Đầu xuân gặp người nữ đại biểu quốc hội khóa III.

Thứ hai - 22/03/2021 08:49
         Cuối tháng 5 năm 1968, chúng tôi đang sơ tán (K8) tại xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa thì nghe nói có người ở Quảng Bình ra. Gặp mới biết bà Hoàng Thị Thiệu ở xóm tôi đi dự kỳ họp lần thứ tư Quốc hội khóa 3 ngoài Hà Nội về ghé lại. Bà là đại biểu nữ duy nhất của tỉnh Quảng Bình.
Bác Hồ chụp ảnh chung với các đại biểu thanh niên dự kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa 3. Bà Hoàng Thị Thiệu (đứng hàng đầu, thứ 3 bên trái sang).
Bác Hồ chụp ảnh chung với các đại biểu thanh niên dự kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa 3. Bà Hoàng Thị Thiệu (đứng hàng đầu, thứ 3 bên trái sang).
         Bà Hoàng Thị Thiệu sinh ngày 15/5/1941 tại xóm Bắc, làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình.  Thuở ấy, xóm Bắc quê tôi chỉ có 31 nóc nhà. Bà mẹ của bà Thiệu bị chết trong đợt tản cư năm 1947. Anh trai của bà Thiệu đi kháng chiến nên cha bà một mình “gà trống nuôi con”.
       Hòa bình lập lại, bà Thiệu được bầu làm Liên đội trưởng phụ trách đội thiếu niên của xã Quảng Minh. Bà vào đoàn thanh niên, rồi làm thư ký tổ đổi công, tiếp tục làm phó chủ nhiệm hợp tác xã bậc thấp “Minh Bình”. Bà dẫn đoàn thanh niên lên Chày (Bố Trạch) khai hoang. Về làng, bà tiếp tục huy động đoàn viên thanh niên đi vớt rều, bứt lá làm phân xanh, gánh nước tưới khoai đưa năng suất khoai làng Minh Lệ lên trên 10 tấn/ha.
          Đặc biệt khi làm Bí thư Xã Đoàn, được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ xã Quảng Minh, bà đứng mũi chịu sào trong việc di dân vào Cự Nẫm (Bố Trạch). Bà lãnh đạo thanh niên làm sẵn nhà cho bà con vào ở.
         Giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Huyện Đội giao cho xã Quảng Minh huy động 150 thanh niên lên đường nhập ngũ. Với khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” bà đã vận động được tất cả 250 người đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, trong đó có nhiều thanh niên công giáo vùng cồn.
         Khi được Đảng ủy phân công làm chủ nhiệm hợp tác xã Tây Bắc Minh Lệ, bà đã đảm nhận xây nghĩa trang liệt sỹ xã trong khi trong tay không có một đồng nào. Bà cho xã viên đi đào đá nung vôi rồi chở cát đá về xây trước con mắt đầy thán phục của cánh mày râu. Nhà nước giao cho hợp tác xã nuôi 200 con lợn gia công, bà đã khoán cho xã viên nuôi vượt mức kế hoạch và thưởng cho mỗi đội sản xuất 2 con để làm thịt cho xã viên ăn tết. Những năm trên bom dưới đạn bà đã huy động dân công làng Minh Lệ tham gia làm thủy lợi kênh mương Rào Nan vượt quân số trên giao. Nhiều cán bộ huyện tấm tắc khen “ 6 cái nhất” của bà để các xã khác học tập.
3
Bà Hoàng Thị Thiệu lúc về già đang giới thiệu lịch sử Đoàn đại biểu  Quốc hội Quảng Bình
         Đầu xuân Tân Sửu này, chúng tôi, những học sinh đi K8 năm xưa gặp lại bà Hoàng Thị Thiệu. Bà bùi ngùi kể đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình khóa 3 nay chỉ còn lại một mình bà. Đoàn Quảng Bình gồm có 7 người. Hai người ở Hà Nội về Quảng Bình ứng cử là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Phan Văn Hai, Nghệ nhân ngành nghệ thuật sân khấu ca kịch Việt Nam. Còn lại 5 người ở Quảng Bình, trong đó có ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy. Ông Phạm Xuân Quảng là chủ tịch huyện Tuyên Hóa, ông Võ Khắc Ỷ chủ nhiệm hợp tác xã Việt Xô, ông Lê Trạm chủ nhiệm hợp tác xã ngư nghiệp Lộc Ninh. Còn bà là bí thư Xã Đoàn, Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Bình.
           Điều đáng nhớ nhất là kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Kỳ họp thứ nhất từ ngày 25/6 đến 3/7 năm 1964 tại thủ đô Hà Nội. Kết thúc ngày họp cuối cùng, Bác mời tất cả đại biểu thanh niên đến chụp ảnh chung với Bác.
          Sau xuân Mậu Thân 1968, giặc Mỹ tập trung đánh phá vùng cán xoong từ vĩ tuyến 19 trở vào ác liệt nhất. Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa 3 (từ ngày 19 đến 22/5/ 1968), đoàn Quảng Bình phải đi xe từ Khe Ngang đến đèo Mụ Dạ rồi theo đường Trường Sơn ra Bắc. Trong kỳ họp lần này bà Thiệu được ngồi trên ghế chủ tịch đoàn. Ngày cuối cùng các đại biểu thanh niên được mời vào nhà khách để Bác Hồ gặp mặt. Ai cũng muốn ngồi gần để được nhìn Bác rõ hơn. Bác nói “Các cháu nhường chỗ cho cháu Thiệu để Thiệu ngồi lại gần đây với Bác. Bác muốn hỏi một số tình hình quân dân Quảng Bình trong ấy”. Bác hỏi han tình hình dạy và học của thầy trò dưới nhà hầm như thế nào. Công tác chăm sóc người già, các cháu thiếu nhi. Người dân Quảng Bình làm thế nào để vừa sản xuất vừa chiến đấu. Bác khen quân dân Quảng Bình hai giỏi, chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi. Bác luôn miệng nhắc: “Các cháu ăn kẹo đi chứ, ta vừa ăn vừa nói chuyện. Mà các cháu phải nhớ ăn cho hết kẹo đấy nhé. Ăn không hết thì cầm về. Còn nước uống không hết thì chừa lại cho Bác”. Tất cả ai nấy đều cười vui vẻ…
        Chúng tôi nhắc lại chuyện sau kỳ họp Quốc hội lần thứ tư bà có ghé đến thăm học sinh đi K8 ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Bà phân phát kẹo cho chúng tôi và bảo phải học cho thật giỏi, biết vâng lời thầy cô và bố mẹ trong nhà.
         Bà Thiệu cười vang phô ra cả hàm răng bị rụng mất mấy chiếc: “Ở xóm mình nay cũng có cháu Hoàng Đăng Quang là đại biểu quốc hội, Phó Ban tổ chức Trung ương Đảng. Việc ra Hà Nội họp là chuyện bình thường nhưng hồi đó chiến tranh mà được ra Hà Nội họp Quốc hội, rồi lại được gặp Bác Hồ là sướng lắm, vinh dự tự hào lắm. Hơn năm chục năm rồi, người già có cái nhớ, có cái quên nhưng kỷ niệm được chụp ảnh với Bác Hồ, được ăn kẹo, nói chuyện với Bác thì cô vẫn còn nhớ mãi”.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập175
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm158
  • Hôm nay39,204
  • Tháng hiện tại78,249
  • Tổng lượt truy cập34,507,776
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây