Thị xã Ba Đồn bảo tồn, phát triển văn hóa đô thị văn minh
Thứ hai - 17/04/2023 18:37
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Trung ương IX (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kế hoạch số 165-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình thực hiện Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về văn hóa, Đảng bộ thị xã Ba Đồn đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng thị xã ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phía Bắc của tỉnh Quảng Bình.
Để bảo tồn, phát triển văn hóa đô thị văn minh, thị xã đã tập trung xây dựng con người thị xã phát triển toàn diện trên cơ sở phát huy giá trị truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa tốt đẹp của quê hương; xây dựng, phát triển toàn diện về trí tuệ, văn minh, thanh lịch đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững; đặt con người vào trung tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội; hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, văn học, nghệ thuật, khoa học vào việc xây dựng con người Ba Đồn trên cơ sở phát huy các giá trị truyền thống yêu nước, nghĩa tình, đoàn kết, tự tin, năng động, sáng tạo, kỷ luật,... hài hòa với xu hướng phát triển văn hóa hiện đại, tiên tiến, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ hội nhập, phát triển.
Các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tác động sâu rộng đến các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng các phường đạt chuẩn văn minh đô thị, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới... Đời sống văn hóa ở cơ sở phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Thị xã đã tổ chức tốt các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống, như: Lễ hội Phan Long (phường Ba Đồn), lễ hội Khai hạ và cướp cù (phường Quảng long), lễ hội Đình làng Lũ Phong (phường Quảng Phong); các trò chơi dân gian, như: Đua thuyền truyền thống, Bài chòi, Cướp cù, Đàn và hát dân ca, ca trù,…
Phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp. Bên cạnh các loại hình văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống đã xuất hiện ngày càng nhiều những loại hình mới như yoga, thể dục nhịp điệu, dưỡng sinh, nhảy dân vũ… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở ngày càng phong phú, lành mạnh. Để tạo nền tảng cơ sở cho phát triển văn hóa, thị xã đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác chỉnh trang đô thị, hoàn thiện vững chắc các tiêu chí của đô thị loại IV hướng đến xây dựng thị xã Ba Đồn trở thành đô thị thông minh. Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn thị xã được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Từ năm 2010 đến nay, thị xã đã đầu tư cho hoạt động văn hóa và xây dựng các thiết chế văn hóa với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Nhân dân thị xã đã tự nguyện đóng góp hàng chục tỷ đồng cùng chính quyền các cấp xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Nhiều công trình được xây dựng đưa vào sử dụng có hiệu quả. Hiện nay, tất cả các thôn, tổ dân phố đều có nhà văn hóa, hơn 90% thôn, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Để xây dựng thị xã văn minh, hiện đại, trong những năm qua, thị xã đã gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị. Kinh tế ngày càng phát triển toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Nổi bật là thị xã đã tập trung đẩy mạnh dịch vụ, thương mại đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng hạ tầng đô thị được đầu tư. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự và an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền ngày càng được thể hiện rõ; đoàn kết trong Đảng bộ và đồng thuận trong xã hội được tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa trên địa bàn thị xã Ba Đồn thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, như: Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng vào thực tiễn địa phương có mặt còn thiếu đồng bộ, hiệu quả. Sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ về văn hóa có lúc chưa thường xuyên. Chất lượng gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa một số nơi có mặt còn hạn chế. Môi trường văn hóa vẫn còn có biểu hiện thiếu lành mạnh. Hệ thống thiết chế văn hóa có nơi hiệu quả hoạt động chưa cao,… Để xây dựng thị xã Ba Đồn trở thành đô thị văn minh, hiện đại, Đảng bộ thị xã xác định: Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; tập trung xây dựng con người thị xã phát triển toàn diện; tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh; nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa các hoạt động văn hóa cơ sở, nhất là các hoạt động văn nghệ quần chúng; chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII); gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa;… Với sự thống nhất về ý chí, hành động của cả hệ thống chính trị và những tiềm năng, thế mạnh riêng có, tin rằng, văn hóa sẽ tiếp tục thấm sâu vào tất cả các mặt của đời sống xã hội của thị xã Ba Đồn, góp phần xây dựng thị xã ngày càng phát triển, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phía Bắc của tỉnh Quảng Bình.