Đình làng Phan Long, "chứng nhân" lịch sử vùng đất Ba Đồn

Chủ nhật - 13/02/2022 07:52

Đình làng Phan Long, "chứng nhân" lịch sử vùng đất Ba Đồn

 Có lịch sử hàng trăm năm, đình làng Phan Long, phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) gắn liền với những mảnh trầm tích thời gian và mang đậm dấu ấn về vật chất, tinh thần của con người, vùng đất nơi này.
Qua nghiên cứu nhiều tài liệu, thư tịch, hầu hết đều không đề cập cụ thể mốc thời gian hình thành làng Phan Long xưa và nay là Ba Đồn cũng như các làng xã vùng Bắc Quảng Bình. Tuy nhiên, sách "Quảng Bình thắng tích lục" của Trần Kinh-Nguyễn Kinh Chi viết: "Về đời Hồng Đức, phía nam Quảng Bình dân cư đã tiệm đông, nhưng ở phía bắc tức châu Bố Chánh (Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch) vì ruộng xấu, đất cao, sinh kế khó khăn nên dân cư thưa thớt lắm. Năm 1467, nhân có lời xin của quan thừa chánh sứ tư tham nghị Thuận Hóa là ông Đặng Chiêm, vua bèn hạ dụ chiêu tập dân gian vào khai khẩn ở châu Bố Chánh. Kể từ đó lần lần mới có người vào sinh cơ lập nghiệp ở phía Bắc Quảng Bình".
 
Đến năm 1471, sau khi hộ giá vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành trở về, nhiều quan lại, tướng tá dưới quyền dẫn theo gia quyến ở lại định cư, lập nghiệp ở vùng Bắc Quảng Bình hiện nay. Các làng cổ, như: Phan Long, Tượng Sơn, Chính Trực, Pháp Kệ... cũng bắt đầu được định danh từ đây.
Người dân tham gia lễ tế Thành Hoàng Nguyễn Đức Tuân vào rằm tháng Giêng.
Người dân tham gia lễ tế Thành Hoàng Nguyễn Đức Tuân
vào rằm tháng Giêng.

Riêng vùng đất Phan Long, người đầu tiên có công lớn dẹp Chiêm Thành, khai khẩn vùng đất này là cụ Nguyễn Đức Tuân. Nguyễn Đức Tuân không những là vị quan hết lòng chăm lo cho dân mà còn là một vị lương y tài giỏi, giàu y đức. Người dân địa phương còn kính cẩn gọi ngài là quan Tả, do ngài được phong tước Tả Quận công. Ngài là một trung thần thời Hậu Lê, từng đứng đầu cai quản Bắc Bố Chính.

Khi ngài qua đời, được vua Lê truy phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù và Đoan Túc Tôn Thần. Để ghi nhớ công lao đối với quê hương, nhân dân địa phương đã đặt bàn thờ ngài ở nơi trang nghiêm của chính điện đình làng Phan Long.

Mỗi năm, dân tế Thành hoàng 2 lần vào tháng giêng và tháng 8. Theo các bậc cao niên làng Phan Long-Ba Đồn, trong các ngày tế lễ đó, làng còn mời tất cả các vị thần khác (bách thần) về cùng thượng hưởng.

Đình làng Phan Long được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê Trung Hưng (1533-1789), quay mặt về hướng chính Bắc. Kiến trúc của đình theo lối chữ công truyền thống gồm 1 đình chính 3 gian 2 chái, phía sau là đình hậu, thấp nhỏ hơn. Đình được làm bằng các loại gỗ quý; kèo, xà, rường được chạm trổ tinh xảo với những phù điêu long, lân, quy, phượng; ngư, tiều, canh, mục. Đình có kết cấu mái cong, gọi là đao mái, mái cong thanh thoát, nhẹ nhàng là một nét đặc trưng nghệ thuật độc đáo của kiến trúc gỗ truyền thống Việt Nam, trên đỉnh mái gắn hình tượng lưỡng long chầu nguyệt.

Suốt mấy trăm năm, đình làng Phan Long chứng kiến bao cuộc bể dâu của lịch sử. Đến năm 1953, đình làng Phan Long thuộc xã Quảng Long (Quảng Trạch). Sau ngày thành lập thị trấn (26/6/1958), đình thuộc thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch). Đến năm 2013, sau chia tách địa giới hành chính, đình làng thuộc phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn).

Trong phong trào cách mạng, đình làng Phan Long không chỉ là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa mà còn là cứ địa của các cuộc đấu tranh, nơi nuôi dưỡng, che chở cán bộ cách mạng. Đình làng lưu giữ bao kỷ niệm, ân tình của người dân địa phương, ghi lại những tư liệu lịch sử, chiến tích anh hùng của nhân dân về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương. Đình cũng là không gian chứa đựng ký ức tuổi thơ và hun đúc tâm hồn của biết bao thế hệ người làng Phan Long.
 
Từ năm 1965-1969, đế quốc Mỹ đã ném xuống Ba Đồn hàng trăm tấn bom đạn, đình làng Phan Long cũng trở thành mục tiêu oanh tạc thường xuyên của địch và đã bị phá hủy hoàn toàn. Cột kèo, rường xà, gạch đá còn lại của ngôi đình được địa phương dùng lát đường cho xe ra tiền tuyến, phần được dùng xây dựng trận địa pháo bảo vệ quê hương, phần dùng làm nhà hầm cho trạm xá, cho trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND thị trấn Ba Đồn.
 
Đến năm 2007, đình làng Phan Long được xây dựng lại trên nền đất cũ, hướng cũ. Đồng thời triển khai việc phục dựng lại Án tự, tạc tượng để thờ cúng ngài Thành hoàng, xây dựng miếu thờ ngài và đầu tư làm mới lại 2 giếng làng (giếng Cau và giếng Cát) nhằm mục đích khai thông long mạch. Chi phí công trình hơn 27 tỷ đồng và ông Nguyễn Xuân Đức, một người con của làng Phan Long là người tâm huyết nhất, đóng góp trên 90% giá trị đầu tư. Đình được khánh thành vào ngày 28/2/2010.
 
Từ khi được xây dựng lại, đình làng Phan Long tiếp tục là ngôi nhà chung kết nối quá khứ và hiện tại, những người cùng tộc họ, quê quán, góp phần tăng thêm tính bền chặt của các mối quan hệ cộng đồng. Nhà báo Phạm Phú Thép, một người con của làng Phan Long chia sẻ, đình làng mãi mãi là biểu tượng quê hương mà mỗi người con xa quê đều khắc ghi, nhớ về.
 
Hiện nay, đình làng Phan Long đang được chính quyền phường Ba Đồn quan tâm quản lý sử dụng, bảo vệ tốt. Bí thư Đảng ủy phường Ba Đồn Đinh Thiếu Sơn cho hay, những giá trị văn hóa, lịch sử của đình làng sẽ mãi tồn tại và đi cùng năm tháng với người dân hôm nay, cũng như được bảo tồn, trao truyền và phát huy cho những thế hệ kế tiếp về nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của các thế hệ cha ông.
 
Việc khai thác những giá trị văn hóa từ đình làng và lễ hội để phục vụ du lịch cũng đang là hướng đi mở ra nhiều triển vọng, qua đó vừa phát huy được tiềm năng, vừa góp phần bảo tồn giá trị vật chất, tinh thần quý giá của địa phương. 
 
Ngày 6/7/2021, UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 2045/QĐ-UBND công nhận xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với đình làng Phan Long Ba Đồn, thuộc phường Ba Đồn, TX. Ba Đồn.

X.Phú
 

Nguồn tin: www.baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập113
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm108
  • Hôm nay14,982
  • Tháng hiện tại464,251
  • Tổng lượt truy cập40,733,782
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây