Kỷ niệm của tôi với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Thứ năm - 09/02/2023 10:23
Kỷ niệm của tôi với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
       Bố tôi là một ông đồ nghèo dạy chữ nho ở làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, phủ Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Là con út trong gia đình, ông bắt tôi ở nhà để học chữ nho, như anh Hoàng Văn Suyết, người anh cả của tôi. Mãi đến năm 1938, tôi mới được học chữ quốc ngữ ở Trường tiểu học Thọ Linh. Bạn bè cùng trang lứa đã vượt hơn tôi hai, ba lớp.
         Tôi vào lớp thì đã thấy anh Nguyễn Hữu Vũ (tức đồng chí Đồng Sỹ Nguyên) đang học lớp nhì đệ nhất với anh Hoàng Văn Chuể (tức là Hoàng Thanh Hải), người anh trai thứ hai của tôi. Anh Chuể tôi chơi thân với các anh Phạm Lơn, Hoàng Đình Ngữ, Nguyễn Hữu Vũ.
         Tôi lần lượt học xong các lớp nhì đệ nhất rồi lớp nhì đệ nhị vẫn thấy anh Nguyễn Hữu Vũ học cùng trường.
         Năm tôi học lớp nhất thì anh Vũ đến ngồi dự thính ở hàng ghế cuối lớp, như giáo viên dự giờ ngày nay. Anh ăn mặc như thầy giáo, cũng quần trắng, áo dài the màu đen, đầu đội khăn đóng, chân đi guốc mộc. Có lúc anh bận bộ đồ complet vải tissor màu mỡ gà, chân đi giày cuir, tóc chải rẽ ngôi hai mái.
           Làng anh Vũ cách Trường tiểu học Thọ Linh gần 5 cây số, còn xa hơn cả chúng tôi. Nhà anh ở sát chợ Sãi, làng Trung Thôn, xã Quảng Trung. Buổi trưa, chúng tôi kéo nhau vào đình chợ hoặc xuống nghè Thọ Linh (sát bờ Bắc dòng Nan - nhánh giữa của con sông Gianh) giở cơm nắm ra ăn. Anh Vũ nói: “Đứa nào cũng có gói cơm đẹp như hoa. Màu vàng của ngô, màu nâu của khoai, màu hồng của gạo nước hai và màu đen của vừng, ngon như ăn tiệc”.
         Ăn xong, anh bảo: “Hạt gạo, củ khoai do người dân mình một nắng hai sương làm ra cũng không được hưởng trọn vẹn vì phải nộp sưu cao thuế nặng cho thực dân Pháp. Chúng rêu rao “khai hoá văn minh” cho người dân An Nam, nhưng thực chất là chúng đến để vơ vét, bóc lột. Chúng khai thác tài nguyên, khoáng sản của nước ta để đưa về nước chúng, bắt dân ta phải làm cu li cho chúng mà gọi là khai hoá văn minh à? Lại còn bắt dân ta phải gọi nước đại Pháp là mẫu quốc, bắt ta phải quên tiếng mẹ đẻ đi, làm tay sai cho chúng để dễ bề cai trị.
          Bên cạnh nước mẹ đại Pháp thì chính phủ An Nam chỉ là một thứ bù nhìn. Chào cờ mỗi buổi sáng, cờ tam tài của nước đại Pháp kéo lên đến đỉnh rồi mới đến lượt cờ An Nam kéo theo sau bên dưới. Các em thấy như thế có nhục không”. Chúng tôi đồng thanh đáp: “Nhục ạ!”.
         Anh nói tiếp: “Ở nông thôn ta hàng ngũ hội tề, lý trưởng, hương kiểm, hương mục, hương dịch, bản bộ làng đều là những người Việt nhưng lại làm tay sai cho Pháp. Hiện nay trong nước ta đã có nhiều người đứng lên chống thực dân Pháp. Các em phải cố học thật giỏi, lấy tri thức đó để tuyên truyền, vận động nhân dân không được đi lính khố xanh, khố đỏ, không làm việc cho Tây, chờ thời cơ đứng lên giành chính quyền, đánh đổ chế độ thực dân Pháp”. Nói xong anh dặn chúng tôi phải tuyệt đối giữ bí mật, vì bọn mật thám có thể cài người của chúng vào trong trường.
         Chúng tôi tham gia tập võ nghệ, đá bóng cùng các anh, tập diễn kịch đả kích bọn quan lại phong kiến. Cứ mỗi lần tiếp xúc với anh Vũ, chúng tôi cảm thấy mình lớn lên rất nhiều, biết đoàn kết thương yêu nhau hơn, không còn phân biệt, hằn thù, gây chia rẽ với các học sinh công giáo như trước. Anh Vũ thường đi lại với các giáo viên dạy Trường tiểu học Thọ Linh như các thầy Tôn Thất Hiên, Lương Duy Tâm, Hoàng Diệu. Cũng có thầy bằng tuổi anh như thầy Nguyễn Đống, có thầy còn nhỏ tuổi hơn anh như thầy Tôn Thất Thuật, quê ở Huế.
         Có khi anh vắng hẳn vài ba tháng lại trở về trường học tiếp. Một dạo anh đi đâu hơn ba tháng rồi về học dự thính ở lớp thầy Lương Duy Tâm (quê làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa). Anh để tóc dài búi lên trong chiếc khăn đóng rộng vành. Anh tuyên truyền phong trào thanh niên mặc quần đùi đen, có ba sọc đỏ của các tổ chức Phan Anh, phản phong, phản đế. Phong trào thể dục thể thao, cắm trại, tham quan không chỉ diễn ra ở thành phố mà còn về cả nông thôn.
           Năm 1941, thầy Lương Duy Tâm lên làm hiệu trưởng, anh Vũ vào trường Thành Chung học năm thứ nhất ở trong Đồng Hới nhưng thỉnh thoảng vẫn quay lại trường thăm thầy. Năm 1942, anh còn đến trường phát báo Hồng Lạc do anh làm chủ bút để tuyên truyền trong giáo viên, học sinh.
        Tốt nghiệp tiểu học, đa số con em làng tôi về nhà làm ruộng. Hồi đó chỉ có một số gia đình khá giả mới cho con em vào Đồng Hới, Huế, Bình Định, Quy Nhơn học tiếp. Chúng tôi về làng kết hợp với thanh niên địa phương kéo nhau ra đồng Chăm, vào sân đình Minh Lệ ban đêm luyện võ, học “Bách thủ thế”. Phong trào cách mạng đã bí mật lan rộng ở nông thôn.
         Ngày 9 - 3 - 1945, Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp. Chúng bắt dân ta nhổ lúa để trồng đay. Người chết đói đầy đường. Phủ ủy lâm thời Quảng Trạch họp ở làng Lũ Phong bàn kế hoạch khởi nghĩa. Anh Vũ mang tên Nguyễn Văn Đồng vào dự hội nghị An Xá (Lệ Thủy). Ngày 21 tháng 7, Ban chấp hành Phủ ủy Quảng Trạch đã họp tại Động Ngùi (Thọ Linh). Hội nghị quyết định phát triển cơ sở Việt Minh ra toàn phủ và thành lập đội tự vệ vũ trang. Đêm 22, rạng ngày 23 - 8, cả Quảng Trạch rộn ràng không khí chuẩn bị khởi nghĩa.
         Đêm hôm đó trăng rằm sáng vằng vặc như ban ngày. Một số học sinh các nơi về hè, đến nhà tôi ngủ với các anh trai tôi. Chúng tôi theo cha đi bộ ra bến đò Phú Trịch. Đò của các làng kéo về đông như hội. Thanh niên trai tráng vùng nam Quảng Trạch theo các cụ phụ lão đi qua bến đò Phú Trịch đến đình Lũ Phong để tập trung. Người các nơi đổ về làng Lũ Phong tầng trong lớp ngoài, đứng chật sân đình. Ai nấy đều bừng bừng khí thế cách mạng.
          Ngày 23 - 8, trúng phiên chợ Đồn nên bà con đi chợ kéo đến bao vây phủ Quảng Trạch cướp chính quyền. Bà con vào phủ đường hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim”. Tri phủ Quảng Trạch cùng bọn nha lại xin đầu hàng. Lực lượng tự vệ chiếm phủ đường, nhà dây thép, nhà đoan... Sổ sách, triện đồng bị tịch thu thiêu hủy tại chỗ.
          Ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, tại vườn hoa Ba Đình, Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới rằng Việt Nam đã hoàn toàn độc lập. Theo kế hoạch hơn 3 vạn dân sẽ tập trung tại bãi cỏ rộng trong thành Đồng Hới để nghe phát sóng trực tiếp nhưng không được. Thay mặt ủy ban Ủy ban khởi nghĩa, anh Nguyễn Văn Đồng đọc tuyên ngôn độc lập do lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo (được trên gửi cho Việt Minh tỉnh từ trước). Cả rừng người lặng im phăng phắc. Khi anh dừng lại ở tiếng cuối cùng thì hơn 3 vạn người nhất loạt hô vang như sấm dậy 3 lần “Hồ Chí Minh muôn năm”. Tôi rưng rưng khi được biết người bạn lớn tuổi của mình bây giờ là người đứng đầu của Ủy ban khởi nghĩa, Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh và là một trong những cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Bình. Những năm tháng anh về học dự thính ở lớp thầy Tâm với mục đích giác ngộ học sinh và giáo viên trong nhà trường. Nói sao hết niềm vui sướng, tự hào của những cậu học trò nghèo như chúng tôi đã đứng lên làm chủ cuộc đời mình.
        Ngày mùng 5 tháng 9 năm 1945, tại sân bóng gần phủ đường Quảng Trạch tôi lại được gặp anh một lần nữa. Anh thay mặt đoàn đại biểu mặt trận Việt Minh nói chuyện với gần 3 vạn nhân dân kéo dài hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Anh chúc đồng bào đoàn kết, sống và sản xuất, công tác đúng như tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
        Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, đồng bào hăng hái tham gia xây dựng chế độ mới. Thanh niên trai tráng nô nức ghi tên vào đội tự vệ luyện tập quân sự. Anh Hoàng Thúc Cẩn phụ trách đội tự về số 3, Liên đội du kích thiếu niên Quảng Minh, do anh Nguyễn Văn Sung, quê ở Quảng Thuận làm giáo viên huấn luyện. Đơn vị anh Sung về huấn luyện quân sự cho các xã vùng Nam Quảng Trạch được gần ba tháng rồi lên tàu ra đi.
         Ngày 27-3-1947, giặc Pháp đổ bộ lên cửa biển Nhật Lệ và cửa Gianh. Được tin quân Pháp chuẩn bị mở cuộc càn quét vào vào các xã vùng Nam Quảng Trạch vào trung tuần tháng 6 năm 1947 nên Tỉnh ủy quyết định tăng cường cho một đại đội độc lập (thiếu một trung đội). Lúc đó anh Nguyễn Văn Đồng là Bí thư Huyện ủy, kiêm Huyện đội trưởng trực tiếp chỉ huy đại đội. Huyện quyết định bổ sung một trung đội của huyện vào đại đội cho đủ quân số.
         Ngày 15 - 6 - 1947, giặc Pháp cho một đại đội trang bị đủ đại liên, súng cối đánh Minh Lệ, làng tôi. Một cánh từ dưới Thanh Khê lên chợ Mới, một cánh theo Rào Nậy đổ bộ ở Lạc Giao hành quân qua núi đi dọc Rào Nan về Thọ Linh đánh xuống tạo thành hai mũi gọng kìm bao vây ta. Chúng đốt phá các làng Minh Lệ, để chuẩn bị đóng đồn. Bọn địch phát hiện được một trung đội của ta đang đóng quân dưới chân đồi Ông Tri, phía Nam cầu Minh Lệ liền chuyển hướng cho ca nô chạy vào nhánh Rào Son đổ bộ phía ngoài cầu Ngân Sơn rồi hành quân ra theo đường tàu ra. Chúng bí mật chiếm lĩnh điểm cao trên đồi Ông Tri bắn xuống. Quân ta vũ khí thô sơ nên dùng chiến thuật tiếp cận đánh giáp lá cà. Hai bên lao vào nhau, máu đỏ loang cả mặt đồi. Ca nô địch chạy theo Rào Nan lên Thọ Linh chở cánh quân tiếp viện xuống. Chúng đánh tập hậu sau lưng quân ta phía dưới bờ sông lên. Quân ta mở đường máu vừa đánh vừa rút vào rừng. Một số hy sinh trên đường rút lui, còn 7 người nằm ở trên đồi Ông Tri. Có một chiến sĩ bị thương chạy ven chân đồi phía Tây vào được hơn nửa cây số thì kiệt sức. Chiều tối, anh rể tôi là Hoàng Đề, gánh cơm đến cho bộ đội thì trận đánh đã kết thúc. Anh Đồng bố trí đại đội phục kích tại làng Hoà Ninh nên không gặp địch. Mãi sau này công nhân điện lực làm đường điện trên đồi ông Tri mới phát hiện được một hố chôn chung 7 liệt sĩ và nay xây một nghĩa trang liệt sĩ trên đồi.
         Tháng 6 – 1947 (tức tháng 5 âm lịch), giặc Pháp đóng đồn Minh Lệ. Ủy ban xã Minh Trạch (gồm 3 xã Quảng Minh, Quảng Sơn, Quảng Thủy ngày nay) tản cư lên vùng rú Hói Gió, bên kia sông Rào Nan. Lực lượng du kích trong làng tôi lên đường đi Vệ quốc đoàn gần hết. Các bạn tôi cũng tham gia nhập ngũ. Các anh Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Thúc Cẩn theo người anh trai là Hoàng Thúc Cảnh (sau này làm ở Văn phòng Phủ Chủ tịch) ra Chiến khu Việt Bắc. Tôi được ông Hoàng Khắc Quê (chủ tịch xã Minh Trạch) cử thay anh Hoàng Thúc Cẩn tổ chức lại đội du kích thiếu niên bắc Minh Lệ gồm một trung đội. Chúng tôi canh gác cho du kích và cán bộ cơ sở. Đêm đêm du kích đến bao vây, quấy phá đồn Minh Lệ, các chị phụ nữ bám sát đồn địch hò địch vận. Biết bao năm rồi mà tôi vẫn nhớ như in câu hò của các chị: “Anh ơi nghĩ lại mà coi/ Theo Tây làm bảo vệ như rước voi về nhà”. Hay: “Mau về với vợ với con/ Chết thay cho giặc chuốc oán hờn làm chi”. Đội du kích thiếu niên mưu trí bám sát đồn địch, thường xuyên báo cho du kích và bộ đội địa phương phục kích những toán địch đi nhỏ lẻ về đồn.
         Đêm 16 - 8 - 1947, du kích Minh Lệ phối hợp với bộ đội địa phương đón lỏng bọn địch càn quét về, diệt 13 tên Pháp và 30 tên ngụy. Bị du kích quấy rối mạnh, ngày 9 - 7 - 1948, địch rút khỏi đồn Minh Lệ lần thứ nhất. Năm 1949, giặc Pháp quay trở lại đóng đồn Minh Lệ lần hai.
        Tên Nguyễn Quý Huỳnh trước đây làm Phó Chủ tịch lâm thời xã Minh Trạch, theo giặc làm tay sai đắc lực. Hắn được bọn chúng bố trí làm lí trưởng làng Minh Lệ, kéo họ hàng ở xóm chợ Mới đi theo giặc. Huỳnh đã phục kích bắt được anh Hoàng Văn Chuể (Hoàng Thanh Hải) là anh trai thứ hai của tôi ở chiến khu về làng. Chúng treo ngược anh lên ở cây đa chợ Mới rồi đổ nước vôi vào mũi, dùng thanh tà vẹt đặt trên ngực anh mà dậm cho đến khi hộc máu ra mồm. Tưởng đã chết chúng vứt anh ra mép bờ sông Nan. Anh trai tôi được đưa lên chiến khu đến bốn tháng sau mới bình phục.
          Tháng 10 - 1949, trung đoàn 57 (Nghệ An) được Bộ Tư lệnh liên khu tăng cường cho mặt trận Quảng Bình. Tôi cùng 14 đội viên (gần một nửa số đội viên du kích thiếu niên Minh Lệ) sang tổ trinh sát quân báo tiểu đoàn 418 của trung đoàn 57. Tôi đã vận động được người bác họ làm hương kiểm (kiểm Tếnh) ở đồn hương vệ Hoà Ninh lấy súng địch nộp cho ta. Đêm đánh đồn hương vệ Hoà Ninh, bác Tếnh đã xung phong mở cửa đồn.
            Tiểu đoàn 418 cùng bộ đội địa phương và du kích các xã lần lượt nhổ hết các đồn hương vệ giải phóng một vùng rộng lớn trong huyện. Từ ngày 13 đến cuối tháng 12 - 1949, du kích địa phương kết hợp với tiểu đoàn 418 lại phục kích bao vây đánh đồn Minh Lệ, bắt được tù binh, thu vũ khí làm bọn địch không dám ra khỏi đồn. Vùng nam Quảng Trạch chỉ còn lại hai đồn Minh Lệ và Tiên Lệ nằm ở thế cô lập. Phía bắc sông Gianh địch chỉ còn lại một vị trí Ba Đồn.
         Ngày 27 - 2 - 1950, thực dân Pháp dùng 4 ca nô và hàng chục thuyền ồ ạt đổ bộ lên Phú Trịch, hòng chiếm lại vùng nam Quảng Trạch ta vừa giải phóng. Tiểu đoàn 418 cùng bộ đội Quảng Trạch đã tiêu diệt 120 tên, bắt sống được 10 tên, làm bị thương hàng trăm tên khác. Đội du kích thiếu niên Minh Lệ liên tiếp lập nhiều chiến công. Anh Trương Suốc, xóm bắc Minh Lệ bằng tay không đã quật ngã một tên bảo vệ quân khi hắn đang chạy về đồn Minh Lệ và thu một súng.
         Bị thất bại nặng nề ở mặt trận bắc sông Gianh, tháng 4 - 1950 địch hoảng hốt rút các đồn Troóc, Hà Lời, Cổ Giang, Cao Lao (Bố Trạch) và Minh Lệ, Tiên Lệ (Quảng Trạch). Tôi cùng anh em trong tổ trinh sát quân báo theo trung đoàn 57 chính thức gia nhập quân đội. Đơn vị tôi đến Non Nước (Hà Nam Ninh, nay thuộc tỉnh Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) có gặp anh Đồng Sỹ Nguyên một vài lần. Anh khen đội du kích thiếu niên Minh Lệ kiên cường, dũng cảm và mưu trí.  
          Hè năm 1960, tôi vào Ty Giáo dục Quảng Bình nhận nhiệm vụ năm học mới. Thầy Lương Duy Tâm bây giờ là cán bộ thanh tra của Ty. Hai thầy trò rủ nhau ra thăm Bàu Tró. Chiều cuối hạ nắng vàng như mật ong. Gió nồm đưa hơi nước từ biển Nhật Lệ lên mát rượi. Chúng tôi thả hồn trong kí ức, đi nhẩn nha dọc đường quốc lộ 1A, vừa đi vừa nói chuyện, ngắm cảnh hai bên đường.
        Chúng tôi đi được một cây số thì bỗng một chiếc xe jep chạy từ phía Bắc vào. Chiếc xe jep chạy quá đi một đoạn rồi dừng lại. Một anh bộ đội đội mũ bằng, chạy lên trước mặt. Người ấy đứng nghiêm, giơ tay chào thầy Tâm, theo tác phong quân sự: “Thưa thầy! Em là Đồng Sỹ Nguyên. Hiện nay em làm Cục trưởng Cục dân quân. Em vào kiểm tra khu vực Vĩnh Linh, thầy ạ!”. Thầy Tâm xúc động lắm, giọng thầy nghẹn ngào, run run: “Biết rồi! Tôi nhớ ra rồi”. Hai thầy trò ôm nhau thắm thiết. Một lúc sau anh quay lại về phía tôi, véo một cái vào má: “Tưởng hy sinh rồi chớ! Vẫn nhớ mặt nhưng mà quên tên”. Tôi mừng rỡ, vì anh đã nhận ra tôi. Tôi đáp: “Em nay đổi tên là Hoàng Hữu Thanh”. Thầy Tâm giới thiệu thêm: “Cậu ấy bây giờ chuyển sang ngành giáo dục rồi, Thanh vào Đồng Hới họp hiệu trưởng”.
         Anh giơ hai tay nắm chặt bàn tay thầy Tâm: “Thầy và chú Thanh tiếp tục đi dạo nhé! Khi nào ra Quảng Bình em sẽ ghé lại thăm thầy”.  Anh Nguyên đi rồi để lại trong lòng tôi một nỗi bùi ngùi khó tả. Bấy giờ anh đã là đại tá, Cục trưởng Cục dân quân. Chính hồi đang học Trường tiểu học Thọ Linh anh đã cùng thầy Tâm hoạt động bí mật. Anh đã giác ngộ cho thế hệ học trò chúng tôi đi theo cách mạng.
         Năm 1965, tôi làm Bí thư Đảng ủy của Trường sư phạm cấp 1 Quảng Bình. Đến năm 1970, cả 5 trường trong tỉnh sát nhập lại thành Trường Sư phạm Quảng Bình. Năm 1971, trường thành lập 1 tiểu đoàn phục vụ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Tư lệnh Mặt trận Trường Sơn là anh Đồng Sỹ Nguyên. Tôi trực tiếp giao quân cho Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch. Thầy giáo Nguyễn Văn Bảy, giáo viên dạy Hoá (người Hà Tĩnh), Bí thư Đoàn trường đã được trao trọng trách làm tiểu đoàn trưởng. Thầy Bảy nhận lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” mà Đảng ủy trao cho.
           Năm 1974, Trường sư phạm (10+3) Quảng Bình chuyển từ xóm Cà (Hoà Trạch, Bố Trạch) vào xóm Dét (Đồng Hới). Ty Giáo dục gợi ý cho Trường sư phạm vào Sở chỉ huy tiền phương Đoàn 559 đóng ở Hiền Ninh (Quảng Ninh) xin máy bơm nước cho bếp ăn của trường (máy dùng điện do Liên Xô sản xuất). Tôi gọi anh Trần Văn Tế, bên bộ phận tài vụ nhà trường cùng đạp xe vào. Bất ngờ tôi gặp lại anh Đồng Sỹ Nguyên. Anh kí giấy cho trường hai chiếc. (Lúc ấy anh là Tư lệnh bộ đội Trường Sơn).
          Tôi nhắc lại những kỷ niệm anh giác nộ chúng tôi đi theo cách mạng tại trường tiểu học Thọ Linh. Anh cười, tiếng cười hồn hậu như ngày nào. Anh nói: “Cậu được cái nhớ dai”. Chúng tôi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tham gia cách mạng. Về trường, tôi nói với anh Hoàng Đình Ngữ, bên phòng Giáo vụ: “Anh Nguyên có gửi lời thăm anh Ngữ”. Anh Ngữ xuýt xoa: “Anh may hơn tôi rồi. Từ năm 1954 đến giờ, tôi chưa một lần gặp lại anh ấy”.
            Ngày 2 - 4 (29 - 2 âm lịch) năm 2011, hai anh em Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Thiếu tướng Nguyễn Anh và Trung tướng Nguyễn Cường (cháu của anh Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Quân khu 4) cùng con cháu ở các nơi về tổ chức lễ mừng thọ cho cả 7 anh chị em ở xã Quảng Trung. Anh Nguyễn Hữu Ảnh, em trai út của anh Nguyên có gọi điện cho Hoàng Minh Đức, con trai tôi nói, anh Nguyên mời hai cha con tôi đến chơi. Anh Nguyễn Hữu Ảnh nói có cả đồng chí Hoàng Đăng Quang và đồng chí Lương Ngọc Bính về dự nữa. Con trai tôi vào Đồng Hới chở tôi ra nhưng mẹ của cháu đang bị cấp cứu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới thế là đành lỡ hẹn.
         Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên con người đã bao phen làm cho giặc Mỹ phải kinh hoàng; con người mà các tướng lĩnh phương Tây khâm phục bởi tài tạo ra một trận đồ bát quái xuyên rừng rậm. Con người ấy đã giữ vững tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh để hàng binh đoàn tiến ra mặt trận, góp phần làm nên một mùa Xuân đại thắng năm 1975...
         Tôi muốn giữ mãi kỷ niệm đẹp một thời cùng học chung một lớp với anh Đồng Sỹ Nguyên, cùng diễn kịch, ăn với anh những miếng cơm nắm trong đình chợ Thọ Linh...        
                                                                                                             Hoàng Hữu Thanh
(Trích hồi ký  “THỜI LỬA ĐẠN” Nxb Thuận Hóa năm 2013  của ông Hoàng Hữu Thanh do con trai Hoàng Minh Đức chép lại nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên). 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập714
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm679
  • Hôm nay16,496
  • Tháng hiện tại321,265
  • Tổng lượt truy cập39,841,054
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây