Thị xã Ba Đồn quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Thứ hai - 13/03/2023 10:36
Duy trì công việc ổn định và giải quyết việc làm mới cho khoảng hơn 2.000 lao động nông thôn là mục tiêu được thị xã Ba Đồn đặt ra trong năm 2023. Do vậy, ngay từ đầu năm, thị xã đã quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển ngành nghề nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
Đào tạo nghề may nón lá cho lao động nông thôn xã Quảng Văn.
Đào tạo nghề may nón lá cho lao động nông thôn xã Quảng Văn.
      Để thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm và duy trì ổn định việc làm cho người lao động, ngay từ đầu năm 2023, thị xã Ba Đồn đã tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp, đơn vị phục hồi sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm mới. Thị xã chú trọng thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động, đồng thời khuyến khích các xã, phường phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, nhân rộng nghề mới nhằm thu hút lao động nông nhàn tại địa phương. 
     Xác định tạo việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, thị xã Ba Đồn đã đẩy mạnh tuyên truyền, gắn công tác đào tạo nghề với GQVL, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm và tạo điều kiện cho LĐNT sau đào tạo nghề tìm được việc làm, giúp họ nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp, chương trình về hỗ trợ giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề theo quy định; chú trọng hỗ trợ tư vấn chính sách pháp luật, việc làm, sinh kế cho NLĐ.
   Bà Đỗ Thị Thanh Lâm- Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Ba Đồn cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trung tâm đã tổ chức khảo sát, điều tra thu thập số liệu về nhu cầu học nghề LĐNT trên địa bàn toàn thị xã để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo theo đúng nhu cầu, nguyện vọng của người học.
Nghề đan bèo lục bình đang tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương
Nghề đan bèo lục bình tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương..
      Ngoài việc phối hợp với các xã, phường để mở lớp, trung tâm còn bố trí các cán bộ, giáo viên, nhân viên về tận các địa bàn để tư vấn, tuyên truyền cho LĐNT biết về những chế độ chính sách của công tác đào tạo nghề, giúp người học chọn nghề thuận lợi, phù hợp với bản thân.
     Trung tâm cũng đã bám sát chủ trương phát triển kinh tế của các địa phương để lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn. Trong năm 2022, Trung tâm đã phối hợp với các xã triển khai công tác đào tạo 06 lớp nghề như: “Thêu ren trên nón lá” ở xã Quảng Hải, Quảng Văn; “Trông rau an toàn” ở xã Quảng Tân, Quảng Tiên; “Trồng và nhân giống nấm” ở xã Quảng Sơn, Quảng Thủy… Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân khi tham gia học nghề, trung tâm đã mở lớp học tại các xã trên địa bàn thị xã để  bà con vừa học tập, vừa lao động sản xuất; vừa tiếp thu lý thuyết, vừa được hướng dẫn thực hành. Do vậy, việc tiếp thu kiến thức và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của bà con nông dân được nhanh hơn và hiệu quả hơn. Nhiều học viên sau khi theo học đã  mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động.
     Chị Phạm Thị Trang- thôn La Hà Đông, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn chia sẻ: “Sau khi biết ở xã có mở lớp “thêu ren trên nón” thì tôi đã đăng ký tham gia để them một nghề mới, trong thời gian rảnh rỗi thì cũng có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.
   Bà Đỗ Thị Thanh Lâm- Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Ba Đồn cho biết thêm: “Trong năm học tới, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục công tác tư vấn, phân luồng học viên lớp 9, tư vấn chuyên sâu cho học sinh khối 12. Đối với học sinh của Trung tâm , học sinh các trường THPT trên địa bàn thị xã, đối với lĩnh vực đào tạo nghề, Trung tâm sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyển sinh, phối hợp với các đơn vị, xã phường để điều tra, khảo sát nhu cầu của lao động…”
     Theo bà Trương Thị Thanh Quỳnh- Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thị xã Ba Đồn, hàng năm đơn vị phối hợp với ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường rà soát số lượng lao động chưa qua đào tạo; tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Đặc biệt, quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Bà Quỳnh chia sẻ thêm:
      Năm 2022, phòng đã tham mưu UBND thị xã mở các lớp đào tạo nghề cho LĐNT; phối hợp với Sở LĐ-TB-XH tổ chức hội nghị tư vấn, định hướng về di cư an toàn và cơ hội việc làm cho NLĐ trở về từ vùng dịch phía Nam trong đại dịch Covid-19 trên địa bàn thị xã Ba Đồn . Thị xã cũng phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động; rà soát số lượng NLĐ hết hạn hợp đồng trở về nước để kịp thời hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp. Thị xã đã chỉ đạo các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động và giới thiệu các công ty tuyển dụng ở nước ngoài, tập trung ở các nước: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc..
     Bên cạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, thị xã Ba Đồn cũng đã chỉ đạo các xã, phường phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã, các phòng chức năng tiến hành rà soát, phân loại đối tượng hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo có nhu cầu vay vốn đầu tư tiếp cận được với các nguồn vốn phát triển sản xuất, nâng cao mức thu nhập, cải thiện cuộc sống. Để phát huy tốt hiệu quả của chương trình cho vay GQVL, thị xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn, định hướng cho người dân đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
      Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn Nguyễn Văn Tình, năm 2023, thị xã Ba Đồn đề ra chỉ tiêu GQVL cho gần 2.000 lao động. Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho nhân dân nhận thấy được tầm quan trọng của giáo dục dạy nghề, thị xã sẽ tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế; đồng thời, kết nối doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động sau đào tạo, xem đây là giải pháp quan trọng góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tác giả bài viết: Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập496
  • Hôm nay17,770
  • Tháng hiện tại322,539
  • Tổng lượt truy cập39,842,328
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây