KHÔNG NÊN ĐỂ NỢ THUẾ KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG THU KÉO DÀI THÊM THỜI GIAN.
Thứ năm - 12/12/2019 15:21
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 26/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Theo đó, Chính phủ được xóa các khoản nợ thuế, tiền phạt chậm nộp phát sinh trước tháng 7/2020 của người không còn khả năng nộp ngân sách.
Trước hết, nhìn vào con số tỉnh Quảng Bình đến thời điểm tháng 9/2019 số nợ thuế không có khả năng thu là 174 tỷ đồng chiếm 38% tổng số nợ toàn tỉnh tại thời điểm này là 459 tỷ; trong đó số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của nợ không có khả năng thu lên đến 66 tỷ chiếm 38% trên tổng số nợ không có khả năng thu. Riêng thị xã Ba Đồn, tính đến thời điểm 31/10/2019 số tiền nợ thuế 16,74 tỷ đồng, trong đó số nợ không có khả năng thu 9,88tỷ đồng, chiếm 59% số tiền nợ thuế. Số tiền nợ không có khả năng thu chủ yếu do nguyên nhân người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai…để thấy rằng, đấy chính là nguyên nhân khách quan lớn nhất khiến nợ thuế tồn tại nhiều năm, mà đến nay cơ quan thuế không thể thu hồi.
Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế, nhưng phải đáp ứng được điều kiện là thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế nợ và khoản nợ thuế đủ 10 năm. Thực tế, hầu hết các khoản nợ hiện nay chưa đủ điều kiện 10 năm nên không được xử lý nợ. Dù không thể thu hồi, nhưng hàng ngày số nợ đó vẫn phải tính tiền phạt và tiền chậm nộp, khiến số nợ ngày càng tăng cao qua các năm, tạo sức ép về nhiệm vụ xử lý nợ đọng lên cơ quan quản lý thuế. Ngay cả Luật Quản lý thuế sửa đổi dù đã có hẳn một chương quy định về khoanh nợ, xoá nợ song lại chỉ xử lý những khoản nợ phát sinh từ 1/7/2020 trở đi. Trong khi đó, số nợ dây dưa nhiều năm vì nhiều lý do khách quan vẫn chưa được xử lý. Chính vì thế, việc ban hành nghị quyết khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN là cần thiết.
Chúng ta đều biết rằng, chính sách pháp luật đã có những quy định rất rõ về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, cũng như quy định cụ thể trách nhiệm của người nộp thuế theo cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp. Đi kèm đó là chế tài xử lý phạt vi phạm hành chính về kê khai và nghĩa vụ phạt chậm nộp. Bên cạnh đó, pháp luật cũng tôn trọng quyền tự do kinh doanh của các tổ chức và cá nhân, nhưng phải có nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống có nhiều phát sinh, rủi ro mà người nộp thuế và các DN khó lường trước được. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa dịch vụ, có DN bị rủi ro, làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán dẫn đến việc phải giải thể, phá sản. Ngoài ra, cũng có không ít các DN làm ăn thua lỗ, phải ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản (tự giải thể, phá sản), bỏ địa chỉ sản xuất kinh doanh. Thực tế, thời gian qua, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật, nhưng do không có tài sản, tiền để nộp thuế, nên phát sinh nợ đọng mà không có khả năng thu hồi. Bên cạnh đó, còn có trường hợp DN không tuân thủ quy định pháp luật, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập. Theo đó, các đối tượng này không còn hoạt động sản xuất kinh doanh nữa. Xét về giác độ tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký DN, thì các DN này có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, xét về giác độ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước thì các đối tượng này vẫn còn nợ đọng tiền thuế mà không có khả năng nộp NSNN. Nhiều DN rất nhỏ, vốn chủ sở hữu, vốn pháp định có khi chỉ vài tỷ đồng, làm ăn thua lỗ nên phá sản, giải thể. Nhưng khi làm thủ tục để giải thể, phá sản rất khó khăn, phức tạp vì các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ. Chính vì thế, DN tự giải thể, tự ngừng hoạt động mà không làm thủ tục, hay khai báo với cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, nội dung Nghị quyết lần này, với 7 nhóm đối tượng được Quốc hội đồng ý cho khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, hoàn toàn phù hợp với thực tế tình hình nợ thuế tại tỉnh Quảng Bình nói chung, khu vực Quảng Trạch - Ba Đồn nói riêng.
Do vậy, ngành Thuế tỉnh Quảng Bình, các cơ quan quản lý liên quan cần nhanh chóng có các văn bản hướng dẫn cho công tác chuẩn bị lập hồ sơ để xóa nợ, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng nhằm xử lý triệt để các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi đang là gánh nặng của ngành Thuế. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành thuế tỉnh Quảng Bình nói chung, thị xã Ba Đồn nói riêng không để nợ không còn khả năng thu kéo dài thêm thời gian./.