Thị xã Ba Đồn tham gia hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Thứ sáu - 26/04/2024 10:07
      Chiều ngày 25/4, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến đến cấp huyện, cấp xã triển khai công tác PCTT và TKCN năm 2024. Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh có thành viên Ban Chỉ huy và đại diện lãnh đạo đơn vị liên quan. Tại điểm cầu thị xã Ba Đồn có sự tham gia của đồng chí Đoàn Minh Thọ-Phó Bí thư Thị ủy-Chủ tịch UBND thị xã, thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thị xã và đại diện lãnh đạo các phòng, ban liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu thị xã Ba Đồn
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu thị xã Ba Đồn
     Năm 2023, tình hình thiên tai có phần giảm nhẹ so với những năm gần đây, ít hiện tượng thời tiết cực đoan, tuy nhiên diễn biến tiếp tục phức tạp, khó lường. Trước mùa mưa bão, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cũng đã tổ chức rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTTvà TKCN để bảo đảm công tác chỉ huy, điều hành thông suốt, hiệu quả; 151/151 xã, phường, thị trấn đã thành lập đội xung kích PCTT với 12.359 người; chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần để phòng, tránh, ứng phó các tình huống thiên tai; công tác “4 tại chỗ” được đơn vị quản lý đập, hồ chứa nước chuẩn bị sẵn sàng. Việc triển khai xây dựng các mô hình nhà chống lũ, bão nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân, nâng cao khả năng PCTT giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 25 nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp làm nơi tránh trú lũ, bão; 661 nhà phao chống lũ; khoảng 200 nhà chòi tránh lũ, bão; 897 nhà kiên cố chống lũ, bão tại 60 xã, phường…
       Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện muộn và ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), có khoảng 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và có khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó có 1-2 cơn ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Quảng Bình. Từ tháng 5-8, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn TBNN, nắng nóng có xu hướng gia tăng với số ngày nóng có khả năng xuất hiện nhiều hơn và gay gắt hơn.
      Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh, dự báo thời tiết năm nay sẽ cực đoan, nắng nóng gay gắt, nguy cơ rất cao về cháy rừng, hạn hán vào mùa khô; mưa, bão diễn biến phức tạp vào cuối năm, lũ có khả năng cao hơn TBNN, đặt ra yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ứng phó, phòng tránh, CH, CN phải chuyên nghiệp, hiệu quả hơn; đồng thời xác định PCTT và TKCN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội… Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động hệ thống chính trị trong PCTT, CH, CN gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành; bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó, phòng, chống các tình huống thiên tai; xây dựng phương án chỉ huy, kế hoạch hiệp đồng, huy động lực lượng, phương tiện CH, CN liên vùng, liên xã để hỗ trợ, ứng cứu khi thiên tai xảy ra cũng như phục hồi sản xuất, đời sống sau thiên tai; chỉ đạo, kiểm tra, chuẩn bị tốt việc ứng phó, phòng chống hạn hán, cháy nổ, cháy rừng trong mùa khô, ứng phó bão mạnh, lũ lụt trong mùa mưa, bão năm 2024; rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để chủ động xử lý, di dời bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân… Đồng thời đẩy mạnh truyền thông, nhất là truyền thông cơ sở về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai; bảo đảm thông tin, liên lạc, an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội, hệ thống điện, nước trước, trong và sau thiên tai, sự cố; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PCTT, CH, CN; bảo đảm công tác hậu cần, cứu trợ khẩn cấp trước, trong thiên tai; chủ động triển khai sớm, kịp thời lực lượng, phương tiện, vật tư theo các phương án, kịch bản khi có tình huống xảy ra; sớm ổn định đời sống sinh hoạt, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai…
       Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo, chỉ huy PCTT và TKCN bảo đảm kịp thời và đạt hiệu quả cao hơn. Về xây dựng các mô hình chống bão, ngập lụt, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần phải đánh giá hiệu quả từng mô hình với từng điều kiện địa phương, loại hình thiên tai và các giải pháp nhân rộng mô hình để các sở, ngành, địa phương, đơn vị có cơ sở triển khai trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Lệ Hằng+Hồng Sâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập98
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm97
  • Hôm nay2,556
  • Tháng hiện tại254,227
  • Tổng lượt truy cập40,523,758
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây