Khó khăn trong phát triển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá
Thứ ba - 18/04/2023 05:31
Dịch vụ hậu cần (DVHC) nghề cá được xem là “bước đệm” quan trọng để góp phần giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguồn nguyên liệu… trong hoạt động đánh bắt thuỷ, hải sản. Tuy nhiên, để công tác này thực sự phát huy hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu cho ngư dân yên tâm bám biển vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Thị xã Ba Đồn là địa phương có tiềm năng và lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Chú trọng nâng cao, mở rộng hoạt động khai thác thuỷ hải sản trên biển cũng là chủ trương chung mà các cấp, ngành và địa phương quan tâm trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, với gần 1.200 tàu, thuyền khai thác thuỷ-hải sản trên sông và biển với tổng công suất trên 96.000CV, trong đó có 759 tàu, thuyền dưới 90CV và 418 tàu, thuyền từ 90CV trở lên. Mỗi năm Ba Đồn đạt sản lượng khai thác thuỷ hải sản hàng chục nghìn tấn cá, mực, tôm các loại. Những năm gần đây, các ban, bộ, ngành Trung ương cũng như địa phương đã có nhiều chính sách tạo điều kiện, khuyến khích giúp ngư dân đóng tàu lớn để khai thác hải sản xa bờ nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tàu cá chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện cũng như thiết bị bảo quản sản phẩm đúng tiêu chuẩn, phải quay ngay vào bờ để kịp thời tiêu thụ, chế biến nhằm bảo đảm chất lượng. Vì thế, thời gian bám biển không liên tục, chi phí cho những chuyến đi biển tăng cao. Ở thị xã Ba Đồn thời gian gần đây, việc phát triển đội tàu DVHC nghề cá đã giúp cho quá trình sản xuất trên biển của ngư dân được liên tục, giảm chi phí đi lại vào bờ để tiêu thụ sản phẩm, tiếp tế nhiên liệu, nhu yếu phẩm, sửa chữa nhỏ máy móc...Tàu DVHC được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như hầm đông lạnh, hầm nuôi sống tôm, cá nên chất lượng sản phẩm khai thác được bảo quản tốt, tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến, phát huy được tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, giảm bớt các rủi ro. Anh Nguyễn Văn Hào, chủ tàu DVHC nghề cá ở thôn Văn Phú, xã Quảng Văn cho biết: Trước đây, do chưa có các tàu dịch vụ thu mua hải sản và cung ứng xăng dầu, lương thực, thực phẩm nên tàu cá của ngư dân phải ra vào liên tục, chi phí cho những chuyến đi biển tăng cao. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng gặp được luồng cá nhưng không có tàu thu mua nên phải chấp nhận về bờ trong sự tiếc nuối. Mặt khác, cá biển để lâu ngày dù bảo quản tốt cũng sẽ không còn độ tươi ngon nên giá thành thấp hơn. Nhận thấy những bất cập khi không có tàu DVHC nghề cá, năm 2016 anh Nguyễn Văn Hào đã quyết định góp cổ phần cùng một số ngư dân khác đầu tư tàu dịch vụ để thu mua hải sản, tiếp tế nhiên liệu, vật dụng và các nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt xa bờ tại địa phương cùng như các tàu cá trong tỉnh. Mỗi chuyến đi khoảng 5-6 ngày, thu mua khoảng 40-50 tấn hải sản… Sau khi vào bờ, tàu của anh liên kết với các doanh nghiệp chế biến hải sản, thương lái bao tiêu sản phẩm, không lo bị ép giá. Hiện, xã Quảng Văn có 44 tàu cá khai thác hải sản xa bờ, trong đó có 8 tàu DVHC, bên cạnh công việc thu mua hải sản thì tàu dịch vụ còn mang giúp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho các chủ tàu cá khi cần; hỗ trợ lẫn nhau mỗi lúc gặp rủi ro, tạo chỗ dựa vững chắc trong quá trình đi biển của ngư dân. Toàn thị xã hiện có 14 tàu DVHC nghề cá, việc phát triển các đội tàu này đã giúp cho quá trình sản xuất trên biển của tàu khai thác trở nên thuận lợi hơn; sản phẩm khai thác được bán với giá cao hơn, giảm chi phí nhiên liệu đi lại. Tuy nhiên, so với số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ toàn tỉnh (1.200 chiếc) thì lượng tàu làm DVHC vẫn còn quá ít dẫn đến nhiều tàu khai thác vẫn chưa thể tiếp cận được với các dịch vụ này. Những năm gần đây, đội tàu DVHC nghề cá còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Hiện nay, nhiều tàu cá của ngư dân di chuyển vào vùng biển phía Nam để đánh bắt nên tiếp cận gần hơn với đội tàu hậu cần ở các tỉnh khu vực này. Vì vậy, tàu hậu cần trong tỉnh không cạnh tranh được vì chi phí cao. Ngoài ra, nhiên liệu cao, giá thành sản phẩm bấp bênh, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt nên sản lượng thu mua thấp, nhiều tàu cá thu mua làm ăn không có lãi. Để phát triển các DVHC nghề cá đáp ứng yêu cầu thực tế trong thời gian tới, thiết nghĩ các ngành chức năng nên tổ chức rà soát, sắp xếp lại các hoạt động DVHC nghề cá, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh tiêu thụ hải sản và hậu cần tại cảng, tạo điều kiện cho tàu DVHC ngày càng phát triển. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành để khuyến khích, tạo động lực cho hoạt động DVHC nghề cá nói chung và đội tàu DVHC nói riêng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngư dân; mở các lớp tập huấn cho ngư dân làm dịch vụ về công tác cứu nạn, cứu hộ, nắm bắt thông tin hai chiều giữa đất liền và tàu thuyền trên biển, thông tin tình hình về bão, giúp ngư dân yên tâm sản xuất…
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...