Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người

Thứ tư - 22/03/2023 15:40
Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố.
Cán bộ Chi cục Thú y vùng IV lấy mẫu nội tạng của lợn bệnh sau khi tiêm vaccine phòng dịch để tiềm hiểu nguyên nhân. Ảnh minh họa: Tường Quân/TTXVN
Cán bộ Chi cục Thú y vùng IV lấy mẫu nội tạng của lợn bệnh sau khi tiêm vaccine phòng dịch để tiềm hiểu nguyên nhân. Ảnh minh họa: Tường Quân/TTXVN
Điển hình là mới đây, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã cấp cứu thành công một ca sốc phản vệ độ II. Đó là ông L.Q.H.S. (51 tuổi), trú tại xã Phù Linh, nguyên nhân được xác định là do ông đã ăn lòng lợn, tiết canh.
 
Ông S. nhập viện trong tình trạng toàn thân da mẩn đỏ; tức ngực; khó thở; huyết áp đo được 150/90mm Hg; mạch nhanh 124 nhịp/phút; tần số thở 35 lần/ phút, chỉ số Sp02 là 92%.
 
Theo lời kể của ông S., trước khi vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện khoảng 1 giờ, ông đã ăn lòng lợn, tiết canh. Bệnh nhân S. cũng cho biết, bản thân có tiền sử khỏe mạnh, không bị dị ứng.
 
Cũng vào tháng 2/2023, trên địa bàn Hà Nội cũng đã ghi nhận trường hợp đầu tiên bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm. Đó là nam bệnh nhân 52 tuổi ở quận Hà Đông, làm nghề bán lòng lợn tiết canh.
 
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cũng đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn thoát nguy cơ tử vong.
 
Theo Bộ Y tế, bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
 
Năm 1960, người nhiễm đầu tiên được phát hiện. Đến nay, trên thế giới đã ghi nhận khoảng 490 ca bệnh liên cầu lợn ở người, trong đó tỷ lệ tử vong là 17,5%. Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003. Trong vài năm qua, có khoảng 10 bệnh nhân vào điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương. Trong hai năm 2005 - 2006, có 72 trường hợp nhiễm S.suis nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Năm 2007 có tới hơn 48 ca (22 ca ở miền Bắc, 20 ca ở miền Nam, 6 ca ở miền Trung) được chẩn đoán bị bệnh liên cầu lợn, có một số ca xét nghiệm xác định được tác nhân gây bệnh là S.suis týp II. Có 3 ca trong số này đã tử vong.
 
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy bệnh này có khuynh hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng, 58 bệnh nhân (81%) là nam giới. Phần lớn bệnh nhân là nông dân, 38% bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lợn hay thịt lợn, tuy nhiên chỉ có 6 bệnh nhân (8%) có tổn thương da nghi ngờ. 69 bệnh nhân (96%) biểu hiện bệnh cảnh viêm màng não như: sốt, nhức đầu, ói, cổ cứng, rối loạn tri giác là những triệu chứng thường gặp. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc.
 
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng ban hành Công văn số 226/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch; các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.
 
Đồng thời, tăng cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người: không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.
 
Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.
 
Bên cạnh chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện bảo đảm triển khai các biện pháp giám sát và xử lý ổ dịch, các đơn vị rà soát các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh liên cầu lợn để củng cố năng lực cho cán bộ chuyên trách.
 
Các đơn vị cũng đảm bảo phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT; Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Cục Y tế dự phòng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức

https://www.baoquangbinh.vn/suc-khoe/202303/bo-y-te-khuyen-cao-cac-bien-phap-phong-lay-nhiem-lien-cau-lon-sang-nguoi-2207798/

Nguồn tin: Báo Quảng Bình điện tử.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập356
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm347
  • Hôm nay19,142
  • Tháng hiện tại323,911
  • Tổng lượt truy cập39,843,700
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây