DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH LÀNG PHAN LONG

Thứ sáu - 06/10/2023 05:34
Phan Long xưa, phường Ba Đồn nay là vùng đất phù sa cổ nằm về phía bờ Bắc sông Gianh, con sông lớn nhất ở Quảng Bình. Vùng đất này từ xưa đã có dấu tích của người nguyên thủy vào thời đại hậu kỳ đồ đá mới cách ngày nay trên dưới 5000 năm. Dấu tích cư trú và sinh hoạt của cư dân nơi đây nằm dưới các tầng văn hóa của di chỉ Ba Đồn 1 và Ba Đồn 2.
Đình làng Phan Long
Đình làng Phan Long
Đình làng Phan Long được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê Trung Hưng (1533-1789). Đình quay mặt về hướng chính Bắc. Kiến trúc của đình theo lối chữ công truyền thống gồm một đình chính 3 gian 2 chái, phía sau là đình hậu, thấp nhỏ hơn. Đình được làm bằng các loại gỗ quý; kèo, xà, rường được chạm trổ tinh xảo với những phù điêu Long, Lân, Quy, Phượng; Ngư, Tiều, Canh, Mục. Đình có kết cấu mái cong, gọi là đao mái, mái cong thanh thoát, nhẹ nhàng là một nét đặc trưng nghệ thuật độc đáo của kiến trúc gỗ truyền thống Việt Nam, trên đỉnh mái gắn hình tượng Lưỡng long chầu nguyệt.
Đình Làng Phan Long là nơi thờ Thành hoàng làng Nguyễn Đức Tuân và các vị tiên hiền, những người có công khai phá, bảo vệ và che chở cho dân làng trong lao động cũng như trong đời sống hàng ngày; là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và cũng là nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương qua các thời kỳ. Đặc biệt sau cách mạng, đình là nơi làm việc của chính quyền mới, nơi hội họp của dân làng, nơi dân quân luyện tập.
Thành hoàng làng Nguyễn Đức Tuân, quê gốc ở Hải Dương, dân gian gọi là Quan Tả do Ngài được phong tước Tả quận công. Ngài Nguyễn Đức Tuân là một trung thần thời Hậu Lê, từng làm quan đứng đầu cai quản Bắc Bố Chính. Khi vào đây lập nghiệp, Ngài đã cùng con cháu và dân làng khai hoang, mở đất, xây dựng nên làng xóm ngày càng trù phú, đông đúc. Trong thời gian cai trị, Ngài hết lòng chăm lo đời sống cho Nhân dân trong vùng và là một thầy thuốc giỏi, giàu y đức, suốt đời làm quan cũng là suốt đời làm thuốc cứu người. Nhân dân yêu mến, kính phục Ngài không chỉ vì đức trị mà còn cả đức y. Sau khi qua đời, thành hoàng Nguyễn Đức Tuân được vua Lê truy phong Dực bảo Trung hưng Linh phù và Đoan Túc tôn thần. Để ghi nhớ công lao đối với quê hương, Nhân dân địa phương đã đặt ban thờ Ngài ở nơi trang nghiêm của chính điện đình làng Phan Long.
Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, đình làng thuộc thôn Phan Long, xã Đại Đan, tổng Thuận Bài, phủ Quảng Trạch. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, đình làng thuộc xã Thuận Trạch, huyện Quảng Trạch; năm 1953, xã Thuận Trạch chia làm 2 xã, đình làng Phan Long thuộc xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch. Sau ngày thành lập thị trấn (26/6/1958), đình thuộc thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch. Ngày 20/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125-NQ/CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quảng Trạch để thành lập thị xã Ba Đồn gồm 6 phường và 10 xã trực thuộc; cũng từ đó đến nay, đình làng thuộc phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn.
Trong phong trào cách mạng, Đình làng Phan Long không chỉ là nơi hội họp, nơi sinh hoạt văn hóa mà còn là nơi ghi dấu biết bao sự kiện lịch sử của địa phương trước cách mạng tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược.
Phan Long - Ba Đồn là một địa bàn có vị trí quan trọng. Nơi đây có dòng sông Gianh chảy qua, có chợ Phiên truyền thống buôn bán sầm uất, là nơi giao thương trong Nam ngoài Bắc ra vào tấp nập. Do đó, sự thâm nhập của các nhà tư tưởng, trào lưu cách mạng vào vùng đất này là khá sớm và sâu sắc. Nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi cho hoạt động cách mạng, đã trở thành địa bàn cho những người yêu nước, căm thù bọn thực dân và tay sai liên lạc, móc nối với nhau để hoạt động. Nhiều chiến sĩ cách mạng đã về đây để hoạt động gây dựng phong trào, nhất là những chiến sĩ của phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.      
Tháng 3 năm 1926, nhà chí sĩ Phan Bội Châu nhận lời mời của học sinh Bắc Hà ra chơi Hà Nội, trên đường đi cụ đã ghé thăm và nghỉ chân tại nhà ông Thuận Phát ở Phan Long. Tại đây, cụ đã tổ chức một buổi nói chuyện về tư tưởng cách mạng và tinh thần dân tộc bằng các áng thơ văn như: ‘Hải ngoại huyết thư’, ‘Đề tỉnh quốc dân hồn’… Cuộc nói chuyện đã thu hút rất nhiều tầng lớp Nhân dân trong phủ tham gia. Tất cả mọi người đều háo hức, chú ý lắng nghe, một số còn chép tay thành nhiều bản để lưu giữ và phổ biến rộng khắp. Lúc này, đình làng  chính là nơi hội tụ để các thanh niên, học sinh, sinh viên trao đổi, chuyền tay nhau bài nói chuyện của cụ Phan Bội Châu. Nhờ vậy, người dân ở đây, từ tầng lớp trí thức đến người lao động đều sớm tiếp nhận những luồng tư tưởng, những xu hướng chính trị tiến bộ lúc bấy giờ.
Ngày 03 tháng 02 năm 1930, sự  ra đời của Đảng Cộng sản đã đưa cách mạng Việt Nam bước sang một bước ngoặt quan trọng, một thời kỳ mới, thời kỳ có Đảng lãnh đạo. Lúc này các phong trào chống Pháp, giành độc lập tự do phát triển mạnh mẽ khắp cả nước mà điển hình là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, tiêu biểu có các đồng chí: Nguyễn Nhoạn, Đồ Trường, Trần Đỉnh, Trần Đoan… Tại đây, các đồng chí đã kết nối với các nhân tố tiến bộ trong vùng như anh Hoàng Lai, anh Quả,... để thành lập nên một nhóm chống Pháp. Trong thời gian hoạt động ở Phan Long, đình làng được các đồng chí chọn làm nơi gặp gỡ, trao đổi công việc. Cũng chính tại đây, các tầng lớp Nhân dân đã được truyền bá tư tưởng cách mạng tiến bộ, xây dựng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu để lật đổ bọn cầm quyền và bè lũ tay sai, giành lại độc lập tự do.
Tháng 3 năm 1937, cuộc bầu cử Nghị viện Trung Kỳ được triển khai. Theo chủ trương của các cơ sở Đảng ở Quảng Bình, tổ Trung Kiên đã vận động cử tri dồn phiếu cho người của Mặt trận Dân chủ. Quần chúng Nhân dân, các tầng lớp nhân sĩ, trí thức, đặc biệt là thanh niên đã tập trung tại đình làng Phan Long để hưởng ứng cuộc vận động này. Kết quả là ông Nguyễn Xuân Các, đảng viên Đảng Tân Việt, thành viên Mặt trận Dân chủ đã trúng cử với số phiếu áp đảo. Thắng lợi của cuộc bầu cử đã chứng tỏ sự trưởng thành về mặt tổ chức cũng như lãnh đạo của tổ Trung Kiên. Đây chính là cơ sở để tiến tới thành lập chi bộ Đảng Phan Long vào tháng 2 năm 1943 gồm 3 đồng chí: Hoàng Lai, Trần Đích và Cổ Kim Thành; đồng chí Hoàng Lai được cử làm Bí thư.
Ngày 17/8/1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh tỉnh đã được triệu tập ở Đồng Hới để nghe đồng chí Tố Hữu truyền đạt lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương. Hội nghị đã thống nhất lấy ngày 23/8/1945 làm ngày Tổng khởi nghĩa chung trong toàn tỉnh. Cuộc khởi nghĩa đã thành công, chính quyền mới được thành lập.
Ngay sau đó, tại đình làng Phan Long đã tổ chức lễ ra mắt của Ủy ban Cách mạng lâm thời, gồm các đồng chí:
Đồng chí Nguyễn Quang Đạng - Chủ tịch.
Đồng chí Nguyễn Xuân Các - Ủy viên tư pháp.
Đồng chí Cổ Kim Thành - Chủ nhiệm Việt Minh.
Đồng chí Nguyễn Cúc - Ủy viên tuyên truyền.
Đồng chí Nguyễn Phúc Thông - Ủy viên dân sinh.
Đồng chí Nguyễn Khắc Vi - Tiếp quản hồ sơ, tài liệu.
Đồng chí Hồ Danh - Ủy viên dân sự.
Dòng người kéo về đây tấp nập trong niềm hoan ca chiến thắng, sân đình rợp cờ hoa. Người dân từ đây đã thoát khỏi ách nô lệ, được hưởng cuộc sống độc lập tự do. Sau khi giành được chính quyền, chi bộ Phan Long họp bàn bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống nhân dân, đề ra nhiều nhiệm vụ mới trên các lĩnh vực.
 Ngày 15/4/1947, quân Pháp tiến đánh và chiếm đóng Phan Long - Ba Đồn. Chúng âm mưu xây dựng nơi này thành căn cứ đủ mạnh để hy vọng có thể mở rộng được khu vực chiếm đóng ra vùng Bắc Quảng Trạch và đánh sâu vào hậu phương của ta đến tận Tuyên Hóa.
Trước tình hình đó, ngày 25/8/1948, đội tự vệ Phan Long được thành lập do đồng chí Trần Đích làm trung đội trưởng, đồng chí Nguyễn Báu Châm làm Trung đội phó. Để nâng cao chất lượng đội viên, sẵn sàng phục vụ chiến đấu, Đội tự vệ đã thường xuyên tập trung ăn ngủ tại đình làng và rèn luyện võ nghệ với các nội dung như: thảo trường kiếm do ông Trần Mạnh Tiễn huấn luyện, đoản kiếm do ông Sáu Hữu phụ trách, thảo siêu do ông Đích huấn luyện.
Chi bộ đã lãnh đạo Nhân dân Phan Long đứng lên đấu tranh đập tan âm mưu của thực dân Pháp. Đình làng Phan Long trở thành nơi trú quân và huấn luyện quân sự của bộ đội địa phương, các cuộc họp nhằm bàn bạc cách đối phó với địch được tổ chức bí mật. Đây cũng là nơi dân quân ra sức tập luyện để phát triển lực lượng; đồng thời cũng là điểm xuất phát những trận tập kích, phục kích đánh đồn Pháp. Nhờ vậy, sau một thời gian đấu tranh anh dũng và quyết liệt, đến năm 1949, ta đã đập tan âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, bọn địch ở Phan Long - Ba Đồn rơi vào thế hoàn toàn bị cô lập, tương quan lực lượng giữa ta và địch được cân bằng.
Thời cơ thuận lợi đã tới, Phân khu Bình Trị Thiên và Tỉnh ủy Quảng Bình đã quyết định tiêu diệt hai cái đồn lớn của địch là Ba Đồn và Mỹ Hòa để quét sạch phòng tuyến Bắc Gianh của chúng.
Đêm 30 tháng 5 năm 1952, chiến dịch giải phóng Ba Đồn - Mỹ Hòa bắt đầu. Ở Mỹ Hòa chỉ trong vòng một đêm ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm này. Tại Ba Đồn cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt. Sau gần 4 giờ đồng hồ giao tranh, các mũi tấn công của ta đều bị địch đánh bật trở lại. Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho bộ đội ta tạm lui quân, tranh thủ củng cố lại lực lượng, tối hôm sau tiếp tục tấn công.
Đúng như kế hoạch, tối 31 tháng 5 năm 1952, quân ta mở cuộc tấn công quyết định. Bọn địch ở Ba Đồn mặc dù lực lượng khá đông, lại được một tiểu đoàn Âu Phi từ Đồng Hới ra và quân ở Thanh Khê tiếp viện, nhưng trước sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cùng với tinh thần chiến đấu anh dũng của ta, chúng đã chịu thất bại. Sáng ngày 01 tháng 6 năm 1952, trận đánh kết thúc thắng lợi, Ba Đồn hoàn toàn giải phóng. Tất cả mọi người tập trung về đình làng để cùng vui niềm vui chiến thắng, cùng nhau tin tưởng vào một giai đoạn mới, vào một tương lai tươi sáng hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chiến thắng Ba Đồn - Mỹ Hòa có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, Ủy ban Kháng chiến hành chính Quảng Bình đã nêu rõ: “Vùng giải phóng Ba Đồn không những quan trọng về quân sự mà còn rất quan trọng với vấn đề chính trị, kinh tế và nó không phải quan trọng riêng với Quảng Bình mà còn quan trọng với cả Liên khu”. Với chiến thắng này, Đảng bộ và Nhân dân Ba Đồn nói riêng, huyện Quảng Trạch nói chung (nay là thị xã Ba Đồn) đã góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vào ngày 07/5/1954 buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Ngày 26/6/1958, Ủy ban Hành chính Liên khu IV có quyết định tách Ba Đồn ra khỏi xã Quảng Long thành lập đơn vị hành chính cấp thị trấn. Tháng 7/1958 Huyện ủy quyết định thành lập chi bộ Đảng Ba Đồn. Đại hội chi bộ Đảng lần thứ I và lần thứ II, đồng chí Nguyễn Xuân Kiện được bầu làm Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên liên tục hai nhiệm kỳ (từ năm 1958 đến tháng 12 năm 1960). Năm 1961, Huyện ủy Quảng Trạch ra quyết định thành lập Đảng bộ Ba Đồn. Ngay sau đó, Đảng bộ đã tiến hành họp lần thứ nhất tại đình làng. Đây được coi là Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 1961 - 1962. Đại hội có 71 đảng viên tham dự, trong đó đã bầu ra 07 đồng chí vào Ban Chấp hành. Đồng chí Nguyễn Cẩm giữ chức Bí thư, đồng chí Nguyễn Phi Phổ được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch thị trấn.
Sau thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ âm mưu “Mỹ hóa” cuộc chiến tranh ở miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ mở đầu cuộc tấn công miền Bắc bằng không quân. Ba Đồn là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Nơi đây có đường Tỉnh Lộ từ Tuyên - Minh Hóa chạy qua về phía Đông nối với đường Quốc lộ 1A, phía Nam là dòng sông Gianh rộng lớn. Đây còn là một trong những vùng đất tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Đình làng lúc này là nơi làm việc của Hợp tác xã, nơi cất dấu vũ khí, hàng hóa, lương thực, thuốc men, trở thành trạm tập kết hàng trung chuyển của Binh trạm 12, 14, 16 thuộc Đoàn 559. Tại đây, đã diễn ra các cuộc tiễn đưa thanh niên lên đường tòng quân, các đoàn dân công hăng hái đi phục vụ chiến trường, làm cho đình làng càng trở nên gần gũi, gắn bó với người dân nơi đây.
Từ năm 1965 - 1969, đế quốc Mỹ đã ném xuống Ba Đồn hàng trăm tấn bom đạn, Đình làng Phan Long cũng trở thành mục tiêu oanh tạc thường xuyên của địch và đã bị phá hủy hoàn toàn. Cột kèo, rường xà, gạch đá còn lại của ngôi đình được địa phương dùng vào những việc vô cùng ý nghĩa. Phần được lát đường cho xe ra tiền tuyến, phần được dùng xây dựng trận địa pháo bảo vệ quê hương, phần dùng làm nhà hầm cho trạm xá, cho trụ sở làm việc của Đảng ủy, Ủy ban.
Có thể nói, trong những năm tháng khó khăn đầy gian khổ, hy sinh chống lại 02 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, Đình làng Phan Long cùng người dân nơi đây đã góp một phần không nhỏ vào công cuộc chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, đẩy nhanh sự nghiệp thống nhất đất nước. Ngày 22/8/1998 Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân  cho cho cán bộ và Nhân dân thị trấn Ba Đồn. Đây là một vinh dự và tự hào cao cả, lớn lao của Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Ba Đồn trong chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân; được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền, Đình Làng được khởi công xây dựng lại vào ngày 26/02/2007 (nhằm ngày 10 tháng 01 năm Đinh Hợi). Với tâm huyết, yêu đất mẹ quê hương, ông Nguyễn Xuân Đức là doanh nhân thành đạt, đã chủ tâm đóng góp phần lớn kinh phí, chủ trì thiết kế, trực tiếp xây dựng lại Đình làng trên nền đất cũ, hướng cũ; triển khai việc phục dựng lại Án tự, tạc Tượng để thờ cúng Ngài Thành Hoàng, xây dựng Miếu Thờ Ngài và đầu tư làm mới lại hai giếng làng (giếng Cau và giếng Cát) nhằm mục đích khai thông Long Mạch. Số tiền anh Đức đã đầu tư xây dựng lại Đình làng là 27 tỷ 193 triệu đồng trên tổng số tiền đầu tư là 29 tỷ 368 triệu đồng, tương đương 92,5% tổng giá trị đầu
tư. Lễ khánh thành Đình làng vào ngày 28/02/2010 (nhằm ngày 15 tháng 01 năm Canh Dần
Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN và Nhân dân phường Ba Đồn long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh, đối với Đình làng Phan Long Ba Đồn thuộc phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình (kèm theo Quyết định số 2045/QĐ UBND ngày 06/7/2021 của UBND tỉnh Quảng Bình).
d2
Đồng chí Trần Thắng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao Bằng xếp hạng di tích lịch sữ cấp tỉnh Đình làng Phan Long phường Ba Đồn

Từ khi được xây dựng lại, Đình làng Phan Long luôn được chính quyền và Nhân dân phường Ba Đồn quan tâm quản lý sử dụng, bảo vệ  tốt. Hình ảnh Đình làng gắn liền với đời sống bao thế hệ người dân, mãi mãi là hình ảnh khó phai mờ, chất chứa biết bao kỷ niệm, ân tình của làng quê. Đối với người dân Phan Long nói riêng và người dân Ba Đồn nói chung, những giá trị văn hóa, lịch sử của Đình làng sẽ mãi tồn tại và đi cùng năm tháng với người dân hôm nay, cũng như được bảo tồn, trao truyền và phát huy cho những thế hệ kế tiếp về nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của các thế hệ cha ông, lớp người đi trước đã quên mình đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương.

 

Tác giả bài viết: Đoàn phường Ba Đồn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập110
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay14,752
  • Tháng hiện tại464,021
  • Tổng lượt truy cập40,733,552
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây