Nhắc đến câu nói của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm khẳng định, thi đua không chỉ là động lực thúc đẩy việc phấn đấu, xây dựng phát triển đất nước mà còn thể hiện khát vọng cống hiến của mỗi người. Vì thế, Luật TĐKT năm 2003 là cơ sở pháp lý quan trọng của việc khích lệ, động viên phong trào thi đua yêu nước.
Qua 17 năm triển khai và 3 lần sửa đổi, Luật vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Đó là việc khen thưởng mới chỉ đề cập chủ yếu đến đối tượng trong khối công lập, nhà nước, chưa có cơ chế khen thưởng các tập thể nhỏ, các cá nhân điển hình, người lao động trực tiếp. Nhiều hoạt động khen thưởng vẫn hình thức, tràn lan. Cơ chế vận hành thực thi pháp luật về TĐKT vẫn chưa thực sự thúc đẩy hết động lực phấn đấu của người lao động bởi sự đóng khung các tiêu chí làm cho các danh hiệu thi đua và khen thưởng chủ yếu tập trung vào một bộ phận...
Tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo của cơ quan thẩm tra về đề xuất sửa đổi Luật TĐKT một cách toàn diện (sửa đổi 94/98 điều), đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, Luật mới sẽ đặt nền móng cho những thay đổi căn bản trong công tác TĐKT, phù hợp với bối cảnh đời sống xã hội ngày càng phong phú, đa dạng các thành phần kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã góp ý những nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, nhiều cử tri cho rằng, hiện nay để đạt được các hình thức khen cao đòi hỏi phải có sự kế thừa liên tục các danh hiệu. Cụ thể: Điều 18 quy định danh hiệu chiến sĩ thi đua (CSTĐ) toàn quốc phải (i)... có hai lần liên tục được tặng danh hiệu CSTĐ cấp bộ, ngành, tỉnh, (ii) có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc hoặc.... Quy định này rất khó cho các đối tượng có liên quan khi được xét, vì để đạt CSTĐ toàn quốc phải có 2 lần liên tục đạt danh hiệu CSTĐ cấp bộ, ngành, tỉnh. Tương tự, để đạt danh hiệu CSTĐ cấp bộ, ngành, tỉnh thì phải đạt 3 lần liên tục CSTĐ cơ sở… Những đối tượng như các chuyên viên, nhân viên sẽ rất khó để có được các mức khen cao khi phấn đấu phải liên tục cả một quá trình dài mà đặc biệt là khung tiêu chuẩn “có sáng kiến ... ảnh hưởng trong toàn quốc”.
Chính điều này và quy định về tỷ lệ khen thưởng đã khiến thi đua có lúc mang tính “hình thức, phong trào”, tập thể xây dựng “lộ trình khen thưởng”, cá nhân “nhường nhau” để có thể theo đuổi đạt được danh hiệu thi đua cao hơn. Vì vậy, ban soạn thảo nên xem xét quy định các tiêu chuẩn danh hiệu thi đua bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh quy định “gối đầu” như hiện nay. Có như vậy khen thưởng mới hướng về đối tượng người lao động, người có thành tích trực tiếp.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị, tại khoản 3 Điều 24, 25 về danh hiệu "Tập thể Lao động xuất sắc", "Tập thể Lao động tiên tiến"; "Tập thể đơn vị Quyết thắng", "Đơn vị tiên tiến", theo đó, giao bộ, ngành, tỉnh quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu trên. Đại biểu cho rằng, việc quy định như vậy dẫn đến việc áp dụng không thống nhất trên toàn quốc. Khi đó, mỗi địa phương sẽ có mỗi quy định riêng. Để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định tiêu chuẩn này tại dự thảo Luật.
Đối với khoản 3 Điều 82 quy định: Tổng Thư ký Quốc hội trình khen thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh danh Nhà nước cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, các cơ quan của Quốc hội...; ĐBQH chuyên trách địa phương do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý. Đề nghị nên mở rộng đối tượng là “đại biểu kiêm nhiệm, đại biểu dân cử”... để tránh tình trạng các đối tượng này chỉ được xét khen thưởng khi nghỉ hưu, hoặc khi tổng kết nhiệm kỳ.
Đối với Điều 93 quy định xử lý vi phạm về TĐKT để đảm bảo phù hợp, đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung quy định xử lý vi phạm về TĐKT gồm các đối tượng như người được khen, người có thẩm quyền xét duyệt, người làm công tác giải quyết hồ sơ TĐKT... Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 93 đề nghị bổ sung cụm từ “thu hồi hiện vật và tiền thưởng” vào sau cụm từ “...hủy bỏ quyết định khen thưởng” để đảm bảo thống nhất với khoản 1 Điều này.
Thứ hai, về bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, nhiều ý kiến đề nghị không nên đưa vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, đóng góp của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trong thời kỳ kháng chiến là hết sức to lớn, cần được ghi nhận, tri ân. Do đó, nếu bổ sung thêm hình thức khen thưởng này vào Luật thì đề nghị Quốc hội có thể xem xét điều chỉnh bằng một Nghị quyết, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tương tự như Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị Quốc hội cần có Nghị quyết để điều chỉnh, rà soát, sửa đổi Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” bởi lẽ có nhiều quy định liên quan đã không còn phù hợp tình hình hiện tại. Điển hình là quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 56/2013/ND-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định những bà mẹ thuộc trong các trường hợp sau được xét tặng...”Bà mẹ VNAH” thì “có 2 con trở lên là liệt sĩ, chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ, 1 con là thương binh mất khả năng lao động từ 81% trở lên”… Đại biểu Nguyễn Minh Tâm lý giải, những điều kiện này rất khó đáp ứng bởi với chính sách dân số của thời kỳ đổi mới, những bà mẹ chỉ có 1-2 con và việc một người con hi sinh trong thời bình là một đau đớn, mất mát rất lớn đối với gia đình mà đặc biệt là người mẹ, vì vậy, họ xứng đáng được tôn vinh, truy tặng.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề xuất, trong các đợt ứng phó với thiên tai, đặc biệt là đợt lũ lịch sử tháng 10-2020 và gần đây nhất là ứng phó với đại dịch Covid-19, nhiều chiến sĩ, y bác sĩ tuyến đầu đã hi sinh và được truy tặng liệt sĩ. Mẹ của họ xứng đáng được vinh danh “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Vì thế, đại biểu mong những quy định liên quan sẽ có sự đổi mới, đáp ứng yêu cầu của công tác TĐKT trong tình hình mới.
Chia sẻ về một gia đình có hoàn cảnh rất bình thường tại Quảng Bình đã ủng hộ hơn 2 tỷ đồng để tỉnh mua máy móc, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và được Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh gửi thư khen, tặng bằng khen, đại biểu Nguyễn Minh Tâm mong muốn Luật TĐKT (sửa đổi) không phân biệt công chức hay người dân, lãnh đạo hay nhân viên, lao động. Có như thế, khen thưởng mới thực sự là vai trò “đòn bẩy” cho khát vọng cống hiến vì lòng yêu nước như Bác Hồ hằng mong muốn.
Để tránh tình trạng khi luật đã có hiệu lực nhưng nghị định chưa kịp ban hành, khó triển khai thực hiện, quá trình áp dụng lúng túng, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại những nội dung quy định được vào luật thì nên quy định, để khi luật có hiệu lực, có căn cứ triển khai thực hiện, tránh tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, góp phần giảm tải các văn bản quy phạm dưới luật.
Ngọc Mai (lược ghi)
Nguồn tin: www.baoquangbinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...