Một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Thứ tư - 03/04/2019 15:37
           Ông Trần Đình Ngọ, hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình năm nay đã 66 tuổi. Ông là một trong những người biết vượt lên đói nghèo để “làm giàu trên đất quê mình”. 
Một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
          Ông Ngọ nhập ngũ năm 1972, giữa lúc giặc Mỹ cho máy bay B52 ném bom rải thảm xuống làng ông. Trận bom hủy diệt làm cả làng tan nát, có 152 người bị chết. Sau 14 năm lăn lộn trên các chiến trường, năm 1986 bị thương tật, yếu sức khỏe ông Ngọ xuất ngũ về địa phương. Đó là những năm đất nước bị bao vây cấm vận, kinh tế khó khăn. Hai vợ chồng xoay xở làm đủ nghề vẫn không ngóc đầu lên được. Không cam chịu đói nghèo, năm 1993 ông bàn với vợ con lên khai phá vùng đất hoang trên đập Rào Nan. Đó là một vùng đất đầy các lùm cây dại và hầm hố do hơn 1 vạn lượt dân công cả tỉnh được huy động đào đất đắp đập ngăn sông Nan lấy nước ngọt trong 2 năm 1968 - 1969. Ban đầu lấy ngắn nuôi dài ông phát cây đốt rẫy trồng ngô, trồng sắn ở những nơi cao cung cấp lương thực chống đói.
       Tính chuyện làm giàu ông mở mang diện tích khai hoang rộng thêm 2 ha trồng xoài, mít, bưởi Phúc Trạch và cam Xã Đoài. Ở sát bờ sông nơi người ta đào lấy đất năm xưa ông xây ba cái hồ lớn bằng bê tông kiên cố với diện tích hơn 5000 m2. Ông ra tận Hương Sơn (Hà Tĩnh) để mua ba ba giống. Năm 2007, ông nuôi 4 ngàn con ba ba và thả hơn 6 vạn cá trắm cỏ, cá chép, cá trê phi, rô phi. Nhưng năm 2010, đến ngày thu hoạch ba ba thì cơn lũ lịch sử đột ngột tràn về, cá và ba ba bị trôi hết. Năm đó ông thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Bà Tâm, vợ ông bàn với chồng đừng nuôi ba ba nữa mà chỉ nuôi cá rô phi và trắm cỏ thôi nhưng ông không chịu, ông quyết tâm xây dựng lại từ đầu. Nhưng ông trời lại thử thách vợ chồng ông một lần nữa. Cơn bão năm 2013 xóa sạch vườn bưởi trĩu quả của ông. Thời gian đó bưởi Phúc Trạch xuất khẩu rất có giá, mỗi kg 5,6 chục ngàn đồng.
      Thế là ông quyết định cải tạo vườn bưởi lại thành vườn dừa. Tận dụng nguồn cỏ dưới gốc dừa ông nuôi một chục con bò sinh sản, mỗi năm cung cấp 5, 6 con bò giống cho bà con quanh vùng. Ông còn sang bên kia sông Nan trồng hơn 20 héc ta bạch đàn và tràm hoa vàng trên khe Sơn Dương và đồng Vạn. Giữa rừng tràm hoa vàng ông thả 6 chục con dê, mỗi năm bán vài chục con tính sơ sơ mỗi ký hơi bán với giá 150 ngàn đồng thì đó là một nguồn thu đáng kể. Tính đến nay mỗi năm ông cũng thu được hơn 1 trăm triệu đồng tiền chăn nuôi dê, bò, ngan, vịt, 5,6 chục triệu đồng tiền bán cá, hơn 1 trăm triệu đồng bán cây tràm và hoa trái trong vườn. Ông mua được ô tô chở nước ngọt phục vụ bà con trong vùng. Mùa hè có ngày ông bán được 15 chuyến, mỗi chuyến là 200 ngàn đồng, nhưng đối với gia đình già cả neo đơn ông chỉ lấy đúng tiền xăng 100 ngàn. Gia đình ông có một chiếc đò để sang bên kia sông chăm sóc rừng. Ông thường chở cán bộ và nhân dân đi qua sông không lấy tiền.
         Có dự án mở rộng chân đập Rào Nan ra 120 mét, để nâng lên cao cho nước tự chảy cung cấp nước cho cả thị xã, không mất tiền điện bơm nước mỗi năm hàng chục tỉ đồng như trước. Đập nâng cao khu trang trại của ông ngập nước nhưng ông vẫn chấp nhận hy sinh vì lợi quyền chung.  
         Đồng chí Mai Xuân Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quảng Sơn cho biết cả xã Quảng Sơn có 8 hộ gia đình Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng, trong đó có 3 gia đình có trang trại và gia trại thu trên 2 trăm triệu. Gia đình ông Ngọ là hộ thu nhập cao nhất hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Có tiền, ông nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn và mua sắm các tiện nghi đắt tiền. Ông Ngọ có 3 người con. Con ông ai cũng học giỏi và chăm ngoan. Đứa con thứ hai Trần Đình Thắng sinh năm 1987 tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Anh đã giành được 10 giải thưởng của Bộ Văn hóa và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh triển lãm được trưng bày tại FESTIVAL Mỹ Thuật Trẻ tại Hà Nội, và của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh về điêu khắc. Anh và em trai Thắng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về, người thì vào làm nghề điêu khắc với em, người thì công tác tại nhà máy xi măng Tiến Hóa, thứ 7 chủ nhật về nhà giúp bố mẹ làm kinh tế.
         Ông Trần Đình Ngọ là một tấm gương của một Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, một bệnh binh  biết vượt lên hoàn cảnh để làm giàu cho gia đình và xã hội.

Tác giả bài viết: CTV Hoàng Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập114
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay11,961
  • Tháng hiện tại604,922
  • Tổng lượt truy cập40,124,711
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây