Điện Thành Hoàng làng Vĩnh Lộc

Thứ tư - 04/10/2023 08:54
Thật hiếm nơi nào giống như mảnh đất Quảng Lộc thân yêu của chúng ta, dẫu là một mảnh đất nhỏ bên sông Gianh nhưng có đến 4 công trình được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và quốc gia: đình Phù Trịch, điện Thành hoàng Vĩnh Lộc, trận chiến thắng Phù Trịch-La Hà, Truy Viễn đường làng Vĩnh Phước.
          Bởi thế, từ bao đời nay, dù khi vất vả hay khi đủ đầy, những người con Quảng Lộc vẫn một lòng yêu thương mảnh đất bên dòng sông Gianh này. Đó niềm tự hào về quê hương, xứ sở cứ như ngọn lửa ấm truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hình ảnh bên ngoài chính Điện
Hình ảnh bên ngoài chính Điện
Với nhiều thế hệ người làng Vĩnh Lộc, điện Thành hoàng làng đã trở thành một phần ký ức, là niềm tự hào da diết, khôn nguôi mỗi khi nhớ về làng quê bé nhỏ nằm phía hạ nguồn dòng sông Gianh. Nơi chốn trang nghiêm và linh thiêng ấy là địa điểm tổ chức những hoạt động văn hóa lễ hội mang đậm màu sắc truyền thống, níu bước chân những người con phương xa trở về mỗi dịp lễ tết, hội hè.  
Theo sử sách cũ ghi lại, điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc (Đông Đoài – Hai Giáp) được xây dựng năm 1483 từ sự đóng góp của nhân dân. Ngày ấy, điện được làm bằng tre nứa để thờ vị Thượng thư Đại Hành khiển Trần Bang Cẩn, người vốn có dòng dõi vua Trần, là người có công đánh dẹp giặc Chiêm Thành, chiêu mộ dân, khai hoang lập ấp. Năm 1815, điện Thành hoàng được nhân dân làng Vĩnh Lộc tu sửa hoàn chỉnh. Bên ngoài điện thờ trang nghiêm còn có cả một hệ thống sân ngoài, sân trong, bình phong, tiền điện, miếu tả, miếu hữu. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, điện Thành hoàng Vĩnh Lộc là kiểu kiến trúc độc đáo trong loại hình kiến trúc thời phong kiến ở Quảng Bình. Đến hôm nay, trải qua gần 600 năm tồn tại giữa bao thăng trầm của thời cuộc và vĩnh hằng trong chính tâm khảm của bao thế hệ người dân nơi đây, điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc vẫn giữ nguyên dáng vẻ uy nghi với nhiều hoa văn sắc nét. Những hình rồng, hình phượng mềm mại uốn lượn, cách điệu thể hiện khả năng sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của các nghệ nhân xưa.
2
Bên trong chính điện Thành hoàng
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và gia phả chữ Hán còn lại của các dòng họ trong làng Vĩnh Lộc, thì Vĩnh Lộc được hình thành cách đây khoảng 600 năm, từ khi Thành hoàng Trần Bang Cẩn dẫn đầu đoàn quân đánh dẹp giặc Chiêm Thành. Với mỗi thế hệ người dân làng Vĩnh Lộc, thần Trần Bang Cẩn đã trở thành một phần linh thiêng, gắn bó thiết thân với chính đời sống tinh thần, chở che họ trước những bước thăng trầm của cuộc sống. một điều rất đặc biệt là mặc dù Thành  hoàng Trần Bang Cẩn không để lai hậu duệ và gia tộc, nhưng cả làng, cả vùng luôn tỏ tấm lòng tôn kính, sự tôn kính đó được biểu hiện ở hai câu đối trong điện:
“Khai thác hình huân tồn giả sử 
Công hoàng long cảo điệp triều ân”. 
(Công ngài khai thác còn ghi nhớ 
Ơn triều đình mãi mãi còn ghi).
 Hàng năm cứ vào ngày 1-12 (âm lịch), 23 dòng họ trong làng đều tập trung tại điện Thành hoàng để làm lễ tảo mộ cho ngài trước khi về tảo mộ riêng tại các dòng họ. Đặc biệt, vào ngày giỗ vị Thành hoàng, bên cạnh việc cúng tế, rước sắc, có làm lễ diễn lại sự tích lịch sử của vị Thành hoàng, theo đó có nhiều trò vui chơi giải trí và hát xướng. Việc thờ cúng này hàng trăm năm qua vẫn được người dân trong vùng bảo lưu cho đến ngày nay, là một dạng tín ngưỡng khá đặc biệt, mang nhiều yếu tố dân dã, là môi trường tốt góp phần làm cho xu hướng nghệ thuật dân gian nảy nở và phát triển, làm đậm đà bản sắc văn hóa của làng Vĩnh Lộc
Trong những năm bom đạn chiến tranh, Thành hoàng làng Trần Bang Cẩn vẫn sống giữa lòng dân. Trong mưa bom bão đạn, mỗi người con nơi đây chỉ cần nhìn về phía thành hoàng làng là như được tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm bám trụ bảo vệ từng tấc đất quê hương.
          Hòa bình lập lại, người dân làng Vĩnh Lộc coi vị Thành hoàng làng như nguồn động viên, che chở cho họ trong chính cuộc mưu sinh, cùng vững tâm làm giàu, xây dựng kinh tế, phát triển quê hương.
Trải qua hàng trăm năm vững bền tồn tại, thách thức cả sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh và thời gian, Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc vừa là nơi thờ tự, nơi tế lễ, nơi tưởng niệm vị Thành hoàng Trần Bang Cẩn, vừa gắn bó với những lễ hội, tín ngưỡng của cư dân Vĩnh Lộc. Với chiều sâu văn hóa và bề dày lịch sử hàng trăm năm, Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1995.
3
Cổng chính vào Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc
           Điện Thành Hoàng là sự kết tinh của bao mồ hôi,công sức,tinh hoa của cộng đồng người Vĩnh Lộc hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Những tinh hoa ấy được mãi mãi gìn giữ, nâng niu bằng tất cả niềm tự hào. Bởi giữ gìn nét văn hoá truyền thống cũng chính là giữ làng.Và dù ở đâu, dù làm gì, người làng Vĩnh Lộc hôm nay vẫn đau đáu nhớ về làng quê ấy, nơi có ngôi điện Thành hoàng linh thiêng vững bền với thời gian, nơi có sự gắn bó bền chặt của tình làng, nghĩa xóm. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau, những tinh hoa ấy sẽ luôn được gìn giữ cẩn thận bằng tất cả niềm tự hào và trân trọng bởi giữ văn hóa truyền thống cũng chính là giữ làng, giữ đất.

Tác giả bài viết: Đoàn xã Quảng Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập115
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm107
  • Hôm nay23,131
  • Tháng hiện tại923,552
  • Tổng lượt truy cập42,069,006
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây