Bảo toàn danh dự đảng viên - điều thiêng liêng và cao quý nhất

Thứ hai - 30/08/2021 08:14

Bảo toàn danh dự đảng viên - điều thiêng liêng và cao quý nhất

Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, dù ở đâu, dù ở cương vị nào, trước cam go thử thách, mỗi cán bộ, đảng viên hãy khắc cốt ghi tâm: Lời thề trước Đảng - Hãy giữ “danh thơm, tiếng tốt”, để bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng.
Ngày 11-8, phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên mà trước hết là người lãnh đạo đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, bởi: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp toàn quốc đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo
tại phiên họp toàn quốc đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Danh dự, uy tín của cán bộ, đảng viên không thể đo đếm hay mua bằng tiền, vàng hoặc vật chất. Danh dự cũng không bỗng dưng có được, mà phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện. Bởi vậy, trong nhiều bài viết, nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mong muốn: Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên: Hãy giữ liêm sỉ và danh dự - hãy khắc cốt ghi tâm: “Lời thề trước Đảng – Hãy giữ danh thơm tiếng tốt”. Đó là cách để bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng một cách bền vững nhất.
 
Tại buổi lễ kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, các đảng viên đều tuyên thệ: “Trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại! Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, tuyệt đối phục tùng kỷ luật và sự phân công của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”.
 
Nói đến lời thề của đảng viên là nói đến lương tâm, danh dự, phẩm chất, giá trị, uy tín và thanh danh của người cộng sản. Mang theo lời thề thiêng liêng ấy, trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, có hàng trăm nghìn đảng viên đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì nước, vì dân.
 
“Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí/ Phải giữ gìn tỉ mỉ/ Như tròng mắt con ngươi…” – Thế hệ cha ông đã rất coi trọng việc giữ gìn liêm sỉ, danh dự như vậy. Liêm và Sỉ là hai đức hạnh cao thượng nhất của con người. Người Liêm khiết thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để chiếm công vi tư. Còn người không có Liêm thì thứ gì cũng lấy, người không có Sỉ thì việc gì cũng làm.
 
Trong nhiều bài viết, nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở, phân tích sâu sắc về tư cách, đạo đức cách mạng, về liêm sỉ và danh dự của người cán bộ, đảng viên. 
 
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", một lần nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh : Phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ và giữ danh dự của người đảng viên.  
 
"Nếu không liêm thì của gì cũng cả gan lấy. Không sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Người mà đến như thế không chỉ rước họa làm “thân bại danh liệt” và thử hỏi còn tai họa nào mà chẳng đến. Huống chi, kẻ làm quan mà cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn mà làm thì sao mà thiên hạ không loạn, quốc gia không mất cho được. Khi không có tài đức mà dám cầm trọng trách để cho cơ đồ tan hoang, đổ vỡ. Khi mình đã ở cấp lãnh đạo mà không làm cho đạo đức được thi hành, quốc pháp được tuân thủ. Những người chuyên sống xảo trá, quỷ quyệt, ăn cắp quốc khố là vô hình trung đã vứt bỏ mất danh dự, liêm sỉ, tức là lòng hổ thẹn của mình rồi”- Tổng Bí thư cho biết.
 
Nhắc lại một câu nói nổi tiếng của nhân vật Pavel Korchagin trong tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Liên Xô Ostrovsky. “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ”, Tổng Bí thư nhắn gửi: Phải sống sao cho khỏi phải hổ thẹn.
 
“Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống. Bởi vì đời người chỉ sống có 1 lần, phải sống làm sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí”-Tổng Bí thư nhấn mạnh.
 
Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, trong nhiều phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên, đó là: kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Đấy mới là người cộng sản chân chính. Chủ nghĩa cá nhân, yếu tố dễ làm cho người cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, làm cho không ít cán bộ nảy sinh căn bệnh tham ô, tư túi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích tập thể, trên cả lợi ích của quốc gia, dân tộc.
 
Thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thức tỉnh mọi cán bộ, đảng viên và mỗi chúng ta không ngừng tu dưỡng đạo đức, lối sống và tránh xa chủ nghĩa cá nhân.
 
Nhà báo Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, muốn là người đảng viên, muốn là người cán bộ, trước hết phải là một con người chân chính, một con người biết trọng liêm sỉ, trọng danh dự. Danh dự là thứ cao quý nhất trên đời, danh dự là biểu hiện cao nhất của liêm sỉ. Đó là yêu cầu trước hết, cũng là yêu cầu cuối cùng của cán bộ đảng viên. Dù giữ chức vụ to hay nhỏ, dù ở Trung ương hay ở cơ sở, thì trước hết phải là con người ngay ngắn, con người chân chính, như thế mới làm lãnh đạo được, mới thay mặt Đảng làm công việc quản trị quốc gia, quản trị xã hội được.
Nhà báo Nhị Lê.
Nhà báo Nhị Lê.

Mới đây nhất, phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 11-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa chia sẻ về lẽ sống của người cách mạng:  Đó là phải làm sao giữ cho được, làm cho đúng theo tư cách, đạo đức, danh dự của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người lãnh đạo. Bởi một công bộc của một quốc gia liêm chính phải có đức - có tài- phải công chính vô tư.
 
TS Cao Đức Thái - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ, người cán bộ, đảng viên phải đặt cống hiến lên hàng đầu, không đặt hưởng thụ. Có lẽ đó là thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nhắn nhủ là phải tự rèn luyện khả năng trong hoàn cảnh khó khăn để cống hiến. Có những lúc đứng trước những cám dỗ, quyền lợi thì đừng vì việc ấy mà thay đổi phẩm chất.
 
Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng ta từng đau đáu suốt nhiều năm qua về việc tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên. Bởi thực tế vẫn còn một phận cán bộ đảng viên đang tự đánh mất phẩm giá thiên lương, làm hoen ố danh dự của người cộng sản. Họ đã không kiên tâm, bền chí nuôi dưỡng, bồi đắp và bảo toàn danh dự hai tiếng “Đảng viên”.
Nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị kết án 5 năm tù vì liên quan vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”.
Nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị kết án 5 năm tù
vì liên quan vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”.

Bài học từ nhiệm kỳ XII với hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý vi phạm kỷ luật Đảng cho thấy, khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, dù ở đâu, dù ở cương vị nào, trước cam go thử thách, trước những cám dỗ “mồi phú quý, bả vinh hoa” thì mỗi cán bộ, đảng viên hãy khắc cốt ghi tâm: Lời thề trước Đảng - Hãy giữ “danh thơm, tiếng tốt”, để bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng.
 
“Phải nỗ lực hơn nữa để tu dưỡng, rèn luyện mình, làm sao để xứng đáng với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, giữ bằng được cho mình điều thiêng liêng nhất đó là Danh dự"- thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở các cán bộ, đảng viên cần tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Bởi giữ vững đạo đức cách mạng, chính là “Cội nguồn của sức mạnh” để đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Đó cũng chính là tinh thần mà mục tiêu phát triển tổng quát đã nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
 
Theo Nguyễn Hằng- Lại Hoa/VOV1

Nguồn tin: www.baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập110
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm107
  • Hôm nay6,387
  • Tháng hiện tại599,348
  • Tổng lượt truy cập40,119,137
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây