Thị xã Ba Đồn: Phường Quảng Thọ duy trì, phát triển làng nghề đan lát Thọ Đơn
Thứ hai - 16/10/2023 09:23
Ở thị xã Ba Đồn có một làng nghề đan lát đã tồn tại hơn 400 năm tuổi đó là làng nghề đan lát truyền thống Thọ Đơn thuộc phường Quảng Thọ. Trải qua bao thăng trầm, làng nghề Thọ Đơn vẫn được duy trì, phát triển không chỉ giữ gìn nghề truyền thống của cha ông mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Theo thống kê của UBND phường Quảng Thọ, hiện nay TDP Thọ Đơn có hơn 500 hộ dân làm nghề đan lát và hàng chục cơ sở thu mua, phân phối sản phẩm tiêu thụ các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh. Doanh thu mỗi năm từ các sản phẩm đan lát ước tính đạt khoảng 20-30 tỷ đồng. Nghề đan lát được "cha truyền con nối" qua các thế hệ cho đến ngày nay và vẫn được người dân nơi đây giữ gìn nhằm duy trì nghề truyền thống của cha ông, đồng thời giải quyết việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Kỷ, TDP Thọ Đơn, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn tâm sự: "Tôi biết đan lát từ năm 15 tuổi do ông bà truyền dạy, tôi thấy nghề này cũng không quá vất vả, phù hợp với tuổi già như chúng tôi, tranh thủ thời gian rảnh rỗi ngồi đan lát thấy cũng vui, vừa có thêm thu nhập lại vừa duy trì được nghề truyền thống của làng Thọ Đơn". Trước đây, sản phẩm đan lát của làng Thọ Đơn chủ yếu là các vật dụng như: thúng, mủng, nong, nia, rổ, rá phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày. Những năm gần đây, nhiều người dân làng nghề Thọ Đơn còn đan thuyền thúng cho ngư dân các vùng biển lân cận khai thác thuỷ sản.Để hoàn thành một sản phẩm đan lát đưa ra thị trường tiêu thụ, những người thợ làng nghề đan lát Thọ Đơn phải khéo léo và nhẫn nại trong từng công đoạn. Ông Đoàn Văn Kè, TDP Thọ Đơn, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn chia sẻ: "Nghề đan lát này là nghề do cha ông để lại, từ nghề này chúng tôi cũng kiếm thêm một ít thu nhập để cải thiện cuộc sống. Để làm được một sản phẩm đan lát đẹp và chất lượng, được thị trường tiêu thụ, chúng tôi phải bỏ ra khá nhiều thời gian, chọn nguyên liệu tốt, quan trọng là phải kiên nhẫn và khéo léo thì mới làm được nghề này. Mặc dù chỉ là nghề phụ, thu nhập không cao nhưng chúng tôi sẽ duy trì nghề này để góp phần giữ gìn nghề truyền thống của cha ông và cũng có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống". Nghề đan lát ở Thọ Đơn tuy chỉ là nghề phụ nhưng mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương. Vì vậy, để nghề này được duy trì và phát triển bền vững, không bị mai một theo thời gian, phường Quảng Thọ đã khuyến khích người dân bám nghề, duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại vừa lưu giữ nét đẹp văn hóa của địa phương, vừa có thêm thu nhập để nâng cao đời sống.
Trao đổi thêm về vấn đề này, anh Trần Văn Dục, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn cho biết: "Trong những năm qua, các hộ dân ở phường Quảng Thọ đã nỗ lực duy trì nghề mây, tre, đan truyền thống của cha ông để lại để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Từ nghề này đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương lúc nhàn rỗi, vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ những định hướng để xây dựng và phát triển hơn nữa nghề mây tre đan tại TDP Thọ Đơn". Hiện nay, cuộc sống của người dân TDP Thọ Đơn đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện nhưng người dân trong làng nghề vẫn luôn yêu quý, trân trọng gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông để lại. Đó là nguồn cội, là niềm tự hào để ngọn “lửa nghề” của người dân Thọ Đơn sáng mãi.