Thị xã Ba Đồn: Chung tay hành động “Chống rác thải nhựa” vì một hành tinh xanh
Thứ ba - 13/08/2019 06:15
Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn. Vì vậy hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần ngay hôm nay và ngay bây giờ.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Trong đó, theo số liệu thu gom lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã Ba Đồn phát sinh trong 1 tháng là gần 2.000 tấn, với hiệu suất thu gom là hơn 82%. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".
Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Nhận thức rõ vấn đề này, trong thời gian qua, các cấp chính quyền thị xã Ba Đồn đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư... để khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon và từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi.
Phát động phong trào chống rác thải nhựa, các ban ngành, đoàn thể, đơn vị địa phương trên toàn thị xã Ba Đồn cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa và túi nilon dùng một lần”; chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước... Thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nylon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư… Cần thường xuyên treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, như “ Mang theo túi đựng có thể tái sử dụng để hạn chế túi nilon khi đi mua sắm hàng hóa”, “Dùng chai lọ thủy tinh để đựng đồ thay cho chai lọ nhựa”, “ Không dùng đồ đựng thực phẩm bằng nhựa”, “ Không dùng vật dụng như đũa, muỗng, nĩa, chai, ly, hộp, ống hút...bằng nhựa dùng một lần”, “ Ưu tiên mua sản phẩm dùng trong hộp giấy thay vì hộp nhựa”, “ Bỏ rác đúng nơi quy định – hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”. Những cuộc phát động các phong trào, với những khẩu hiệu trên sẽ có tác dụng trực tiếp tới giác quan và dần sẽ tác động đến nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp, dần từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, loại bỏ túi nilon và sản phẩm nhựa. Huy động được sức mạnh của toàn thể cộng đồng chung tay giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị xã. Đảm bảo việc hưởng ứng phong trào phải được tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực và duy trì thường xuyên.
Để hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, mỗi một người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường tận dụng, tái sử dụng, tái chế rác thải; hình thành thói quen sinh hoạt giảm phát sinh rác thải, nhất là rác thải nhựa; thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Vì hôm nay, vì ngày mai, vì một môi trường sống trong lành. Hãy chung tay xây dựng một môi trường xanh-sạch-đẹp và nói không với rác thải nhựa.
Tác giả bài viết: Lan Anh