Làng Lâm Xuân, xã Quảng Thủy lúc đó một là địa danh thuộc xã Minh Trạch, huyện Quảng Trạch (đến năm 1955 xã Minh Trạch chia tách thành 3 xã: Quảng Sơn, Quảng Thủy, Quảng Minh). Tại đây, những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy đảng và lực lượng Việt Minh xã Minh Trạch, quân và dân làng Lâm Xuân đã thực hiện “tuần lễ hạ rầm” (tháo dỡ các tấm lát sàn trần nhà), sử dụng các loại vật liệu sẵn có để xây dựng hệ thống giao thông hào, vọng gác tiền tiêu, hình thành trận địa đánh địch tập kích bảo vệ làng quê, thôn xóm. Theo lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thủy tập I (1930 - 2000) ghi lại thì đây là chiến công và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ tự vệ, dân quân du kích và quần chúng nhân dân trong trận chống càn diễn ra vào ngày 3-4-1947 (nhằm ngày 12-2 nhuận Đinh Hợi).
Ngày 3-4-1947 không ai ngờ rằng đó lại là ngày ra đi mãi mãi của 49 người con làng Lâm Xuân. Khoảng 8 giờ sáng hôm đó, 2 ca nô chở quân giặc ngược sông Gianh đổ bộ bến đò chợ Nấp làng Tiên Lệ (nay là xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn) để càn quét tìm diệt Việt Minh, đốt phá nhà cửa làng mạc từ Tiên Lệ qua Lâm Xuân về Minh Lệ. Nhận được thông tin, lực lượng Việt Minh làng Lâm Xuân đã huy động 30 cán bộ chiến sỹ tự vệ do đồng chí Nguyễn Xuân Đại chỉ huy, 3 trung đội dân quân du kích trên 100 người do đồng chí Nguyễn Huyến chỉ huy, bố trí trận địa theo giao thông hào, các vọng gác và tác chiến theo địa hình địa vật nhằm tạo thế bất ngờ đánh địch, không để chúng càn phá làng quê. Vừa hoàn thành bố trí trận địa thì cũng là lúc quân địch càn về làng Trung Thôn (nay là xã Quảng Trung). Tại đây chúng vấp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng Việt Minh nhưng do địch có súng ống nên ta không đủ sức ngăn chặn, chúng tiếp tục càn về Lâm Xuân. Khi đến địa phận Lâm Xuân chúng bất ngờ bị lực lượng của ta mai phục từ các giao thông hào, vọng gác lao vào giáp lá cà dùng giáo mác chiến đấu làm bị thương nhiều tên địch. Tuy nhiên, do vũ khí thô sơ nên ta không chặn được bước tiến của địch. Sau khi vượt qua được lực lượng của ta tại đây, quân địch tiếp tục chia làm nhiều toán sử dụng súng máy chiếm lĩnh các điểm cao, nã đạn vào các điểm mai phục của ta làm nhiều cán bộ chiến sỹ của ta hy sinh và bị thương. Mặc dù biết rằng, tương quan lực lượng và vũ khí không cân sức nhưng với quyết tâm và lòng quả cảm các chiến sĩ tự vệ, dân quân du kích Lâm Xuân trên mỗi điểm chốt của trận địa vẫn quyết sống chết với quân thù. Tiêu biểu là mũi chặn đánh địch nơi giáp ranh giữa làng Biểu Lệ (nay là xã Quảng Trung) và làng Lâm Xuân, chiến sĩ Trần Yển tuy đã bị thương nhưng vẫn xông lên đâm bị thương một tên lính càn trước khi hy sinh. Mũi chốt chặn đánh địch tại giếng Khe Mã dưới chân núi Động Ngùi nhiều chiến sỹ quả cảm gan lỳ đánh giáp lá cà buộc địch phải co cụm lại. Mũi chốt chặn đánh địch tại địa phận xóm Nam của làng, các chiến sĩ Trần Nghiêng, Trần Quyễn vật lộn, dùng mác lào (một loại vũ khí cầm tay) đâm bị thương địch trước khi hy sinh...
Chiều tối cùng ngày trận chiến đấu kết thúc, mặc dù lực lượng tự vệ, dân quân du kích làng Lâm Xuân chưa tiêu diệt, ngăn chặn được trận càn nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường cũng đã làm hạn chế sự đốt phá, chém giết dân thường của địch. Trong trận đánh một mất, một còn này làng Lâm Xuân có 74 ngôi nhà bị địch đốt phá, 49 người, trong đó có 39 tự vệ, dân quân du kích hy sinh, tử trận, nhiều đồng chí rơi vào cảnh thương tâm bị chúng giết, đốt xác.
Sau trận đánh đến nay, cứ đến ngày 12-2 âm lịch hàng năm cả làng lại cùng có một ngày giỗ chung cho 49 người hy sinh và tử trận. Trận cống càn này mặc dù bị tổn thất nặng nề, nhưng có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao bản lĩnh, kinh nghiệm, tổ chức, chỉ đạo đánh địch của cấp ủy, dân quân du kích làng Lâm Xuân nói riêng, huyện Quảng Trạch nói chung trong các cuộc kháng chiến sau này. Đây cũng là sự kiện tô thắm thêm trang sử vẻ vang trong lịch sử của Đảng bộ và nhân dân làng Lâm Xuân nay là xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn. Ghi nhận ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của trận chống càn trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 27/7/2021 UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 2367/QĐ-UBND công nhận “Trận chống càn làng Lâm Xuân” là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Địa chỉ Website: badontv.vn
Tên gọi:
BĐRT (BaDon Radio Television)
Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn.
Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...