Thị xã Ba Đồn: Chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết

Thứ ba - 04/10/2022 11:43
Hiện đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết với nhiều ca bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc mới đang gia tăng. Cùng với các địa phương khác trong toàn tỉnh, hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thị xã Ba Đồn đang gia tăng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời. Trước tình hình đó, thị xã đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, khống chế không để dịch sốt xuất huyết lan rộng trên địa bàn.
Các bác sĩ chăm sóc và điều trị hiệu quả các ca bệnh.
Các bác sĩ chăm sóc và điều trị hiệu quả các ca bệnh.
    Để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, thị xã đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tăng cường giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch; đẩy mạnh giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị hiệu quả các ca bệnh, tránh lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất tử vong.
     Bác sỹ Nguyễn Ngọc Dũng – Trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình chia sẻ: Những ngày gần đây, Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình quá tải vì bệnh nhân SXH nhập viện. Bình quân mỗi ngày thu dung điều trị bệnh nhân mới từ 5-10 người. Tại bệnh viện những ngày qua thường xuyên điều trị bệnh nhân nội trú nên phải kê thêm giường và thậm chí bệnh nhân phải nằm ghép, rất chật chội, bất tiện cho bệnh nhân và người nhà chăm sóc. Hiện tại các loại thuốc cơ bản dùng cho điều trị SXH bệnh viện đang nỗ lực để đáp ứng cho công tác điều trị. Tuy nhiên, một số ca có dấu hiệu chuyển biến nặng, bệnh viện đã kịp thời chuyển lên tuyến trên.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Bình quân mỗi ngày thu dung điều trị bệnh nhân mới từ 5-10 người
     Từ đầu năm 2022 đến nay, thị xã Ba Đồn đã ghi nhận gần 300 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó tập trung chủ yếu tại phường Quảng Thọ, phường Ba Đồn, phường Quảng Long, xã Quảng Lộc, xã Quảng Hòa, xã Quảng Hải…Đến thời điểm hiện tại tuy chưa có trường tử vong do SXH nhưng đã có một số bệnh nhân chuyển biến nặng phải chuyển tuyến trên. Hiện dịch sốt xuất huyết tại thị xã vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Ngay từ đầu năm 2022, khi xuất hiện những ổ dịch SXH đầu tiên tại địa phương, thị xã đã chủ động phối hợp với ngành chức năng triển khai dập các ổ dịch mới, phun hóa chất chủ động diệt muỗi ở các ổ dịch cũ tại các địa bàn có nguy cơ cao. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân tự giác làm vệ sinh môi trường sống của gia đình; tiêu diệt loăng quăng, hạn chế sinh trưởng của muỗi truyền bệnh SXH...
Lãnh dạo thị xã chỉ đạo phường Ba Đồn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả
Lãnh dạo thị xã chỉ đạo phường Ba Đồn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả
    Ông Cao Vĩnh Phúc, khu phố 2, phường Ba Đồn, thị xã ba đồn cho biết:Mấy ngày gần đây tôi nghe loa phường thông báo có dịch sốt xuất, nhà tôi cũng chủ động dọn dẹp vệ sinh quanh nhà, diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Nhà tôi cũng thường xuyên ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Chị Ngô Thị Bảy, TDP Tiền Phong, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn tâm sự: Hiện nay đang có dịch bệnh sốt xuất huyết nên chúng tôi rất lo lắng vì đây là bệnh do muỗi đốt và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Gia đình tôi cũng đã thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi như dọn dẹp vệ sinh quanh nhà, ngủ màn ngay cả ban ngày và sử dụng vợt điện để diệt muỗi, không cho muỗi sinh sản.
Trung tâm Y tế phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Trung tâm Y tế phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
    Mặc dù công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại thị xã đã được quan tâm chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng dịch nhưng một số địa phương của thị xã vẫn còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch nên tình hình dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp. Điều đáng nói là hiện nay, một bộ phận người dân ý thức chưa cao, còn chủ quan, lơ là và thậm chí thiếu hợp tác với cán bộ y tế trong phòng, chống dịch SXH; bên cạnh những địa phương tích cực chống dịch, vẫn còn những địa phương thiếu sự quan tâm … nên công tác phòng, chống dịch chưa triệt để, hiệu quả chưa cao.  
   Ông Nguyễn Phúc Kỳ-Phó giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn cho biết: "Cùng với chu kỳ bùng phát dịch SXH, thì thời gian này trên địa bàn thị xã  thời tiết cực đoan, mưa nắng thất thường là điều kiện cho muỗi truyền bệnh (Aedes Aegypty) sinh sản mạnh.  Để chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch lây lan, thị xã Ba Đồn tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép các hoạt động vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ chứa loăng quăng; triển khai các hoạt động thiết thực truyền thông phòng, chống SXH nhằm nâng cao ý thức cho người dân chủ động cách phòng, chống dịch bệnh; tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường ở những vùng nguy cơ cao, như: các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, chợ, nhà hàng... đặc biệt, tại những nơi đang có ca bệnh SXH lưu hành, nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Đoàn phường Ba Đồn phối hợp với người dân loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng
Ý thức phòng chống dịch Sốt xuất huyết của cơ quan, ban, ngành và người dân được nâng lên.
      Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, ý thức phòng chống dịch Sốt xuất huyết của người dân cũng cần được nâng lên. Trong đó, đặc biệt chú ý các biện pháp phòng dịch sau đây: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng; Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; Không tự ý điều trị tại nhà.

Tác giả bài viết: Lệ Hằng - Lan Anh - Hải Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập158
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm123
  • Hôm nay1,387
  • Tháng hiện tại554,851
  • Tổng lượt truy cập34,085,570
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây