Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 05/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Thứ ba - 07/09/2021 14:45
Ngày 05/9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nội dung Công điện cụ thể như sau:
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia về hiện tượng ENSO và nhận định xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 9 năm 2021 đến tháng 2 năm 2022, hiện tượng ENSO vẫn duy trì ở trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh cho tới những tháng đầu năm 2022. Dự báo từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 07 đến 09 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 03 đến 04 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ở khu vực Bắc Trung Bộ (trong đó có tỉnh Quảng Bình), tổng lượng mưa tháng 9 - 10/2021 phổ biến cao hơn từ 20 đến 40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, lũ trên các sông ở mức báo động 2 đến báo động 3 và trên báo động 3; trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất. Cần đề phòng các đợt mưa lớn xảy ra tập trung trong tháng 9 đến tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2021.

Để chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, bão và mưa lũ tập trung, kéo dài trên diện rộng, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1107/CĐ-TTg ngày 31/8/2021 về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ, tập trung triển khai các nội dung chính sau:

1. Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, đặc biệt là ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn cũng như phòng chống dịch Covid-19, chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt trong các tình huống thiên tai. Khẩn trương củng cố, nâng cao năng lực cho các đội xung kích phòng chống thiên tai theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1546/UBND-KT ngày 13/8/2021. Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 tỉnh chỉ đạo việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng tham gia phòng chống thiên tai.

2. Tiếp tục rà soát tất cả các phương án ứng phó thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1107/CĐ-TTg ngày 31/8/2021; của UBND tỉnh tại Thông báo số 2520/TB-VPUBND ngày 08/7/2021, Công văn số 1739/UBND-KT ngày 31/8/2021, chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn xảy ra đối với các vùng đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ở các khu cách ly tập trung, bệnh viện, bệnh viện dã chiến đang điều trị bệnh nhân Covid-19 để triển khai thực hiện ngay khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ, lúng túng.

3. UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục rà soát các địa điểm, khu vực sơ tán dân ở khu vực thấp, trũng, ven biển, cửa sông, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Chủ động gia cố chắc chắn, vệ sinh, tiêu độc khử trùng các khu vực, địa điểm sơ tán đảm bảo an toàn cho Nhân dân đối với các tình huống thiên tai cũng như dịch bệnh Covid - 19. Chỉ đạo từng xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố thiết lập, công khai số điện thoại để tiếp nhận thông tin, kịp thời triển khai các phương án ứng phó với sự cố, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Khi có tình huống thiên tai bão, mưa, lũ xảy ra phải nắm thông tin về người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây trồng, thủy sản nuôi trồng vụ Hè Thu, có phương án giúp người dân vùng đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thu hoạch đảm bảo an toàn cho sản xuất cũng như phòng chống dịch Covid-19.

4. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên trước, trong, sau thiên tai, đồng thời hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng học tập.

5. Khi có tình huống bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra: Kiểm đếm chặt chẽ, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn neo đậu, không để xảy ra thiệt hại do va đập, cháy nổ trong khu neo đậu. Kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn với các cấp gió bão; tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trường học, cơ sở y tế, các tháp cao, hệ thống lưới điện, khu công nghiệp... để giảm thiểu thiệt hại; không chủ quan, không để xảy ra tai nạn trong khi gia cố, chằng chống nhà cửa, sơ tán vật dụng; triển khai phương án sơ tán người dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn theo từng kịch bản, cấp độ thiên tai trước khi bão đổ bộ, đồng thời thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19. Các địa phương, cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung phương án ứng phó trong tình huống người dân, cơ quan, tổ chức phải đi lại, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư, dụng cụ để thực hiện chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng... ứng phó với bão đổ bộ ở các khu vực đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

6. Khi có mưa lũ xảy ra: Theo từng cấp độ thiên tai, huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các điểm có nguy cơ sạt lở, vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, trong đó chú ý phương án có thể phải sơ tán dài ngày, đồng thời đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét. Thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa, lũ. Triển khai phương án bảo vệ các ao hồ, lồng bè nuôi trồng thủy sản, khơi thông các vườn cây lâu năm, cây ăn quả...; sẵn sàng di dời tài sản, gia súc, gia cầm tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn.

7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị, Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại, Bắc Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Chi cục Kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, lực lượng bảo vệ rừng rà soát lại các đồn, trạm, chốt, lán trại, chủ động di dời, tránh xa các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, trong trường hợp cần thiết tạm thời rút lực lượng để đảm bảo an toàn.

8. Tăng cường tuần tra, kiểm tra rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa nước, công trình bị hư hỏng, đang thi công, nhất là các hồ chứa nhỏ, xung yếu; chỉ đạo vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa, lũ. Phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đê điều, tổ chức giải tỏa bãi tập kết vật liệu, công trình, nhà xưởng xây dựng trái phép ở lòng, bãi sông gây cản trở thoát lũ.

9. Sẵn sàng, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, kiểm tra các bến đò ngang, các nơi ngập sâu, nước chảy xiết, chủ động dừng hoạt động đối với các cầu phao, đò ngang... Khi có mưa lũ lớn, nghiêm cấm việc người dân vớt củi, đánh bắt thủy sản trên sông, suối, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người.

10. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo thông tin, liên lạc, an toàn giao thông, hệ thống điện, an ninh trật tự và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

11. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, nước uống phục vụ Nhân dân khi có yêu cầu, có tính đến khả năng mưa lũ, ngập úng, chia cắt kéo dài, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống, vùng đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

12. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cán bộ và Nhân dân về công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lưu ý tình huống thiên tai có thể xảy ra mưa rất lớn, cục bộ trong thời gian ngắn.

13. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, đưa ra nhận định sớm, đảm bảo độ tin cậy để thông tin đến các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.

14. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh) chủ trì, phối hợp với sở ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh quyết định kịp thời các tình huống khẩn cấp về thiên tai, sự cố theo quy định.

15. Ngay sau thiên tai, khẩn trương thực hiện các giải pháp, biện pháp sớm ổn định đời sống của Nhân dân, khẩn trương vệ sinh môi trường, khắc phục, khôi phục sản xuất, kinh doanh, cơ sở hạ tầng thiết yếu.

16. Thực hiện thống kê, thiệt hại theo quy định, đảm bảo chính xác và mức độ thiệt hại trước khi báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh.

17. Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác chủ động phòng chống thiên tai trên địa bàn, phạm vi quản lý và nội dung, số liệu báo cáo thống kê, thiệt hại do thiên tai.

Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương thực hiện./.

Nguồn tin: www.quangbinh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập168
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm148
  • Hôm nay14,822
  • Tháng hiện tại447,953
  • Tổng lượt truy cập33,978,672
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây