HỎI - ĐÁP VỀ NHỮNG BĂN KHOĂN VÀ LO LẮNG CỦA NGƯỜI DÂN VỀ DỰ ÁN THỦY LỢI RÀO NAN

Thứ hai - 07/10/2019 23:11
Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý xây dựng công trình tại cuộc họp giao ban tiến độ ngày 15/01/2019, ngày 15/02/2019 Chủ đầu tư phải hoàn thành các điều kiện để triển khai thi công xây dựng. Hiện nay các điều kiện thi công đã hoàn thành nhưng chưa thể thi công do một số người dân ở thôn Linh Cận Sơn chưa đồng thuận. Những lo lắng, băn khoăn của một số người dân thôn Linh Cận Sơn nổi lên các vấn đề cụ thể được giải đáp như sau:

 Mô hình thí nghiệm mô phỏng tỷ lệ 1/50
1. Về sự an toàn của công trình

Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan là một dự án nằm trong nguồn trái phiếu của Chính phủ, do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ quản nhằm triển khai các dự án, công trình thủy lợi trọng điểm của đất nước, do đó Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ trì, thẩm định và phê duyệt.
Trong bối cảnh có nhiều ý kiến lo lắng về sự cố, mất an toàn công trình thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu cực đoan, diễn biến bất thường, ưu tiên hàng đầu được Bộ Nông nghiệp & PTNT đặt ra trong quá trình thiết kế là phải đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã mời các chuyên gia đầu ngành thẩm định hồ sơ dự án và tổ chức phản biện nhiều lần. Các chuyên gia đầu ngành đã khẳng định tuyến và giải pháp công trình là tối ưu, cam kết về tính ổn định và an toàn lâu dài của công trình đập dâng Rào Nan.
- Đơn vị thiết kế công trình là Viện thủy công - Viện khoa học thủy lợi Việt Nam, đây là đơn vị đầu ngành về thiết kế các công trình thủy lợi của Việt Nam.
- Công trình được thẩm tra do trực tiếp GS.TS. Phan Sỹ Kỳ, nguyên Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT, là chuyên gia đầu ngành về công trình hồ, đập của nước ta.
- Trước khi phê duyệt Bộ Nông nghiệp và PTNT đã mời các chuyên gia đầu ngành thẩm định hồ sơ dự án và tổ chức phản biện nhiều lần, gồm: GS.TS Phạm Thị Hương Lan - Chuyên gia thủy văn; KSCC Bùi Khôi Hùng - Chuyên gia địa chất; GS.TS Nguyễn Văn Lệ - Chuyên gia kết cấu.
- Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, phụ trách lĩnh vực thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT, đã khẳng định về tính an toàn của công trình tại hội nghị ngày 22/12/2018 tại Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn trước toàn thể Đảng ủy, ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn và đảng viên thôn Linh Cận Sơn.
- Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình Trần Tố Nghị và các nhà khoa học đầu ngành gồm GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng - Viện trưởng Viện Thủy công - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; TS. Ngô Anh Quân - Phó Viện trưởng Viện Thủy công - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã khẳng định về tính an toàn của công trình tại hội nghị ở trụ sở Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn ngày 15/8/2018.
Như vậy, trên cơ sở quy trình thiết kế, thẩm định, phê duyệt chặt chẽ, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành thủy lợi và những khẳng định về mức độ an toàn công trình của các cơ quan cao nhất trong lĩnh vực thủy lợi, đó chính là cơ sở khoa học vững chắc nhất cho vấn đề an toàn tuyệt đối của công trình.                 
2. Về vấn đề ảnh hưởng hạ du phía sau công trình, cụ thể là khu dân cư thôn Linh Cận Sơn liệu có bị xói lở?
Theo quan trắc và số liệu qua các mùa lũ gần đây ở vị trí công trình và phạm vi sông Nan qua thôn Linh Cận Sơn, thì các trận lũ lớn đã gây xói lở phạm vi 2 bên bờ sông, một số điểm rất nghiêm trọng. Do đó, khi thiết kế công trình, thì yếu tố đảm bảo hạn chế xói lở, ngập lụt công trình đã được tính đến và có các giải pháp đồng bộ, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tiêu cực, và dùng các giải pháp công trình để đảm bảo chống xói lở hạ lưu so với khi chưa xây dựng đập dâng Rào Nan.
Để có cơ sở nghiên cứu vấn đề này, ngoài các yêu cầu về tính toán thủy văn, thủy lực dòng chảy, dự án đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế làm mô hình thí nghiệm (tỉ lệ mô hình thu nhỏ 50 lần so với thực tế), mô phỏng lại dòng chảy phía sau đập dâng Rào Nan trên cơ sở các số liệu thủy văn các mùa lũ gần đây. Trong một số buổi đối thoại, tiếp xúc ở địa phương đã trình chiếu các mô hình thí nghiệm trên để nhân dân hiểu rõ hơn. Trên cơ sở mô hình thực nghiệm và kết quả tính toán cho thấy, phạm vi ảnh hưởng sau hạ lưu trong trường hợp bất lợi nhất là 150m và sau 150 m dòng chảy phía hạ lưu sẽ trở về dòng chảy ổn định như khi chưa có công trình. Để bảo vệ bờ 150m đoạn bị ảnh hưởng, đã có giải pháp công trình gia cố phạm vi này bằng hệ thống kè vững chắc.
Ngoài ra, để có giải pháp đồng bộ hơn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tranh thủ các nguồn vốn nhằm đầu tư gia cố phạm vi khu dân cư qua thôn Linh Cận Sơn, mục tiêu là chống xói lở bằng giải pháp công trình. Cụ thể, trong năm 2019, phạm vi từ chợ Quảng Sơn nối tiếp với tuyến kè, dài 1,6km sẽ được đầu tư xây dựng với chi phí 28, tỷ đồng, đảm bảo chống xói lở cho các hộ dân sống ven sông Nan qua thôn Linh Cận Sơn.
3. Về vấn đề có gây thêm ngập lụt cho hạ du, cụ thể là thôn Linh Cận Sơn?
Về vấn đề gây thêm ngập lụt, phải nói rõ thêm về cách thức vận hành theo kiểu đập dâng Rào Nan so với đập thủy lợi, thủy điện điều tiết thoát lũ bằng hệ thống cửa tràn. Với hình thức làm việc kiểu đập dâng, tức là dâng nước và cho tràn qua, khác với các đập đất là dâng nước nhưng không thể tràn qua, chỉ thoát lũ bằng cửa tràn. Các công trình thủy lợi và thủy điện phải điều tiết năm hoặc nhiều nằm, tích nước để phục vụ sản xuất và phát điện, khi có lũ lớn bất thường vượt tần suất đổ về, các công trình này bắt buộc phải điều tiết để đảm bảo an toàn cho công trình, bằng cách xả lũ với lưu lượng lớn, đây là nguyên nhân gây ngập lụt hạ du.
Đối với đập dâng Rào Nan, trước mùa lũ, toàn bộ hệ thống 15 cửa van được đơn vị quản lý vận hành nâng lên, trả lại khả năng thoát lũ của lòng sông. Khi có lũ về, ngoài một phần lũ bị giữ lại do dung tích phòng lũ của đập dâng (khoảng 6,0 triệu khối), thì hệ thống 15 cửa van, 1 cửa van rộng 10m, tổng là 150m (so với bề rộng của đập dâng hiện tại là 135m), khả năng thoát lũ tốt hơn so với lòng sông hiện tại. Việc lưu lượng lũ đổ về quá lớn sẽ gây xói phạm vi sau đập dâng, tuy nhiên phạm vi này đã có gia cố chắc chắn bằng giải pháp công trình.
Như vậy, việc xây dựng đập Rào Nan theo hình thức đập dâng không gây thêm ngập lụt hạ du, còn góp phần phòng lũ nhờ dung tích phòng lũ trong lòng hồ.
4. Về vị trí xây dựng công trình đập dâng gần khu dân cư sinh sống (450m), như vậy liệu có phù hợp không ?
Trên nước ta hiện nay có rất nhiều các công trình thủy lợi, hồ chứa với quy mô lớn, với dung tích hàng trăm triệu mét khối nước (đập dâng Rào Nan chứa nước tối đa là hơn 9 triệu mét khối nước) nằm rất gần khu dân cư sinh sống (cách 200m) nhưng không gây ra bất cứ tác động xấu nào. Để giải đáp cụ thể thắc mắc này, thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên, người dân thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn đi tham quan thực tế các công trình thủy lợi như:
 Hồ chứa nước Cửa Đạt, với dung tích 1,45 tỷ m3 nước, ngay phía sau là thị trấn Thường Xuân với gần 2.000 hộ dân sinh sống, kết cấu đập bằng đá đổ bọc bê tông cao 119m; đập dâng Bái Thượng tỉnh Thanh Hóa cao 20m nằm ngay trong thị trấn Thường Xuân;
Hồ chứa nước Ngàn Trươi với dung tích 932,7 triệu m3 nước, ngay phía sau là thị trấn Vũ Quang với hơn 2.400 hộ dân sinh sống, kết cấu đập bằng đập đất cao 62m; đập dâng Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cao 10m nằm ngay trong thị trấn Vũ Quang. Qua tham quan thực tế, các cán bộ, đảng viên, người dân trong đoàn được chứng kiến các Hồ chứa nước có chiều cao thân đập lớn, phức tạp hơn, có các khu dân cư nằm sát chân công trình, qua đó cho thấy sự yên tâm về an toàn của công trình cũng như những lợi ích, hiệu quả mang lại cho người dân khi công trình hồ chứa nước được đầu tư xây dựng.
5. Để an toàn hơn khi có sự cố công trình, liệu có thể dời công trình xa hơn về phía thượng lưu (ví dụ 5km), để khi có sự cố người dân có thời gian di tản?
Về quan điểm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các chuyên gia đầu ngành về Thủy lợi khi thiết kế và phê duyệt công trình, mục tiêu chính là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra sự cố công trình. Do đó, dựa trên những cơ sở về tính toán, nghiên cứu các phương án thì giải pháp công trình an toàn nhất sẽ được lựa chọn, trường hợp công trình dời xa hơn nếu an toàn hơn sẽ được lựa chọn. Thực tế qua quá trình khảo sát, thiết kế ban đầu, đã đưa ra các phương án tuyến, vị trí công trình để so sánh về mức độ an toàn của công trình. Vị trí công trình hiện tại là tối ưu, công trình được đặt trên một nền đá gốc vững chắc, các vị trí khác địa chất công trình rất yếu, nguy cơ gây mất an toàn cho công trình là rất lớn.
Mặc khác, dự án có các thiết bị đo mực nước thượng lưu, hạ lưu, camera theo dõi toàn bộ công trình và bố trí kinh phí để lập phương án phòng chống ngập lụt hạ lưu nên ứng với từng mực nước lũ sẽ có từng kịch bản phạm vị ngập lụt, cao độ ngập hạ lưu, phạm vi cần di dân. Người dân sẽ được Ban phòng chống bão lụt thông báo sớm và hoàn toàn chủ động trong mưa lũ.
          6. Trên sông Nan thường có rất nhiều cây, gỗ lớn từ thượng nguồn trôi về theo lũ, liệu những cây, gỗ này có gây hư hỏng, mất an toàn hoặc vận hành cho công trình?
Đập dâng Rào Nan là một công trình thiết kế với rất nhiều công nghệ hiện đại, nhằm phục vụ cho quá trình vận hành, quan trắc công trình trong mùa lũ.
Công trình được lắp đặt camera theo dõi, toàn bộ quá trình vận hành tràn xả lũ được giám sát từ xa để làm căn cứ cho người quản lý ra các quyết định vận hành đập dâng phù hợp với tình hình thực tế nhất là trong quá trình mưa lũ. Việc hư hỏng, mất an toàn do các thân cây, gỗ gây ra sẽ được người quản lý vận hành theo dõi và biết ngay khi xuất hiện để báo cáo có hướng xử lý kịp thời. Mặt khác, với hệ thống 15 cửa tràn để thoát, việc một cửa tạm thời không thoát do thân cây, gỗ vướng vào không gây ra việc dâng nước ở thượng lưu đập vì nước vẫn thoát được qua các hệ thống của van còn lại.
          7. Trong mùa lũ, liệu nước có thể theo hệ thống kênh chính gây ngập lụt khu vực phía sau đập?
          Cống lấy nước bố trí ở vai tả đập tràn, nằm trong vai đập (vai đập cao hơn so với đập tràn 6,0m), trong quá trình mưa lũ không mở cống lấy nước và nước cũng không thoát về hạ lưu qua hệ thống kênh tưới. Kênh chính dài 780m, kích thước BxH=1,85x2,0m, cao trình đáy kênh+4,0m do vậy để đảm bảo tưới tự chảy thì cao trình đập dâng thấp nhất là +6,0m.
          8. Quy trình về thiết kế, thẩm định, phê duyệt do các cơ quan TW thực hiện rất chặt chẽ, tuy nhiên hiện nay việc thi công, giám sát có rất nhiều vấn đề, vậy việc đảm bảo chất lượng trong quá trình thi công như thế nào để đảm bảo an toàn cho công trình?
          Công tác thi công xây dựng: Đơn vị trúng thầu thi công đập tràn, cống lấy nước là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, đây là một đơn vị đã trúng thầu thi công các công trình thủy lợi lớn của đất nước (Hồ chứa nước Tả Trạch, Ngàn Trươi, Thác Chuối,….) và các công trình giao thông quan trọng của đất nước, của tỉnh với cam kết bảo hành 5 năm, trong khi quy định chỉ bảo hành 3 năm. Các công trình đơn vị đã thi công đều đạt công trình chất lượng cao do Bộ Xây dựng chứng nhận. Công ty này là một doanh nghiệp lớn của tỉnh với đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại, nhân lực gồm các kỹ sư lâu năm có tay nghề cao và đã có kinh nghiệm thi công các công trình lớn….và các bộ phận kiểm soát nghiêm ngặt đảm bảo thi công đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.
          Công tác giám sát thi công do Ban QLDA là đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, là đơn vị có năng lực hàng đầu của tỉnh trong công tác giám sát các công trình thủy lợi, có bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm về công tác Quản lý dự án và giám sát công trình. Đơn vị có một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao và đã giám sát các công trình lớn của tỉnh đạt chất lượng cao gồm: Hồ chứa nước Thác Chuối, Phú Vinh và hơn 20 công trình thủy lợi trung bình của tỉnh; 
          Ngoài ra, do đây là một công trình do Bộ Nông nghiệp và PTNT trực tiếp quản lý, nên ngoài bộ máy các cơ quan, đơn vị theo quy định, còn có sự tham gia giám sát chặt chẽ của các đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, mà trực tiếp là Cục quản lý xây dựng công trình. Công trình cũng chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội, HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng vì đây là công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách từ nguồn Trái phiếu Chính phủ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập116
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm113
  • Hôm nay5,842
  • Tháng hiện tại598,803
  • Tổng lượt truy cập40,118,592
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây