"Đổi đời" nhờ được đào tạo nghề phù hợp.

Thứ ba - 08/08/2023 19:43
Thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xem đây là giải pháp thiết thực để giúp người dân thoát nghèo và nâng cao đời sống. Để nâng cao hiệu quả đào tạo, thị xã đã chú trọng chọn các nghề phù hợp với lao động địa phương để từ đó nhiều hộ dân "đổi đời" nhờ được đào tạo nghề phù hợp
Nghề mây xiên Quảng Văn cho thu nhập ổn định.
Nghề mây xiên Quảng Văn cho thu nhập ổn định.
      Bà Nguyễn Thị Liễu ở thôn Cao Cựu, xã Quảng Hòa là một trong những người dân ở thị xã Ba Đồn được "đổi đời" nhờ được học nghề từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Năm 2022, bà Liễu được Hội nông dân xã tạo điều kiện cho học lớp trồng nấm do các cán bộ Trung tâm giáo dục dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Phụ nữ Quảng Bình giảng dạy. Tham gia lớp học trồng nấm, bà Liễu được hướng dẫn cách tận dụng diện tích nhà bỏ trống, các phế liệu nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa....để trồng nấm. Hoàn thành khóa học, với kiến thức của mình, bà đã trồng thử nghiệm hơn 60 bịch nấm sò và bà đã thành công ngay lần trồng thử nghiệm đầu tiên. Từ thành công đó, bà đã mạnh dạn vay thêm vốn để nhân rộng mô hình trồng nấm của gia đình mình, đồng thời thành lập tổ hợp tác trồng nấm với 24 thành viên là chị em phụ nữ trong xã. Hiện nay, tổ hợp tác trồng nấm của bà con xã Quảng Hòa đã cho hiệu quả kinh tế với gần 2.200 phôi nấm sò, 700 phôi nấm linh chi đã cho thu hoạch, thu nhập từ trồng nấm đem lại ổn định, từ đó cuộc sống gia đình các thành viên tổ hợp tác đã được nâng lên rõ rệt.
      Bà Nguyễn Thị Liễu-thôn Cao Cựu - xã Quảng Hòa-thị xã Ba Đồn cho biết: "Sau khi được học lớp trồng nấm, hội viên đã thực hành trồng nấm và cho ra sản phẩm. Hội viên chúng tôi thấy đúng theo chỉ tiêu là nấm sạch, sản phẩm thu hoạch không lớn nhưng phù hợp với sức lao động của chị em phụ nữ, tạo điều kiện có thêm nguồn thu nhập phù hợp với sức lao động bản thân mình".
Trung tâm Giáo dục dạy nghề Giáo dục thường xuyên thị xã Ba Đồn hướng dẫn cách trồng nấm cho người dân
Trung tâm Giáo dục dạy nghề Giáo dục thường xuyên thị xã Ba Đồn hướng dẫn cách trồng nấm cho người dân.
      Được tham gia học nghề trồng nấm từ năm 2022 do Trung tâm Giáo dục dạy nghề-Giáo dục thường xuyên thị xã Ba Đồn mở lớp đào tạo, gia đình ông Nguyễn Bình Nhất, thôn Nam Thủy, xã Quảng Thủy cũng mạnh dạn bắt tay thực hiện mô hình trồng nấm tại gia đình mình. Với kiến thức đã học được cùng với việc tìm hiểu qua sách, báo, ông Nhất cũng đã thành công ngay từ lần trồng nấm đầu tiên. Từ thành công bước đầu, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm nhiều bịch nấm để cho thu nhập khá. Với khả năng tiêu thụ ổn định, sản phẩm nấm sò và nấm rơm đã được người dân địa phương ưa chuộng, vì vậy đầu ra khá ổn định. Hiện gia đình ông đang tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nấm để nâng cao thu nhập.
      Ông Nguyễn Bình Nhất - thôn Nam Thủy, xã Quảng Thủy  - thị xã Ba Đồn tâm sự: "Từ việc học trồng nấm, gia đình tôi cũng mạnh dạn tận dụng đất sẵn có trong vườn mở mô hình trồng nấm. Tận dụng rơm sản xuất để đưa về trồng nấm, đầu tư bước đầu thấy khá hiệu quả, đã tạo công ăn việc làm cho gia đình, có thêm thu nhập, đời sống cũng được nâng lên”.
Mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế
Mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế của ông Nguyễn Bình Nhất
       Xã Quảng Văn là địa phương thuần nông với nghề may nón lá truyền thống có từ lâu đời. Chính vì vậy, để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, Trung tâm Giáo dục dạy nghề-Giáo dục thường xuyên đã mở lớp học nghề thêu ren trên nón. Lớp học đã thu hút được rất nhiều chị em phụ nữ xã tham gia học nghề. Tham gia lớp học, các học viên được hướng dẫn sử dụng những cuộn len đủ màu sắc để thêu lên một chiếc nón lá đã hoàn thành với nhiều họa tiết ấn tượng, mang tính đặc sắc của địa phương. Bình thường một chiếc nón lá có giá bán dao động từ 30.000-40.000 đồng thì một chiếc nón lá được thêu ren có giá bán cao gấp đôi. Chính vì vậy, sau khi tham gia lớp học, nhiều chị em phụ nữ xã Quảng Văn đã áp dụng thành công các kiến thức đã học vào mô hình làm nón của gia đình để nâng cao thu nhập.
       Chị Trần Thị Lan- thôn La Hà Nam-xã Quảng Văn-thị xã Ba Đồn chia sẻ thêm:  "Để hoàn thiện một chiếc nón lá bình thường mất rất nhiều thời gian nhưng giá thành lại rẻ. Từ khi được học lớp thêu ren trên nón, tôi đã làm được những chiếc nón lá nhìn rất đẹp mắt, thu hút được nhiều người mua hơn và bán được giá cao hơn nón lá bình thường. Nhờ đó mà tôi có nguồn thu nhập ổn định và nâng cao được cuộc sống gia đình".
Nghề thêu ren nón ở xã Quảng Văn góp phần tăng thu nhập
Nghề thêu ren nón ở xã Quảng Văn góp phần tăng thu nhập cho người dân.
      Từ năm 2022 đến nay, toàn thị xã Ba Đồn đã mở được 17 lớp học nghề cho gần 600 lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động, lao động nông thôn , nâng tỷ lệ đào tạo lên trên 50%. Để nâng cao hiệu quả các lớp học nghề để từ đó ứng dụng được vào thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, thị xã Ba Đồn tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề của từng đối tượng lao động, lựa chọn những nghề phù hợp để xây dựng kế hoạch mở các lớp dạy nghề trong thời gian tới.
         Bà Đỗ thị thanh Lâm-Giám đốc Trung tâm Giáo dục dạy nghề-Giáo dục thường xuyên thị xã Ba Đồn cho biết thêm  "Để tạo việc làm cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động địa phương, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục dạy nghề-Giáo dục thường xuyên thị xã đã phối hợp mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với từng địa phương. Riêng trong năm 2023, chúng tôi đã mở được các lớp học nghề trồng nấm và nghề thêu ren trên nón. Hầu hết các học viên sau khi được học nghề đều đã áp dụng thành công, xây dựng được các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu bền vững".
        Với những nghề được đào tạo phù hợp cho từng nhóm đối tượng người lao động sẽ góp phần giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động, lao động nông thôn thay đổi cuộc sống. Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả hơn nữa, thị xã Ba Đồn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp; đồng thời gắn công tác đào tạo nghề với nhu cầu việc làm của lao động nông thôn.

Tác giả bài viết: Lệ Hằng - Hải Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập128
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm118
  • Hôm nay26,741
  • Tháng hiện tại825,300
  • Tổng lượt truy cập34,356,019
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây