, nguồn vốn ưu đã từ các chương trình tín dụng của NHCSXH đã và đang là trợ lực giúp những người có hoàn cảnh khó khăn thêm động lực phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị xã xuống còn 1,99%.
    Ông Hoàng Anh Toàn, Giám đốc PGD NHCSXH thị xã Ba Đồn, cho biết thêm. Đến thời điểm này, PGD NHCSXH thị xã có tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt trên 614 tỷ đồng, với trên 12.000 khách hàng vay vốn. Để thực hiện hiệu quả chương trình cho vay, hằng năm, đơn vị phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách vốn; phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, pphường, các tổ chức hội nắm danh sách hộ nghèo có nhu cầu vay vốn. Từ đó, giải ngân kịp thời và có sự định hướng để sử dụng nguồn vốn phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình. Các nguồn vốn vay được bình xét công khai, dân chủ, khách quan.
     Để nguồn vốn thực sự đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng, cán bộ đơn vị đã thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, giám sát để tránh những trường hợp vay sai mục đích.

Tác giả bài viết: Hồng Sâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập86
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm68
  • Hôm nay4,025
  • Tháng hiện tại596,986
  • Tổng lượt truy cập40,116,775
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây