Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại

Thứ ba - 26/03/2024 15:29
Trong năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố, 674.888 người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại, tăng 45% so với năm 2022. Đặc biệt, trong 02 tháng đầu năm 2024, đã có 18 người tử vong do bệnh Dại tại 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 người so với cùng kỳ năm 2023. Gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra trường hợp chó dại cắn 14 học sinh và giáo viên trong trường học.

Ở tỉnh Quảng Bình, năm 2023 có 03 trường hợp, 02 tháng đầu năm 2024 có 01 trường hợp người chết do bệnh Dại. Mặt khác, kết quả tiêm phòng vắc xin bệnh Dại cho động vật trong năm 2023 đạt thấp, một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng đạt dưới 25% so với kế hoạch như Bố Trạch, Lệ Thủy và Minh Hóa; công tác tiêm phòng vắc xin theo kế hoạch năm 2024 chưa đảm bảo tiến độ; công tác quản lý đàn chó nuôi chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm; người bị động vật cắn còn chủ quan không tiêm phòng vắc xin bệnh Dại hoặc theo dõi tình hình bệnh Dại trên động vật để kịp thời xử lý.

Để chủ động kiểm soát có hiệu quả bệnh Dại trên động vật, hạn chế thấp nhất nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người; ngày 20/3/2024, UBND tỉnh đã có Công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật theo quy định của Luật Thú y và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024. Trong đó cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân tuân thủ chấp hành quy định của pháp luật trong việc nuôi và quản lý chó, mèo, đặc biệt tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo; nguy cơ, tác hại và biện pháp phòng, chống bệnh Dại; thực hiện tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật cắn, đặc biệt là chó, mèo.

Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh; truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lưu ý việc không chữa bệnh Dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Tăng cường công tác quản lý chó, mèo; rà soát, thống kê số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo để thực hiện tiêm phòng vắc xin. Giám sát tình hình bệnh Dại động vật; kịp thời thông báo cho ngành Y tế khi có ổ dịch bệnh Dại động vật, có nguy cơ lây nhiễm sang người; chia sẻ thông tin, phối hợp ngành y tế điều tra, xử lý ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại.

Đối với công tác tuyên truyền, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường công tác truyền thông nguy cơ, tính chất, dấu hiệu nhận biết bệnh Dại để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh; tuyên truyền người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, chấp hành tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại. Lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Nguồn tin: Sở TTTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập596
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm590
  • Hôm nay16,192
  • Tháng hiện tại320,961
  • Tổng lượt truy cập39,840,750
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây