Thị xã Ba Đồn: Các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư - 06/09/2023 23:40
Những năm gần đây, các ban, bộ, ngành Trung ương cũng như địa phương đã có nhiều chính sách tạo điều kiện, khuyến khích giúp ngư dân đóng tàu lớn để khai thác hải sản xa bờ nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tàu cá chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện cũng như thiết bị bảo quản sản phẩm đúng tiêu chuẩn, phải quay ngay vào bờ để kịp thời tiêu thụ, chế biến nhằm bảo đảm chất lượng. Vì vậy, các tàu dịch vụ hậu cần (DVHC) nghề cá sẽ giải quyết những khó khăn này. Tuy nhiên, số lượng tàu làm DVHC nghề cá ở thị xã Ba Đồn hiện còn ít, trong quá trình hoạt động còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến chưa đáp ứng nhu cầu của ngư dân.
Thị xã Ba Đồn: Các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá gặp nhiều khó khăn.
     Hiện, toàn thị xã hơn 910 tàu công suất lớn, hoạt động ở ngư trường xa, dài ngày trên biển. Với đội tàu khá lớn như vậy nên nhu cầu phục vụ hậu cần nghề cá là khá lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đáp ứng nhu cầu hậu cần nghề cá của thị xã lại rất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu người dân.
        Thời gian qua, các ban, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách tạo điều kiện, khuyến khích giúp ngư dân đóng tàu lớn để khai thác hải sản xa bờ nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tàu cá chưa được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị bảo quản sản phẩm đúng tiêu chuẩn nên phải quay vào bờ để kịp thời tiêu thụ, chế biến. Vì thế, thời gian bám biển không liên tục, chi phí cho những chuyến đi biển tăng cao. Từ thực tế này, nhu cầu cần có đội tàu dịch vụ nghề cá để giúp cho quá trình sản xuất trên biển của ngư dân được liên tục, giảm chi phí đi lại.
      Chúng tôi về xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn), dù không phải xã vùng biển, nhưng địa phương này có đội tàu khai thác biển khá hùng hậu. Do chưa có các tàu dịch vụ thu mua hải sản và cung ứng xăng dầu, lương thực, thực phẩm nên tàu cá của ngư dân Quảng Văn phải ra vào liên tục, chi phí cho những chuyến đi biển tăng cao.
     Ngư dân Nguyễn Văn Hào, xã Quảng Văn chia sẻ: Có chuyến biển khi chỉ còn 2 ngày nữa là quay về thì chúng tôi gặp luồng cá lớn. Luồng cá này đánh bắt phải hơn tuần mới hết. Chúng tôi đánh cố thêm ngày nữa rồi phải quay tàu vào bờ dù rất tiếc. Lúc đó, phải chi có tàu hậu cần nghề cá thì đã bám được luồng cá, tha hồ mà bội thu.
Thấy những bất cập khi không có tàu dịch vụ nghề cá, nên anh Nguyễn Văn Hào đã quyết định góp cổ phần cùng một số ngư dân khác đầu tư tàu dịch vụ để thu mua hải sản, tiếp tế nhiên liệu, vật dụng và các nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt xa bờ tại địa phương cũng như các tàu cá trong tỉnh. Mỗi chuyến đi khoảng 5-6 ngày, thu mua khoảng 40-50 tấn hải sản…Sau khi vào bờ, tàu của anh Hào liên kết với các doanh nghiệp chế biến hải sản, thương lái bao tiêu sản phẩm, không lo bị ép giá.
      Hiện, xã Quảng Văn có 44 tàu cá khai thác hải sản xa bờ, trong đó có 8 tàu dịch vụ hậu cần. Bên cạnh công việc thu mua hải sản thì tàu dịch vụ còn mang giúp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho các chủ tàu cá khi cần. Ngoài ra, còn hỗ trợ lẫn nhau mỗi lúc gặp rủi ro, tạo chỗ dựa vững chắc trong quá trình đi biển của ngư dân.
     Đến nay, Thị xã Ba Đồn có 18 đội tàu hậu cần nghề cá, việc phát triển các đội tàu này đã giúp cho quá trình sản xuất trên biển của tàu khai thác trở nên thuận lợi hơn; sản phẩm khai thác được bán với giá cao hơn, giảm chi phí nhiên liệu đi lại. Tuy nhiên, so với số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ toàn thị xã thì lượng tàu làm dịch vụ vẫn còn ít dẫn đến nhiều tàu khai thác chưa thể tiếp cận được với các dịch vụ này.
     Những năm gần đây, đội tàu dịch vụ nghề cá còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Theo một ngư dân phường Quảng Phúc cho biết: Hiện nay, nhiều tàu cá của ngư dân di chuyển vào vùng biển phía nam để đánh bắt nên đã tiếp cận gần hơn với đội tàu hậu cần ở các tỉnh khu vực này. Vì vậy, tàu hậu cần trong thị xã không cạnh tranh được vì chi phí cao. Ngoài ra, nhiên liệu cao, giá thành sản phẩm bấp bênh, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt nên sản lượng thu mua thấp, nhiều tàu cá thu mua làm ăn không có lãi. Cũng theo nhiều ngư dân, hiện nay, lô hàng hải sản xuất khẩu phải kê khai thông tin về loài cá đánh bắt, địa điểm khai thác, ngày bắt và loại tàu đánh bắt cùng tất cả các phương tiện tham gia. Trong khi đó, Quảng Bình hiện chưa có nhà máy chế biến hải sản, các thương lái, tàu dịch vụ sau khi thu mua phải đưa qua các tỉnh khác mới có đủ giấy tờ xuất khẩu. Do đó, chi phí tăng cao, gây khó khăn cho các tàu dịch vụ trên biển.
     Để phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng yêu cầu thực tế, thời gian tới, bài toán đặt ra là phải tổ chức rà soát, sắp xếp lại các hoạt động dịch vụ nghề cá. Đặc biệt quan trọng nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh tiêu thụ hải sản và hậu cần tại cảng, tạo điều kiện cho tàu dịch vụ ngày càng phát triển. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành để khuyến khích, tạo động lực cho hoạt động nghề phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngư dân.
     Hiện tỉnh Quảng Bình đang thực hiện Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho ngư dân. Theo đó, đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, nếu đáp ứng đủ điều kiện tham gia hoạt động dịch vụ trên các vùng biển xa thì sẽ được hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh GPS; hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên; hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho chuyến biển. Đây cũng là đòn bẩy để các tàu hậu cần nghề cá ổn định sản xuất kinh doanh.

Tác giả bài viết: Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập109
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay387
  • Tháng hiện tại798,946
  • Tổng lượt truy cập34,329,665
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây